Thư xuân năm nay anh không chọn viết vào đúng ngày Mồng Một tháng Giêng như mọi năm, mà là một ngày lạnh nhất của Mùa Đông. Anh cố tình không mặc ấm, không kín cửa để da thịt hòa cùng cây cỏ trong cái lạnh của mùa, cái lay buốt của gió, và trong cái ảm đạm của đất trời, biết da diết hơn với nỗi ấm lạnh, lo lắng của con người.
Không thể nói xuân đến là niềm vui liền đến.
Phải chăng em, trong mỗi cuộc đời, trong chính chúng ta đã từng rơi vào những cảnh ngộ tưởng chừng không thể vượt qua, từng chịu những thất bại trắng tay, nhụt nhằn ý chí?
Rồi chúng ta lại tự đứng lên. Và đứng lên được dù phải lần hồi từng bước khó nhọc, về lại vị trí ban đầu và vượt lên nó, tiến xa hơn nó.
★
Vì sao chúng ta lại vượt lên những thử thách tưởng chừng không vượt được?
Chính là tình yêu, là bổn phận đối với những người thân yêu. Anh nghiệm ra rằng, mỗi khi chỉ nghĩ đến mình, chỉ dựa vào nhận thức và nhu cầu của cá nhân mình để đưa ra quyết định, phần lớn những quyết định ấy đều sai lầm, đều gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Câu chuyện mùa xuân này anh muốn nói, chính là câu chuyện về sức mạnh của tình yêu và bổn phận.
Ngày ấy, ven một con sông miền trung du, nơi trường đại học của chúng ta sơ tán vì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ngày ấy, tre xanh đôi bờ sông biếc và những đồi bạch đàn ru gió trong êm dịu lãng mạn theo từng bước đi của tuổi học trò. Anh cũng không biết bắt đầu từ đâu mà lại đọc cho em nghe bài thơ Nghĩ lại về Pau-tốp-xki của Bằng Việt mà anh vừa thuộc:
Đồi Trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!
“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa...
Hôm ấy, em đã hát cho anh nghe một bài hát Liên Xô, bài Chiều hải cảng. Cho đến hôm nay, anh cũng không hiểu tại sao em lại hát một bài hát về chiến tranh, một bài hát “cứng” như thế trong một chiều trung du chỉ có hai người! Nhưng hôm đó anh thấy ngọt ngào làm sao, như em đang gọi anh là “Đồng chí quý mến ơi” và như giữa hai người đã có một tình yêu:
Đồng chí quý mến ơi !
Cùng ta hãy hát ca,
Hát lên bài ca chiến thắng để biệt ly.
Thành phố xinh xắn mến yêu ơi!
Ngày mai ta sẽ vắng xa rồi…
Thế mà rồi như một lời tiên tri, anh vào chiến trường thật, giữa nửa chừng trang sách, mang theo hình bóng em và cả “một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa”, mặc dù điều này em không hề biết. Bởi sau buổi chiều ấy, chúng ta không còn điều gì riêng tư, không một lời ước hẹn.
Ngày ấy, người ta ra trận như một lẽ phải, như thế mới xứng làm người, mới xứng với tình yêu. Dù giữa hai ta, tình yêu là thứ do anh nghĩ ra, thì anh cũng đã sống cả cuộc đời vì nó như một điều thiêng liêng, cao cả nhất. Em là một ngôi sao không bao giờ tắt. Nó soi rọi. Nó đã làm cho anh hạnh phúc; nó giúp anh vượt qua mọi đớn hèn, ti tiện để kiêu hãnh một thế sống làm người như câu thơ Nguyễn Đình Thi đã viết:
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.
Có em, anh đã đi qua một thời bom đạn sáng trong một tâm hồn chiến sĩ. Có em, anh đi qua một thời thị trường mà không phải bán lương tri để mua danh vị và đổi lấy của cải; không lầm lẫn giữa khát vọng và tham vọng.
Mọi thứ dù trôi qua, dù mất đi vẫn còn mãi niềm tin và lòng kiêu hãnh. Vẫn còn lại ý thức về bổn phận. Bổn phận của người con trong gia đình để yêu thương và không làm đau, làm tổn hại danh dự của cha mẹ, anh em, con cái. Bổn phận của một người yêu đời, yêu người. Khi gặp bất cứ em nhỏ nào, với đôi má bầu bĩnh, đôi mắt mở to - trong sáng thiên thần và yếu đuối non tơ, lúc nào anh cũng nhớ đến câu thơ Chính Hữu và sẵn sàng “đi một nghìn đêm”, sẵn sàng làm tất cả để giành lấy cho em thơ “một ngày không sợ hãi”… Bổn phận của một người lương thiện, một đảng viên; khi danh dự của mình trong danh dự của Đảng thì dù phải hy sinh cũng “ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”, phải “trước sau xin giữ tấm lòng thành” như đồng chí Hoàng Văn Thụ nhắn nhủ trước khi ra pháp trường. Thiên hồi ký Con đường cách mạng của Trần Đăng Ninh, trong đó có đoạn “Hoàng Văn Thụ ra pháp trường” được đưa vào Trích giảng văn học, chúng ta được học từ nhỏ, anh còn thuộc đến bây giờ:
“Chiều 23-5-1944. Chìa khóa mở cánh cửa sắt khu xà-lim án chém kêu loảng xoảng. Tôi nhìn ra. Một cố đạo đi vào cùng với tên chúa ngục Cơ-lê-măng-ti. Họ đi xem lại các số tù. Lúc họ trở ra, người giám thị đến cho tôi biết là sáng mai có lệnh tập trung các giám thị trong Hỏa Lò. Rồi hắn đến buồng anh Thụ, biếu anh một điếu thuốc lá thơm…
5 giờ 30 sáng ngày 24. Cánh cửa sắt lại mở. Tôi chồm dậy, nhìn qua khe cửa. Mấy người giám thị vào, đi qua một lượt, nhìn vào buồng chúng tôi rồi lại đi ra. Tôi thấy nhẹ bỗng cả người. Và tự nghĩ:
- Thế này thì chưa chắc anh Thụ đã bị xử.
