Phép thử cho bình yên

Đó là cuộc tập trận hải quân truyền thống, với những kế hoạch định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, khác với mọi lần, hai tuần diễn ra cuộc tập trận mang tên Sea Breeze 2021 sẽ còn thu hút mỗi lúc một nhiều sự chú ý của giới quan sát quốc tế, khi bối cảnh thế giới đã thật sự biến nó thành một phép thử, đối với tất cả các bên tham gia. 

Ngày 28/6, với sự tham gia của 32 tàu chiến, 40 máy bay và hơn 5.000 binh sĩ thuộc biên chế quân đội 32 quốc gia - chủ yếu là các quốc gia thành viên khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Sea Breeze 2021 đã chính thức bắt đầu.
 
Chỉ một ngày sau, Bộ Quốc phòng Hà Lan lên tiếng về một sự kiện đã diễn ra trước đó năm ngày: “Các máy bay quân sự vũ trang của Nga đã gây ra tình trạng nguy hiểm tại Biển Đen gần tàu HNLMS Evertsen hôm 24/6. Máy bay liên tiếp bay thấp một cách nguy hiểm và gần với tàu, tiến hành các cuộc tiến công nghi binh. HNLMS Evertsen ở trong vùng biển quốc tế khi xảy ra những hành động quấy rối này”. 

Ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định khinh hạm Evertsen của Hải quân Hà Lan tại Biển Đen đã thay đổi lộ trình và bắt đầu tiến về phía eo biển Kerch, và “Để ngăn chặn việc xâm phạm bất hợp pháp vào vùng lãnh hải Nga, máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay ném bom Su-24 của một đơn vị đang trực chiến đã cất cánh”.

Sea Breeze 2021, khi chưa diễn ra đã hứa hẹn là xảy đến rất nhiều vấn đề va chạm. Từ ngày 23/6, tàu khu trục HMS Defender của hải quân Anh bị hải quân Nga tuyên bố “bắn cảnh cáo”, do có hành động tiến sâu khoảng 3 km vào lãnh hải Nga. Tuy nhiên, phía Anh bác bỏ những điều này.

Cũng trong ngày 23/6, Đại sứ quán Nga tại Mỹ lên tiếng: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Mỹ và các đồng minh từ bỏ việc thực hiện các hoạt động quân sự ở Biển Đen, đồng thời kêu gọi giải quyết các vấn đề phát sinh trong khu vực mà không cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài” (theo Sputnik). Họ cũng nhấn mạnh: “Quy mô và tính chất gây hấn rõ ràng của cuộc tập trận Sea Breeze không hề tương ứng với những nhiệm vụ thật sự nhằm bảo đảm an ninh ở khu vực Biển Đen”. Và Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hải trình của khu trục hạm Mỹ mang tên USS Ross, trên đường đến tham gia cuộc tập trận. 

Nhưng cũng trong ngày 23/6 đó, nước Pháp và nước Đức mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị cấp cao với các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU). 

Sea Breeze 2021 diễn ra gần như ngay sau cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, với nhiều luồng dư luận cho rằng ông chủ điện Kremlin đã chiếm được thế “thượng phong”. Do đó, bỏ qua những vấn đề địa chính trị khúc mắc vẫn còn tồn tại quanh Biển Đen, như cuộc xung đột ở Ukraine hay bán đảo Crimea, có thể xem cuộc tập trận ấy cũng chính là một dịp nữa để các bên khẳng định sự cứng rắn trong chính sách đối ngoại của mình, trước khi có bất cứ động thái cải thiện quan hệ nào, giữa Nga với phương Tây nói chung. 

Nước Anh chẳng hạn, thực tế, đã và đang hướng đến mục tiêu sử dụng lực lượng quân sự của họ trên phạm vi toàn cầu, để “kiểm tra các giới hạn truyền thống về sức mạnh của Anh”. Cao hơn, NATO cũng cần “siết chặt lại hàng ngũ” sau quãng thời gian nhiều chia rẽ. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên sở hữu tiềm lực quân sự hùng hậu bậc nhất của NATO, cũng như vị trí địa lý cực kỳ quan trọng tại Biển Đen - gần đây trở nên hữu hảo với Nga. Và bởi vậy, những cuộc tập trận như Sea Breeze càng trở nên quan trọng. 

Ở phía ngược lại, ngày 28/6, Nga tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Đó dường như cũng là một lời cảnh báo lặng lẽ, rằng điều gì cũng có giới hạn. Hai tuần tập trận, thực tế rất dễ xảy ra những hành động có thể gây hiểu lầm…