Một phương diện khác của cuộc khủng hoảng

Đã qua 100 ngày kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu, một cuộc khủng hoảng địa chính trị sâu sắc đã hình thành. Và càng lúc, những nguy cơ đe dọa toàn nhân loại phát sinh từ cuộc xung đột ấy lại càng trở nên rõ rệt.

ĐÓ không còn là "câu chuyện riêng" của hai quốc gia láng giềng từng là "những người anh em ruột thịt", mà cuộc xung đột quân sự này đã kịp tác động mạnh mẽ đến cục diện toàn cầu ở nhiều khía cạnh.

Và mới nhất, ngày 7/6, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận xét đầy bi quan: "Đối thoại chính trị Nga-Mỹ đang ở mức thấp chưa từng có. Lòng tin bị suy giảm, sự hợp tác đang sụp đổ, ngay cả trong những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Giao tiếp giữa hai bên hiện nay bị hạn chế", bởi các cuộc đối thoại song phương "bị giới hạn trong các vấn đề kỹ thuật".

Điều đó có nghĩa là gì? Là hai cường quốc hàng đầu thế giới, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong lúc này, đang gần như không thể đối thoại (chứ chưa nói đến hợp tác) để có thể gắn kết cả thế giới cùng đối diện với những thách thức sinh tồn, như đẩy lùi tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế các viễn cảnh u ám về khủng hoảng lương thực, hay chuẩn bị sẵn sàng cho một cơn đại dịch toàn cầu mới nào đó sẽ đến, như cách Covid-19 đã đến.

VÀ biểu hiện cụ thể (hoặc một trong những hệ lụy trực tiếp) của băng giá trong quan hệ là gì?

Ngày 6/6, sau khi Đại sứ Mỹ tại Moscow, John Sullivan, đánh giá rằng không có nhiều khả năng nối lại đối thoại giữa Moscow và Washington về vũ khí hạt nhân-vấn đề "quan trọng với cả hai bên", người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmytri Peskov - tuyên bố: "Có lẽ cần phải đồng ý với ông Đại sứ rằng điều này khó diễn ra vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên sớm muộn gì hai bên cũng cần phải quay trở lại chủ đề này".

Ngay từ trước khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, cả thế giới nói chung cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng đều đã luôn lo lắng về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân-điều hoàn toàn có thể dẫn tới sự diệt vong của loài người, theo cách kinh khủng hơn cả thiên tai hay dịch bệnh.

Song, giữa 6.257 đầu đạn hạt nhân của Nga và 5.550 đầu đạn hạt nhân của Mỹ (số liệu từ trang World Population Review) chỉ còn tồn tại duy nhất một "khóa an toàn": Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START, được gia hạn 5 năm kể từ tháng 2/2021). Ngoài ra, mọi cơ chế kiểm soát khác, từ thời Chiến tranh Lạnh, đều đã không còn hiệu lực, hoặc còn chưa kịp được thương thảo để kích hoạt lại.

Bên cạnh đó, theo điều khoản của New START, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Song, để đạt được mục tiêu này, hai bên sẽ còn cần rất nhiều những cuộc đối thoại, và cần nhiều thiện chí gấp bội.

NHƯNG lúc này, như cả Moscow lẫn Washington xác nhận, những cuộc đối thoại cần thiết như vậy bắt buộc sẽ phải "tạm dừng", trong bối cảnh cục diện địa chính trị quốc tế đang biến động dữ dội.

Lúc này, nếu thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký với Iran năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vẫn còn chưa thể được hồi sinh, nếu bán đảo Triều Tiên vẫn luôn là "điểm nóng", thì Thái Bình Dương cũng đã bắt đầu sôi sục, với sự thành lập của liên minh quân sự AUKUS, mà từ đó, Mỹ và Anh sẵn sàng giúp Australia trang bị tàu ngầm hạt nhân.

Và cuộc khủng hoảng Ukraine, khuất lấp sau những nguyên nhân được công khai, theo không ít ý kiến từ giới phân tích quốc tế, lại cũng chính là những chuyển động dữ dội kế tiếp của một tiến trình tái định hình trật tự thế giới - từ đơn cực sang đa cực - đã bắt đầu manh nha xuất hiện từ đầu thế kỷ mới. Ở góc nhìn này, như thực tế đã và đang chứng minh, sẽ có rất ít khả năng khoan nhượng xuất hiện.

Bởi vậy, sự thiếu vắng các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu càng lúc lại càng hằn rõ, như một nỗi ám ảnh kinh hoàng…