Mệnh lệnh của tình người

Hơn 52.000 người phải rời bỏ nhà cửa, bởi khoảng 450 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng tại dải Ga-da (Gaza), vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhà nước Pa-le-xtin (Palestine). Trong số đó, bao gồm cả sáu bệnh viện, chín trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và một nhà máy khử muối - điều gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước uống cho khoảng 250.000 người. Hơn lúc nào hết, một lệnh ngừng bắn đã trở thành đòi hỏi cực kỳ cấp thiết, trước viễn cảnh xảy ra thảm họa nhân đạo mới.

Những hình ảnh khắc họa sâu đậm sự tàn khốc của cuộc xung đột dữ dội giữa quân đội I-xra-en (Israel) với Phong trào Hồi giáo Ha-mát (Hamas), lực lượng trên thực tế kiểm soát dải Gaza từ năm 2007, với hàng đoàn dân thường táo tác chạy trốn tìm nơi ẩn nấp khỏi đạn pháo, tên lửa, bánh xích xe tăng…, và đặc biệt là quang cảnh đám tang của những em bé thiệt mạng dưới mưa bom truyền đi khắp thế giới khiến không một ai có lương tri không lay động. Không cường quốc nào, bất kể lợi ích cốt lõi của họ có ẩn chứa trong cuộc xung đột đó hay không, có thể khoanh tay ngồi yên.

Ðến cả nước Mỹ - bị cho là đã liên tục ngăn cản Liên hợp quốc (LHQ) ra tuyên bố chung kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, cũng đã buộc phải lên tiếng khẳng định rằng họ cũng đang nỗ lực chấm dứt vòng xoáy bạo lực, và sẵn sàng hỗ trợ nếu các bên muốn hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời nhấn mạnh rằng phía I-xra-en phải “làm tất cả để tránh gây thương vong cho dân thường” - như Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 17-5.

Và đến cả phía I-xra-en, trong khi giao tranh còn đang diễn ra, cũng phải mở những cửa khẩu cho các đoàn xe cứu trợ nhân đạo vào dải Ga-da.

Mỹ, hay Ðức và nhiều cường quốc khác, vẫn không thay đổi quan điểm rằng I-xra-en có quyền phản kích để tự vệ, sau khi hàng nghìn hỏa tiễn được bắn từ dải Gaza vào phần lãnh thổ do I-xra-en kiểm soát. Song, kể cả với luận điểm đó, những thương vong và thiệt hại mà thường dân phải chịu khi kẹt trong binh lửa là câu chuyện hoàn toàn khác. Và nhìn sâu xa hơn, nếu những thảm trạng ấy tiếp diễn, mọi tiến trình hòa bình trong tương lai sẽ ngày càng trở nên xa vời hơn, bởi hận thù cứ mãi chất chồng.

Nhưng, ngay trước mắt, lòng nhân đạo không cho phép bất cứ ai dửng dưng trước những nỗi kinh hoàng đang tàn phá dải Ga-da. Vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vòng vài năm trở lại đây của mâu thuẫn I-xra-en - Pa-le-xtin (Palestine), nếu không được kiềm chế kịp thời, có nguy cơ sẽ còn bùng nổ dữ dội thêm nữa, và gây thêm nhiều cảnh tượng thương tâm nữa.

Những cộng đồng dân cư ở Ga-da cũng không chỉ phải đối diện với nỗi ám ảnh chết chóc từ bom đạn. Họ đang thiếu tất cả mọi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Họ - những người tụt lại ở khoảng cách rất xa so với các nước phát triển - cũng bị đe dọa sẽ rơi vào móng vuốt của bệnh dịch, khi trong tay đã không có gì để chống chọi với Covid-19, mà còn chìm sâu hơn vào khốn khó, sau những loạt pháo, trận bom.

Ngày 18-5, cùng Ai Cập và Gioóc-đa-ni (Jordan), nước Pháp chính thức hối thúc LHQ thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn, sau một cuộc hội đàm ở cấp cao nhất, với sự tham dự của cả ba vị nguyên thủ ba quốc gia. Cùng với điều đó, rất nhiều chuyến hàng cứu trợ, rất nhiều đoàn nhân viên tình nguyện từ cộng đồng quốc tế cũng đã sẵn sàng tiếp cận với dải Ga-da, với mong mỏi có thể làm vơi bớt những nỗi đau cho người dân.

Cứu người, tất cả vì tính mạng con người, nhất là trẻ em và người già, đã trở thành một mệnh lệnh chung mà lòng nhân đạo đặt ra. Tuy nhiên, những cửa khẩu không phải lúc nào cũng sẵn sàng mở, khi tình hình chiến sự vẫn diễn biến phức tạp.

Chính là vào những thời khắc bất lực ấy của tình người, một giải pháp chính trị bền vững và được bảo đảm bằng các biện pháp hay chế tài từ LHQ, lại càng hiện lên rõ hơn như một nhu cầu thiết yếu. Ðiều đáng sợ là, bao nhiêu năm qua, đó vẫn chỉ là một giấc mơ.