Tạm khép lại, song chúng tôi tin rằng những người tham gia cuộc trao đổi ý nghĩa này đã góp phần ít nhiều trả lời một câu hỏi lớn mà trong sự chuyển động của mình, đời sống thi ca Việt Nam hiện đại- đương đại đang đặt ra... Và, như một khoảng mở, trang văn kỳ này chúng tôi dành cho phần "nói thêm" của Anh Chi và Ðỗ Ngọc Yên, sau sự "minh định..." của Inrasara in số trước. Cũng do khuôn khổ số báo, chúng tôi mong nhà thơ Inrasara thông cảm, vì hẳn rằng ông cũng muốn có đôi điều trao đổi tiếp.
Ðỗ Ngọc Yên: Vài điều với Inrasara
Ở bài viết gần đây nhất, trên Nhân Dân cuối tuần số 22, tôi chia sẻ với Inrasara khi ông cho rằng "người đọc cũng cần được đào tạo". Ðúng vậy, nhưng chỉ trên tinh thần chung. Và cần nhấn mạnh đối với nhóm người đọc có nghề (nhà phê bình), nhất thiết cần phải học nhiều hệ mỹ học khác nhau của nước ngoài như các nhà Thơ mới đã làm khi tiếp nhận thơ ca Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhưng còn với nhóm người đọc thông thường, thì điều này xem ra quá xa vời... Tuy nhiên, tôi hiểu đấy chỉ là mong muốn từ phía chủ quan của Inrasara.
Trên thực tế, sự khác nhau giữa các nền giáo dục như Inrasara nói là rất đáng suy ngẫm: "Trong khi học sinh trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị để] làm quen với thơ La-mác-tin (Lamartine), Muy-xê (Musset), Răm-bô (Rimbaud)...; còn ở ta 20-30 năm qua, ngay sinh viên Ðại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn đang xảy ra trên thế giới. Cụ thể: khi hậu hiện đại thế giới đi hết một phần tư thế kỷ, rồi hậu hiện đại Việt qua một thập niên, thì sinh viên ta mới nghe nhắc đến chủ nghĩa này trên giảng đường".
Riêng khái niệm - phạm trù "hệ mỹ học", theo tôi, đây là thuật ngữ dùng để chỉ hệ thống khoa học nghiên cứu về cái đẹp, trong đó có thơ ca. Nhưng theo cách lập luận và diễn đạt của Inrasara, dễ khiến người đọc hiểu là một cái gì đó quá to tát, thậm chí mang nặng tính kinh viện, nên rất khó tiếp nhận. Trong khi ấy, ở một chỗ khác ông lại cho rằng, "Nhà thơ sáng tạo đã đành, người đọc cũng cần biết nhập cuộc đồng sáng tạo". Vậy là quan niệm của Inrasara cũng khá rõ ràng, tức là người đọc, nhất là người đọc có nghề cần "biết nhập cuộc đồng sáng tạo". Thiển nghĩ, chí ít nhà phê bình cũng phải hiểu được dù chỉ là tương đối, điều kiện, hoàn cảnh, tâm thế tác giả... khi sáng tạo ra bài thơ, trước khi cầm bút viết phê bình, chứ không thể mãi chỉ là người "cưỡi ngựa xem hoa" như những người đọc thông thường, đứng ngoài cuộc để phán. "Nhập cuộc đồng sáng tạo", cũng đồng nghĩa với việc phải "đi vào trong" quá trình sáng tạo của nhà thơ.
Tuy vậy, việc "đi vào trong" quá trình sáng tạo không đồng nghĩa với việc phải sử dụng một "hệ mỹ học khác", nhất là khi bản thân không ít các nhà phê bình nghiệp dư chưa hề có bất kỳ một "hệ mỹ học" nào thì làm sao có thể dùng "hệ mỹ học" khác được... (!?)
