Sau địa chấn, có là phong ba?

Kể từ năm 1976, khi Quốc hội Mỹ bắt đầu thực hiện quy trình xem xét dự toán ngân sách hoạt động, đã 20 lần Chính phủ Mỹ phải "đóng cửa" tạm thời. Nhưng, chưa bao giờ trong lịch sử, có một Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị bãi nhiệm.

NGÀY 3/10, nghĩa là chỉ hai ngày sau khi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ liên bang không phải đóng cửa một phần trước hạn chót, với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống, ông Kevin McCarthy (thuộc đảng Cộng hòa) đã bị Hạ viện Mỹ truất phế khỏi cương vị Chủ tịch mà ông nắm giữ kể từ sau cuộc bầu cử giữa kỳ đầu năm nay.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Patrick McHenry, sinh năm 1975, đại diện của bang North Carolina, sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch Hạ viện.

Tuy nhiên, trên nguyên tắc, sẽ không có dự luật mới nào được thông qua, cho tới khi có một Chủ tịch Hạ viện mới thực thụ được bầu lên và tuyên thệ nhậm chức. Và điều đó có nghĩa là Hạ viện nói riêng cũng như chính trường Mỹ nói chung đang tương đối hỗn loạn.

TRONG những phát biểu đầu tiên sau cơn chấn động này, Tổng thống Mỹ không đề cập tới ông Kevin McCarthy, mà chỉ nhấn mạnh rằng ông mong đợi được làm việc với một tân Chủ tịch Hạ viện đích thực cùng Thượng viện, để "giải quyết các vấn đề ưu tiên đối với người dân Mỹ".

Như kênh CNN nhận định: Những cuộc tranh cãi tại Quốc hội Mỹ đã gây ra một số hậu quả, và sự vụ mới nhất này có thể dẫn đến một đợt hạ bậc tín dụng khác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.

Thí dụ, nó có thể khiến hãng Moody’s Investor Service xem xét lại mức xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ. Vào tuần trước, cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín này đã cảnh báo về khả năng hạ mức tín nhiệm, nếu Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Và hiện tại, thì những đánh giá vào thời điểm đó của Moody’s, về "những hạn chế đáng kể mà sự phân cực chính trị ngày càng tăng đặt ra đối với việc hoạch định chính sách tài khóa vào thời điểm sức mạnh tài chính đang yếu dần, do thâm hụt tài chính ngày càng gia tăng và khả năng chi trả nợ ngày càng suy giảm", có vẻ như vẫn đầy sức nặng.

Nếu Moody’s- cơ quan xếp hạng chưa từng hạ mức tín nhiệm quốc gia của Mỹ kể từ năm 1917 - thực hiện động thái gây sốc ấy, lãi suất trái phiếu kho bạc ở Mỹ có thể còn tăng cao hơn nữa, kéo theo sự gia tăng của mọi chi phí liên quan, tạo áp lực nặng nề thêm lên nền kinh tế Mỹ, và hoàn toàn có thể dẫn tới suy thoái sớm, điều mà Bloomberg cũng vừa cảnh báo.

SONG, chưa cần đến "cơn địa chấn" ở mức độ ấy, việc xử lý những vấn đề "ưu tiên đối với người dân Mỹ" hiện cũng đã là các bài toán hóc búa đối với Nhà trắng.

Điều rõ rệt nhất mà bất cứ ai, không cần phải là một chuyên gia phân tích quốc tế, cũng có thể nhận thấy, là sự "eo hẹp" dành cho ngân sách hoạt động của chính phủ liên bang. Điều gì sẽ tiếp diễn ở thời điểm Luật Ngân sách tạm thời (vừa được ký ban hành) hết hiệu lực sau 45 ngày, với một Hạ viện vừa trải qua xáo trộn mạnh mẽ, là chuyện không ai có thể chắc chắn.

Mà nếu thiếu các công cụ tài chính thiết thực được Quốc hội phê chuẩn, mọi ý tưởng ổn định an sinh xã hội đều có thể bị xếp lại trong các ngăn kéo (điều đồng nghĩa với việc đánh mất các ưu thế quan trọng trong cuộc bầu cử cuối năm tới, nhất là khi tình hình kinh tế thế giới nói chung không mấy khả quan).

Song, nếu không siết chặt chi tiêu, như đề đạt của phe đối lập (và cả dụng ý của Cục Dự trữ liên bang (Fed), thông qua việc liên tục duy trì lãi suất ở mức cao), tổng mức nợ công đã vượt 33.000 tỷ USD (theo số liệu mà tờ The New York Times dẫn báo cáo Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/9), đi kèm những cuộc tranh luận nảy lửa trên chính trường Mỹ về giới hạn trần nợ công trong thời gian qua, cũng vẫn sẽ gây nên hiểm họa về lạm phát, thâm hụt và cả bất ổn chính trị.

Và bởi vậy, cuộc đua (xem như đã bắt đầu) tới vị trí chủ nhân Nhà trắng nhiệm kỳ tới càng trở nên gay gắt, khó lường, trong niềm tin đang bị lay động mạnh mẽ của các khối cử tri.