Cần phải nhớ: Đó là tội ác!

Một sự kiện rất đáng chú ý diễn ra ngày 7/9: Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chính thức bổ nhiệm chuyên gia người Đức Christian Rischer vào vị trí Cố vấn đặc biệt, đồng thời là Trưởng nhóm Điều tra tội ác của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhóm Điều tra tội ác của IS (UNITAD) là gì? Đó là một cơ quan điều tra độc lập, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm buộc các đối tượng thuộc IS phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra. Cơ quan này được thành lập năm 2017, sau khi Chính phủ Iraq đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ điều tra tội ác của IS tại Iraq và Syria.

Trước ông Christian Rischer, người đầu tiên giữ cương vị Trưởng nhóm UNITAD là ông  Karim Asad Ahmad Khan, quốc tịch Anh. Được chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao vì “những đóng góp đáng kể trong việc đưa các đối tượng phạm tội diệt chủng ra trước công lý, cũng như những nỗ lực quan trọng trong quá trình thành lập UNITAD và đưa nhóm đi vào hoạt động nhanh chóng sau khi thành lập”, song vào tháng 6/2021 vừa qua, ông Karim Khan đã rời chức vụ. 

Tiếp quản vị trí của ông, Christian Rischer là một cựu công tố viên Tòa án Liên bang Đức, sở hữu hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra và khởi tố hình sự trong nước và quốc tế.

CHRISTIAN RISCHER chính là Trưởng nhóm S4 điều tra tội ác chiến tranh tại Đức, chuyên thực hiện truy tố các cá nhân tại Đức có liên quan tới các vụ phạm tội quốc tế xảy ra ở các nước, nhất là tại Iraq và Syria, bao gồm cả việc khởi tố các phần tử IS vì tội diệt chủng đối với cộng đồng người Yazidi tại Iraq năm 2014 cũng như các vụ phạm tội quốc tế khác.

Việc ông được lựa chọn để thay thế người tiền nhiệm Karim Khan là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng, hơn thế, động thái này cũng gián tiếp tái khẳng định quan điểm xuyên suốt của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế: Những hành động khủng bố mà IS gây ra trong suốt những năm tháng hoành hành ở Trung Đông phải (và luôn phải) bị xem là tội ác, thậm chí là tội ác chống lại loài người. 

Những tội ác đó cần phải được tiếp tục điều tra kỹ lưỡng, đưa ra trước ánh sáng, và cuối cùng là nhận sự trừng phạt thích đáng, bởi luật pháp quốc tế cũng như bởi cơ quan quyền lực lớn nhất thế giới - Liên hợp quốc. Để thực hiện và duy trì mục tiêu đó, UNITAD luôn cần một người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm và không khoan nhượng. 

Nước Đức - trái tim của châu Âu, với những động thái “mở rộng vòng tay” với người nhập cư mà Thủ tướng Angela Merkel theo đuổi, cũng đã không ít lần phải đối diện với những hiểm họa khủng bố từ các “con sói đơn độc” trà trộn vào dòng người ấy. Rộng hơn, cả Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã có không ít kinh nghiệm đau thương về vấn đề này, như những ngày cả Thủ đô Paris của nước Pháp bị đặt vào tình trạng giới nghiêm sau những lời đe dọa từ IS. 

Phương Tây rút quân khỏi Afghanistan, nhưng cuộc chiến chống khủng bố sẽ không kết thúc. Đến cả lực lượng Taliban cũng tuyên bố, ngày 29/8, rằng họ sẵn sàng mạnh tay trấn áp IS. Và thế giới sẽ không quên, những lá cờ đen chết chóc đã bị “thổi bay” khỏi các chiến trường Trung Đông như thế nào, dưới những đòn trừng phạt quân sự sấm sét của nước Nga.