Giá trị của nghệ thuật là bao nhiêu ?

Có lẽ lâu lắm rồi mới có một cuộc triển lãm của họa sĩ Việt Nam được tổ chức tại Pháp với khối lượng tác phẩm đồ sộ như thế. 140 tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ (người Pháp gọi là Mai Thu như chữ ký của ông trên tác phẩm) lấp đầy một không gian của bảo tàng Ursulines, thành phố Mâcon, thuộc tỉnh Bourgone.

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm của Mai Trung Thứ.
Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm của Mai Trung Thứ.

Tuy là cuộc triển lãm trong một bảo tàng địa phương nhỏ, nhưng quả thật Mai Trung Thứ đã tạo nên một cú sốc không chỉ cho người địa phương mà cả khách du lịch. Ngồi một buổi chiều trong bảo tàng thôi, cứ mỗi nhóm khách đi qua, là lại thấy tiếng xuýt xoa trầm trồ. Có những bà đầm Pháp đứng chấm nước mắt trước tác phẩm, cũng không ai hiểu tại sao.

Sở dĩ có cuộc triển lãm đồ sộ về cuộc đời sáng tác của Mai Trung Thứ tại Mâcon là bởi trong quãng thời gian 1940 - 1942, ông, sau thời gian đăng tuyển vào lính Pháp, đã đóng quân tại thị trấn này. Nhiều tác phẩm ông vẽ trong thời gian đóng quân ở đây đã được tặng cho các gia đình ông quen biết trong thị trấn. Hoặc ông vẽ những gia đình quen tại đây, những bức chân dung đơn lẻ hay sinh hoạt gia đình.

Giá trị của nghệ thuật là bao nhiêu ? -0
GS Victor Tardieu và các họa sĩ khóa đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương. 

Thành phố Mâcon tổ chức triển lãm Mai Trung Thứ khá trang trọng, ròng rã trong suốt hơn 3 tháng trời với nhiều hoạt động bên lề như giới thiệu âm nhạc, ẩm thực và văn hóa Việt Nam. Tất cả những «món ăn kèm» kia cốt để triển lãm được chú ý là chính. Bày ra một mâm đại tiệc như thế, mà không thu hút được công chúng thì thật tiếc.

Để có được số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, đến từ nhiều nhà sưu tập khác nhau gồm cả gia đình họa sĩ và một số gallery nổi tiếng tại Paris chắc chắn là điều không đơn giản. Quy mô triển lãm nếu được đặt tại thủ đô Paris thì khó hình dung sẽ tốn kém thế nào, và tất nhiên để tổ chức được là bài toán khó. Ursulines là sự chọn lựa khôn ngoan và tình cảm. Họa sĩ Mai Trung Thứ đã từng sống tại thành phố này, Mâcon cũng là nơi đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Mai Trung Thứ - từ sơn dầu chuyển sang tranh lụa.

Tôi đã tìm kiếm trong nhiều tài liệu đều chưa ra được câu trả lời tại sao lại có sự thay đổi này, ở thời điểm này, khi mà trước đó Mai Trung Thứ chủ yếu vẽ tranh sơn dầu là chính. Điều gì đã khiến ông rẽ sang một ngã đường mới?

Võ đoán theo kiểu lý tính thì chắc vì ông chọn ngả mới để khác với những gì đang diễn ra tại môi trường nghệ thuật Pháp giai đoạn ấy, nhìn theo góc duy tình thì thường khi người ta đi xa, sẽ thấy những gì thuộc về cội rễ có sức mạnh riêng của nó. Tuy câu trả lời không có nhưng rõ ràng giai đoạn nghệ thuật từ những năm 1940 của Mai Trung Thứ với những tác phẩm tranh lụa, đã khiến tác phẩm của ông trở nên khác biệt với chính ông trước đó.

Xem triển lãm Mai Trung Thứ, lần theo dấu vết cuộc đời của ông được bày ra trong 140 tác phẩm thật là một điều kỳ diệu. Nó khác với những lần lên sàn đấu giá để xem gõ búa cho tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nghệ thuật ở đây là tiếng nói để kể về con người, về một cuộc đời phong phú với những tác phẩm da dạng, cho thấy nhân sinh quan của người nghệ sĩ, chứ không chỉ cho thấy tác phẩm của ông đã được chăm sóc và đẩy giá thế nào.

Có hai giai đoạn nghệ thuật của Mai Trung Thứ rất ít được nói đến, được chia sẻ tác phẩm là giai đoạn ông vẽ khi đóng quân ở Mâcon và giai đoạn cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở nên khắc nghiệt.

Giai đoạn đóng quân ở Mâcon, nhiều chân dung của ông vẽ, thay vì cô Phương là những phụ nữ Pháp được vẽ bằng chì hoặc trên lụa. Những chân dung đàn ông, đàn bà, mẹ con... Giai đoạn này ngoài việc thử nghiệm, thay đổi chất liệu thì những nhân vật trong tác phẩm cũng thay đổi theo môi trường sống nhưng có một điều không đổi là thần thái con người trong tác phẩm của ông. Người ta thấy một điều tương đồng trong các tác phẩm phụ nữ của Mai Trung Thứ, dù mẫu là ai - cũng đều được ông miêu tả một cách dịu dàng, thần thái bí ẩn.

