Mối nguy hiện hữu

"Theo đánh giá của chúng tôi, khả năng kinh tế Mỹ diễn ra suy thoái trong 12 tháng tới là khoảng 15%, và sẽ là 35% trong vòng 24 tháng tới". Ngày 18/4, Jan Hatzius - nhà kinh tế trưởng của ngân hàng danh tiếng Goldman Sachs - nhận định, để làm dày thêm những nỗi âu lo, cho không chỉ nước Mỹ mà cho cả nền kinh tế toàn cầu vốn đang chịu không ít thương tổn.

Trước đó, từ ngày 4 đến 8/4, Hãng Reuters cũng đã thực hiện một cuộc thăm dò dành cho các chuyên gia. Kết quả: cứ bốn nhà kinh tế học thì có một người dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong năm nay. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát gần đây của The Wall Street Journal, khoảng 28% số nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái ngay trong năm 2022.

Mới nhất, ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%. Theo báo cáo này, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so mức dự báo hồi tháng 1/2022, khi giá cả cùng nợ công đã đồng loạt tăng cao.

Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo IMF, đều sẽ chịu những tác động nặng nề. Cụ thể, năm 2022, Mỹ sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,7%, trong khi chỉ số này với Trung Quốc là 4,4%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được dự báo giảm tăng trưởng xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so mức dự đoán trước.

Trên thực tế, từ tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với việc tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.

Động thái ấy được đưa ra song song với nỗ lực kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đối diện một tình thế bấp bênh: nhu cầu tăng cao, lạm phát leo thang do sự suy giảm đáng kể các hoạt động sản xuất - những yếu tố khiến các gói ngân sách cứu trợ khổng lồ của chính quyền Mỹ không đạt được hiệu quả mong đợi. Đây là hệ quả của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn do sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của đại dịch.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF - ông Pierre-Olivier Gourinchas, lạm phát đang trở thành mối đe dọa đối với nhiều nền kinh tế. Tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát sẽ ở mức 5,7%, còn đối với các nền kinh tế đang phát triển mới nổi sẽ là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so dự báo đưa ra hồi tháng 1/2022.

Giữa bối cảnh đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cam kết sẽ có những hành động tích cực hơn để kiềm chế lạm phát. Thí dụ, Fed đã đưa ra kế hoạch cắt giảm bảng cân đối ngân sách trị giá gần 8.000 tỷ USD. Mặc dù vậy, những diễn biến tiếp nối trong ngắn hạn vẫn là tương đối khó nắm bắt.

Rõ ràng, thách thức đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để cân bằng và hỗ trợ những đối tượng khó khăn, nhằm chống lại đại dịch, đẩy lùi lạm phát, ngăn ngừa rủi ro tài chính cũng như hỗ trợ tăng trưởng việc làm.

Thế nhưng, việc nền kinh tế Mỹ có đủ khả năng kiến tạo sự cân bằng ấy ngay trong thời gian trước mắt hay không, thì lại còn phụ thuộc vào không ít yếu tố. Một trong những yếu tố quyết định, lại chính là ổn định từ thượng tầng nội bộ.

Song, ở đây, chỉ còn khoảng nửa năm nữa, cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra. Sự tín nhiệm của cử tri Mỹ dành cho đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng khó khăn trong hiện tại, và mở ra những cơ hội cho đảng Cộng hòa đối lập. Nếu để mất thế đa số ở một trong hai viện, mỗi quyết sách mà Nhà trắng đưa ra sẽ đều có khả năng vấp phải những trở lực cực kỳ gian nan, như những gì đã từng hiện hữu ở cuối nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama.

Và như vậy, khi nền kinh tế Mỹ "trầy trật" tìm cách phục hồi, cả guồng máy toàn cầu cũng khó mà duy trì được vận tốc.