Nhưng 6 giờ kém 15, cánh cửa sắt lại mở một lần nữa và lần này thì tiếng giày đinh lạo xạo ngoài sân. Một tốp lính lê-dương súng ống nai nịt, lưỡi lê tuốt trần đứng sắp hàng trước buồng chúng tôi. Cơ-lê-măng-ti theo một người giám thị vào mở cửa buồng anh Thụ. Thôi, đúng anh Thụ phải “đi” rồi!
Tôi nghe tiếng người giám thị hỏi anh Thụ:
- Có cần bịt mắt không?
Và cái giọng vẫn bình tĩnh của anh:
- Không cần.
Không nén nổi, tôi hô đến vỡ ngực:
- Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!
- Tinh thần Hoàng Văn Thụ bất tử!
Tiếng hô của tôi được những người tù Ðại Việt hưởng ứng.
Anh Hoàng Văn Thụ liền hô trả lời:
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!
Và nhắn tôi:
- Chào anh và gửi lời chào các anh ở lại”.
Anh không hiểu tiếng hô của đồng chí Hoàng Văn Thụ và các chiến sĩ tiền bối trước khi ra pháp trường, tư thế son sắt niềm tin, kiêu hãnh ấy còn vọng đến ai, nhưng anh thì không bao giờ quên được và mãi mãi là một gương đời để mình tu dưỡng.
Em nhớ không, ngày còn học lịch sử và văn hóa phương Tây, thầy giáo có kể cho ta nghe về Ăng-toan-nét, vợ của vua Pháp Lu-i XVI, bị xử chém ngày 16 tháng 10 năm 1793, khi vương triều này bị lật đổ. Câu nói sau cùng của bà, như minh chứng cho một lịch sự kiểu Pháp “Xin lỗi ông, tôi không cố ý” khi vô tình giẫm lên chân đao phủ Xăng-xông lúc lên đoạn đầu đài.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ khi bị tra tấn dã man, đã nói với bọn mật thám và cai ngục: tôi không trách các ông, các ông chỉ là lưỡi dao trong tay người khác. Khi ra pháp trường, còn chào các giám thị: “Thôi, chào ông ở lại mạnh khỏe, tôi đi”. Sự chân thành, nghĩa liệt của Hoàng Văn Thụ đã cảm hóa được kẻ thù và cả những người bất đồng chính kiến. “Thật là một con người gang thép” - là cảm nhận của họ về người cộng sản.
Sự gang thép ấy có cần không trong cuộc sống đời thường?
Đôi khi anh tự hỏi, cuộc sống bây giờ đã sung sướng gấp vạn lần so với hoàn cảnh ngặt nghèo ngày trước, sao có lúc ta không có lấy một chút dũng khí, một khí tiết, một mảnh ngọc nào trong hồn để sống làm người, để kiêu hãnh vì điều đó?
★
Ðừng quên Tổ quốc và Ðảng.
Đó là câu cuối cùng của Thường vụ Trung ương, liệt sĩ 38 tuổi Hoàng Văn Thụ dặn lại đồng chí và hậu thế.
Em ạ, điều này anh phải nói thật lòng trong sự đau lòng: Nhiều người, trong đó có bạn bè ta bây giờ không muốn nhắc đến Thơ, đến Đảng.
Nhưng với anh, Thơ với Đảng mãi mãi là những điều trong sáng, đẹp đẽ nhất cần hướng tới; là điểm tựa để anh biết vươn lên trong cuộc sống.
Nhà thơ Phùng Quán có một câu thơ rất hay: Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Không chỉ phút ngã lòng. Trong mỗi phút giây của đời sống, thơ thắp lên những điều cao đẹp; Đảng hướng ta về những mơ ước lớn: cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng/ Mỗi bước đi gần nâng ước mơ xa…
Anh không thể xa được những điều thiêng liêng, cao quý đó; như không thể không yêu em, không yêu tình yêu của anh. Mãi mãi. Và dù mùa đông còn vương vít ngày xuân, thì ngàn hoa vẫn nở. Dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, cũng không thể bằng những ngày nô lệ, những ngày chiến tranh, tương lai nhất định sẽ tươi sáng khi trái tim ta tự làm ngọn lửa và biết bắt sáng ánh trời, khi hai cánh tay không ngừng giang cánh bay lên với mạnh mẽ sức xuân không mỏi.