Khác với những bức chân dung tự họa, luôn phong trần, có chút khinh bạc, bút pháp khỏe khoắn, đường nét mạch lạc thì phụ nữ trong tranh ông, dù là Pháp hay Việt, dù trẻ hay không trẻ, đều có một vẻ sương khói, ôn nhu.

Giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam, sự xuất hiện của những bà mẹ trong trang phục và dáng vẻ bình dân xuất hiện. Thay vì vẻ sang cả là sự sầu muộn trong dáng vẻ, ngơ ngác trong tinh thần, và những gam mầu trầm ấm xuất hiện.

Quả thật là triển lãm của Mai Trung Thứ dưới cái tên Mai Thu đã để lại một dấu ấn khó quên trong Bảo tàng Ursulines của Mâcon. Ursulines cũng đã làm một việc kỳ công nữa là tổ chức một cuộc triển lãm tại nhà ga de Lyon của Paris vào tháng 6/2021, nơi mà những chuyến tàu có thể đưa người ta về thành phố Mâcon. Cuộc triển lãm ấy, tuy chỉ có 30 bức và là phiên bản nhưng cũng khiến cái tên Mai Thu được người dân thủ đô biết đến phần nào.

Rõ ràng rằng không chỉ các sàn đấu giá, các gallery mà các bảo tàng cũng bắt đầu chú tâm đến các họa sĩ Đông Dương của Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng hiệu ứng ấy phần lớn đến từ các phiên đấu giá. Nếu như cách đây 20 năm, những cái cái tên như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thu, Lê Thị Lựu hầu như chỉ được nhắc đến trong giới sưu tập và yêu thích nghệ thuật châu Á thì giờ đây tác phẩm của ba trong bốn họa sĩ đã trở thành hàng được săn lùng.

Tại Paris, nhiều sàn đấu giá đã được nâng hạng nhờ vào làn sóng sưu tập tranh châu Á đến từ chính các nước châu Á. Người Trung Quốc tìm kiếm mua tranh Trung Quốc của những tên tuổi lớn và đưa trở lại trong nước hoặc về với những nhà sưu tập Trung Hoa. Người Việt Nam săn lùng những tác phẩm của Đàm - Thu - Pho để đưa trở lại trong nước.

Tranh Đông Dương ngày một trở nên là thị trường hứa hẹn.

Đã có thị trường, tất sẽ có chợ.

Các chuyên gia giám định độc lập và trung tâm giám định độc lập thêm hạng mục giám định tranh châu Á vào danh mục trên những trang web quảng cáo.

Những phiên đấu giá tranh Đông Dương trở thành sự kiện rôm rả.

Người săn lùng tranh các họa sĩ khóa 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương lang thang cả những sàn đấu giá tỉnh lẻ của Pháp để tìm kiếm tranh lưu lạc.

Và tất nhiên, câu chuyện về tranh giả bắt đầu được lưu truyền.

Chỉ có điều khách hàng lớn hầu hết là người đến từ Việt Nam.

Trong những phiên đấu giá tại sàn đấu lớn nhất Paris Drouot, người Việt Nam tham gia đấu giá chiếm gần hết khán phòng. Dân đấu thuê chuyên nghiệp, nhà sưu tập đi thăm thú để nắm bắt thị trường và những người Việt trẻ, mơ ước được đứng vào hàng ngũ đường dây mua bán tranh Đông Dương.

Lúc ấy Lê Phổ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu - Mai Trung Thứ hay Alix Aymé thì cũng chỉ là những món hàng. Chẳng ai nói về nghệ thuật, người ta nói về giá.

Cũng không ai hỏi vì sao chỉ vài năm trước giá bằng một phần năm phần mười, mà giờ đây tăng đến thế, dù rất hiếm hoi có nhà sưu tập tổ chức để công bố những tác phẩm mà họ có hay hiếm hoi hơn là những cuộc triển lãm quy mô được các gallery hay bảo tàng tại Pháp tổ chức.

Những cuộc đời sáng tác, những bước đường trưởng thành, những khúc ngoặt trong cuộc đời nghệ thuật không phải đề tài tìm kiếm, phân tích, chỉ là tranh được săn lùng.

Triển lãm Mai Trung Thứ có lẽ vì thế trở nên đặc biệt hơn, khi nó cho người ta cơ hội được chiêm ngưỡng, phân tích và hiểu về cuộc đời, thiên kiến nghệ thuật của ông, để biết vì sao ông vẽ thế, mầu thế, thần thái thế và sống thế.

Tất nhiên, không ai loại trừ khả năng, đây cũng là cơ hội cho làn sóng đẩy giá, chép tranh, thật giả lẫn lộn của các tác phẩm tranh Đông Dương thêm rộng đường xuất hiện.

Tuy vậy, không ai có thể vẽ ra cuộc đời, đẩy giá góc nhìn, chép lại suy nghĩ của Mai Trung Thứ khi ông đứng trong hàng ngũ những người Việt Nam mong mỏi hòa bình. Cũng không ai thay ông ghi lại được nỗi nhớ quê hương, đến mức mấy chục năm sống trên đất Pháp - tranh ông vẫn mang hồn Việt.

Thật may, công chúng Pháp đã được biết đến Mai Thu như một họa sĩ Việt Nam và một phần của tranh Đông Dương dưới góc nhìn hoàn chỉnh ấy.

Giá của một cuộc đời nghệ thuật là thứ không săn lùng được, không thổi giá được, nhưng cái đẹp mà nó mang đến, khiến người ta xúc động hơn và cuộc đời nghệ thuật khi ấy không còn giá.