Anh Chi: Ðôi lời về văn lý luận phê bình của Inrasara
1. Trên Nhân Dân cuối tuần số 22, Inrasara nhận xét về bạn đọc: "Trong khi học sinh trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị để] làm quen với thơ La-mác-tin (Lamartine), Muy-xê (Musset), Răm-bô (Rimbaud)...; còn ở ta 20-30 năm qua, ngay sinh viên Ðại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn đang xảy ra trên thế giới... Rồi anh đưa ra ý kiến "...tôi cho rằng người đọc cũng cần được đào tạo, là thế". Inrasara viết lý luận phê bình như thế có khoa học không? Có công bằng không? Bởi, chưa nói về bạn đọc thơ, mà chúng tôi cho rằng những năm cuối thế kỷ 20 có trình độ cao hơn trước nhiều; chỉ nói về một số nhà thơ xuất hiện trong mấy chục năm qua, chưa có điều kiện học đại học, nhưng đã có đóng góp đáng trân trọng cho sự đổi mới thơ ca Việt Nam ta nửa cuối thế kỷ 20, thẩm mỹ của họ dẫu không "được chương trình Pháp chuẩn bị" cho, nhưng có thấp kém không?!
2. Ðến bây giờ, Inrasara đã nói rõ câu anh trích dẫn của Hắc-man (Charles Hartman) "Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa bài thơ và phép làm thơ là chuyển nó thành ý nghĩa, là trích dẫn theo Thế Iêm (chứ không phải trích từ một tác phẩm nào của Hartman)! Chúng tôi nhất quyết rằng, nhịp điệu có đóng góp cho bài thơ, nhưng không đóng góp toàn bộ ý nghĩa bài thơ. Inrasara thử nghĩ xem, không có từ ngữ cụ thể nói về nhân tình thế thái nào, chỉ ậm ừ tửng từng tưng lên một nhịp điệu nào đó, có "đóng góp toàn bộ ý nghĩa bài thơ" không?
3. Inrasara viết lý luận phê bình theo cách rất hay kết luận mà không cần chứng minh gì cả, chẳng hạn: "Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê với nhóm Sáng tạo là bài học nhỡn tiền"; hoặc: "ở đây, vế thứ nhất hoàn toàn sai"; rồi: "còn ở ta 20- 30 năm qua, ngay sinh viên Ðại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn đang xảy ra trên thế giới...". Thưa nhà thơ Inrasarra, cháu tôi cùng một số bạn của cháu, đang học lớp 11, đã rất thích đọc qua bản dịch hoặc qua Anh ngữ các tác phẩm của Ca-muy (A. Camus), Tô-mát Man (Thomas Mann), Xtăng-đan (Stendahl), Các-pen-ti-ê (A. Carpentier), Mác-két (G. Marquez), Ya-xu-na-ri (Kawabata Yasunari), A-bê ( Kobo Abe), Ô-e (Kenzaburo Oe), Mu-ra-ka-mi (Haruki Murakami)..., đó là những đại biểu lớn của những trào lưu văn chương lớn trên thế giới. Xin thật lòng nói với Inrasara rằng, cách phê bình của anh dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường. Hay chẳng lẽ anh chỉ viết cho bạn đọc Tiền chiến và những người thân thuộc các trào lưu lớn trên thế giới thôi sao?!
4. Là người hay nói hệ mỹ học, anh viết: "Còn thơ Việt cần hệ mỹ học nào, theo tôi: cần rất nhiều hệ mỹ học khác nhau". Rồi anh tiên đoán: "Khi các hệ mỹ học kia va đập nhau, thi đàn sôi động lên, là điều chắc chắn". Cần rất nhiều hệ mỹ học cho thơ Việt ta ư? Vậy sao Inrasara không mách cho các nhà thơ đương đại biết những hệ mỹ học khác nhau đó để họ học? Và nhờ thế mà các hệ mỹ học họ học được va đập với nhau sẽ khiến "thi đàn sôi động lên là điều chắc chắn"!...Và nữa, để tỏ rõ tầm quan trọng của hệ mỹ học, anh viết: "Vào phòng tranh cổ điển, ta dễ dàng phân biệt đâu là bức đẹp/xấu. Nhích chân bước sang phòng tranh lập thể bên cạnh thôi, nếu chưa được trang bị kiến thức căn bản về mỹ học lập thể, thì ta ỡm ờ là cái chắc". Không biết Inrasara có giỏi về mỹ thuật không, nhưng điều tôi thấy qua văn lý luận của anh là, anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!
