Nhịp cầu qua hố thẳm

Một cách khá đột ngột, Liên hiệp châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ chìa tay cho nhau. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không bất ngờ, bởi hòa bình và ổn định luôn mang đến nhiều lợi ích gấp trăm lần căng thẳng và bất an.

Hiếm khi, những cá nhân giữ các cương vị cao nhất của EU đến An-ca-ra (Ankara). Nhưng lần này, cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) C.Mi-xen (Charles Michel) lẫn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission) U.V.Lây-en (Ursula von der Leyen) cùng có mặt ở đó, ngày 6-4, để hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (Recepp Tayyip Erdogan).

Rõ ràng, chuyến công du đặc biệt này có thể xem là một nhịp cầu cực kỳ đáng chú ý, bắc qua những hố sâu ngăn cách đã khiến mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng trong quá khứ gần. Hay nói cách khác, cả hai phía đều đã và đang cố gắng đưa mối quan hệ đó "lật sang một trang mới".

Kết thúc cuộc hội đàm, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo: "Trong các cuộc gặp, các bên đã thảo luận về mọi mặt trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh mục tiêu trở thành thành viên đầy đủ của EU, và EU cần có những bước đi cụ thể nhằm ủng hộ một chương trình nghị sự tích cực. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận tình hình tại Li-bi (Libya), Xy-ri (Syria), I-rắc (Iraq), Na-go-nưi Ca-ra-bắc (Nagorny Karabakh) và Đông Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi một cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố".

Có thể thấy là cả hai bên đều đã nhanh chóng bóc các vấn đề chính khỏi những lớp vỏ ngôn từ ngoại giao, để đặt lên mặt bàn.

Cả năm 2020, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đầy sóng gió, khi tranh chấp các mỏ dầu phía Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ với CH Síp (Cyprus) và Hy Lạp xảy ra, bên cạnh chuyện An-ca-ra thực hiện các biện pháp can thiệp cứng rắn ở Đông và Bắc Phi, khiến EU có những phản ứng gay gắt. Cùng là các quốc gia thành viên khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng những tàu chiến của Pháp và các hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng phải đối diện, "trừng mắt nhìn nhau".

Trước đó, xa hơn nữa, chưa ai quên Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn "phàn nàn" về chuyện EU thiếu thiện chí trong việc xúc tiến kết nạp họ làm thành viên chính thức, dù nguyện vọng ấy đã được đề đạt từ năm 2005. Về phần mình, An-ca-ra cũng từng liên tục sử dụng việc chấp thuận trở thành "con đê quai" chắn làn sóng những người nhập cư bất hợp pháp "làm khổ" châu Âu, để tạo áp lực và đòi hỏi các quyền lợi (thậm chí từng đe dọa sẽ mở cửa biên giới để những đoàn người ấy tự do tràn vào châu Âu, nếu không được đáp ứng về chuyện cấp thị thực EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ).

Dĩ nhiên, những câu chuyện ấy không hẳn sẽ được giải quyết "rốt ráo" trong một sớm một chiều. EU khẳng định tại Hội nghị cấp cao của khối (ngày 25-3), cách tiếp cận được lựa chọn với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "theo từng giai đoạn, cân đối và có thể đảo ngược", nhằm tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung. Các bước tiếp theo sẽ được đưa ra vào khoảng tháng 6 tới, và trong thời gian đó, tùy thuộc vào hành động của An-ca-ra, EU có thể có những điều chỉnh cần thiết.

Ngược lại, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tiếp tục phần cốt lõi của chiến lược ngoại giao mà họ đã và đang lựa chọn, nhằm tìm kiếm sự cân bằng chiến lược giữa các trung tâm quyền lực toàn cầu: Mỹ, Nga, EU, NATO…, đồng thời bảo đảm lợi ích cũng như nâng cao vị thế của riêng mình.

Dẫu vậy, một cuộc gặp gỡ trực tiếp ở cấp cao nhất giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, kèm theo những nguyện vọng hợp tác được đề đạt, đã là một cánh cửa để ngỏ. Một nhịp cầu triển vọng được bắc dựa vào lòng tin…