Chúng tôi thấy Inrasara không bình thường, khi viết Phê bình phê bình văn chương mà anh cứ hay dẫn dụ về hội họa, chẳng hạn: "Một nhà phê bình siêu thực không hỏi tại sao cành cây, núi, đồng hồ... phi thực như thế trong Sự bền lâu của trí nhớ của S. Dali". Do Inrasara tạt sang hội họa, chúng tôi cũng xin thưa lại cho sáng rõ: S. Dali sinh năm 1904. Năm 1914 đến 1916, họa sĩ Chi-ri-cô (Giorgio Chirico) nổi tiếng châu Âu với những tác phẩm vẽ hoang mạc cô quạnh. Loạt tranh đó được nhà thơ A-pô-li-ne (G. Apollinaire) đặt tên là Hội họa siêu hình. Trong tranh của Chi-ri-cô, ngẫu nhiên, ông hay đặt vào vài vật như rau cỏ, găng tay, đồng hồ...(chi tiết này cho thấy, cành cây, núi, đồng hồ mà Inrasara viết "trong sự bền lâu của trí nhớ của S. Dali", có nguồn gốc từ bậc tiền bối Chi-ri-cô!
Ðiều nữa, trên diễn đàn văn học, viết về siêu thực, sao Inrasara không nêu dẫn chứng về Ê-luy-a (P. Eluard) và A-ra-gông (L. Aragon), hai thi sĩ xuất sắc của thơ ca siêu thực, mà lạc đề thế? Không chỉ chúng tôi, rất nhiều công chúng văn học trên thế giới đều biết, hai thi sĩ đó đã đi qua siêu thực, tới một nghệ thuật thơ ca khác siêu thực, để "khẳng định rằng cuộc đời mình bắt rễ vào đời sống nhân loại", như lời P. Ê-luy-a tuyên bố tại Luân Ðôn ngày 26-6-1936. Sự nghiệp thơ ca của hai tài năng lớn đó đã làm vinh dự cho nền thơ Pháp, và cũng là đóng góp lớn cho thơ ca nhân loại thế kỷ 20!
5. Trong Phê bình phê bình, Inrasara đã đưa ra nhận định: "Một nền văn học lành mạnh khi mọi trào lưu văn chương được đối xử công bằng. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị hợm (không thuộc hệ mỹ học truyền thống) vào các loại thơ cách tân để chê trách nó. Họ cần từ bỏ chấp nê vào hàng đống bài thơ "cách tân" kém để quy trách trào lưu này "mang tính phá hoại", phản (chuyển động)". Chúng tôi đã nghĩ, có thể Inrasara trách hận nhà phê bình nào đó, nên có ý kiến với anh rằng, trên diễn đàn trao đổi, anh có thể nói cụ thể ai đồng hóa mọi sáng tác dị hợm vào các loại thơ cách tân để chê trách nó. Chúng tôi tỏ ý tiếc là anh "đã viết một cách phiếm chỉ". Nhưng, đến giờ, trên Nhân Dân cuối tuần số 22. Inrasara cho biết, anh không phiếm chỉ, mà khẳng định "đó là đoạn tôi kết (luận) chung về nền phê bình Việt Nam hiện nay". Ðến thế thì, chúng tôi thật tình phải nói với Inrasara rằng, văn lý luận phê bình của anh rất không bình thường. Anh muốn cả nền phê bình Việt Nam hiện nay phải lành mạnh và xử sự công bằng, như anh chăng?!
............................
(*): Xem từ Nhân Dân cuối tuần số 13 (1261)