Trang trí đô thị: bao giờ thoát cảnh “phong trào”?

Sặc sỡ, lòe loẹt, được triển khai ồ ạt trên các tuyến phố theo kiểu “thời vụ” trong những dịp lễ lạt - đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia về khâu trang trí đô thị tại các thành phố lớn hiện nay. Câu chuyện ấy đến từ thẩm mỹ, kinh phí, hay nằm ở cách tư duy quá cũ?

Cách trang trí lạm dụng đèn màu đang khá phổ biến tại các đô thị.
Cách trang trí lạm dụng đèn màu đang khá phổ biến tại các đô thị.

Đầu tháng ba vừa qua, Hà Nội phát động cuộc thi thiết kế, trang trí đô thị cho năm 2017. Đây là lần thứ hai, cuộc thi này được tổ chức, kể từ 2016. Trước đó, như nhiều đô thị khác, Thủ đô của Việt Nam vẫn chủ động tự trang trí thành phố theo kiểu “bao cấp” mà ít có sự phản biện từ giới chuyên môn.

1 Dù được thực hiện bằng ngân sách, hay sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cách làm ấy vẫn cho thấy nhược điểm lớn nhất: thiếu sự đóng góp, hoàn thiện về thẩm mỹ.

Câu chuyện về mẫu trang trí “Rồng Pikachu” tại Hải Phòng dịp Tết Nguyên đán 2017 vừa qua là thí dụ điển hình - khi thiết kế vừa quá lòe loẹt với mầu vàng chói, vừa quá kệch cỡm trong cách tạo hình. Còn nhớ một năm trước đó, Tết Nguyên đán 2016, đài hoa trang trí tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, với hình dạng kỳ quặc của những cột sắt gắn hoa giả và hệ thống đèn led nhấp nháy.

Nhận về những phản ánh gay gắt từ cộng đồng, cả hai mẫu trang trí xuất hiện trong dịp Tết này đều được tháo gỡ khẩn trương ngay sau khi triển khai. Thế nhưng, nếu nhìn rộng hơn, sự máy móc và cứng nhắc trong trang trí đô thị vẫn là câu chuyện dài, không chỉ diễn ra vào dịp Tết đến, xuân về.

Chẳng hạn, suốt một thời gian rất dài tại Hà Nội, quả cầu Hòa Bình đặt tại phố Lý Thái Tổ (trước cửa quảng trường Ngân hàng) từng bị giới mỹ thuật và kiến trúc phê bình khá gay gắt về tỷ lệ thiết kế. Kích thước quá to của nó đã phá vỡ sự trang nhã hiện có của các trục phố Pháp nơi đây, đồng thời che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông về phía khu vực vườn hoa Con Cóc. Hoặc, khu vực Ô Quan Chưởng cũng bị phá vỡ không gian cổ kính, trầm mặc khi có cả hệ thống cờ đuôi nheo xanh đỏ được cắm chi chít chung quanh.

Và đặc biệt, không chỉ dừng ở những thiết kế điểm nhấn, việc “phủ” đèn trang trí, hoa giả, cây giả... lên đường phố trong những dịp lễ Tết, kỷ niệm được coi là “căn bệnh” phổ biến nhất trong vấn đề trang trí đô thị hiện nay. Cách làm ấy, theo lời họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, là lối mòn tư duy không hề thay đổi trong nửa thế kỷ qua.

“Chúng ta vẫn giữ cách trang trí theo kiểu căng dây, kéo những chùm đèn chạy chi chít như dàn mướp trên đầu của những năm 1950. Và mầu sắc thì luôn là mấy gam mầu cơ bản xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, nõn chuối... được sử dụng với độ sáng mạnh. Nghĩa là tất cả cứ lòe loẹt, sáng trưng lên” - ông Chương nói. “ Kiểu trang trí ấy không chỉ gây nhiễu về thị giác, tạo cảm giác thiếu tinh tế mà còn lấn át cả vẻ đẹp của cảnh quan thực chung quanh”.

Còn theo KTS Trần Huy Ánh, khá nhiều nội dung trang trí trên đường phố hiện nay đều được tạo hình theo các mẫu về hoa, lá, chim, cây... một cách tràn lan. “Đó là cách rập khuôn máy móc, với tư duy nghèo nàn, lạm dụng những hình tượng như chim lạc, bông sen, mà không chú ý tới giá trị văn hóa tự thân của các biểu tượng ấy” - KTS này nhận xét. “Chẳng hạn, Khuê Văn Các là biểu tượng truyền thống về sự kết tinh của trí tuệ đất Thăng Long. Lẽ ra, biểu tượng ấy nên được nghiên cứu để đặt tại những điểm nhấn cụ thể, với cách tạo hình, chiếu sáng tinh tế và trang nhã - chứ không phải đưa ào ạt ra vỉa hè...”.

2 Thực tế, dù bị chi phối bởi cách tư duy theo kiểu “phong trào” ấy, trang trí đô thị tại Hà Nội đã từng có những điểm sáng khá tích cực. Theo lời kể của KTS Trần Huy Ánh, vào thập niên 1990, công trình Tháp phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (phố Bà Triệu) được giới chuyên môn đánh giá khá tốt về hiệu ứng thẩm mỹ vào buổi tối, khi các cột tháp này được chiếu sáng vừa phải và in bóng lên nền trời, hướng về phía dòng người di chuyển từ Hồ Gươm dọc theo trục đường Bà Triệu. Tương tự, sau khi được trùng tu vào năm 1997, khu vực trước Nhà hát Lớn cũng trở thành một không gian đặc biệt vào mỗi dịp cuối tuần, với hệ thống chiếu sáng đặt thấp, hắt lên từ nền đất.

Trang trí đô thị: bao giờ thoát cảnh “phong trào”? ảnh 1

Chiếu sáng đơn thuần làm nổi bật nền kiến trúc sẵn có, là cách trang trí được đánh giá tốt nhất tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

“Rất tiếc, những bài học quý này lại ít khi được phát huy” - KTS Ánh nói. “Ở những không gian văn hóa lịch sử của thành phố, việc trang trí chiếu sáng phải được nghiên cứu để bổ khuyết và tô điểm thêm cho phần kiến trúc cảnh quan sẵn có - chứ không thể lấn át, che lấp không gian thật bằng họa tiết giả hoặc đèn mầu rẻ tiền.”

Một điển hình cho việc bỏ phí cơ hội làm đẹp Hà Nội là cuộc thi “Đánh thức không gian”, do Hội đồng Anh tổ chức năm 2009. Giải nhất của cuộc thi là phương án chiếu sáng cầu Long Biên, với ý tưởng vô cùng đơn giản: chín nhịp cầu cũ từng bị bom Mỹ phá hủy sẽ được “tái hiện” bằng hệ thống chiếu sáng, để cùng những nhịp cầu còn lại tạo nên một cây cầu Long Biên nguyên vẹn bằng ánh sáng và trở thành điểm nhấn vào mỗi dịp cuối tuần. Vậy nhưng, tám năm đã trôi qua, ý tưởng này vẫn chỉ nằm trên giấy!

“Số tiền cho dự án là khoảng hơn 100 tỷ đồng, nhưng mãi không thể tìm được nguồn đầu tư” - KTS Lại Thành Tín, tác giả dự án, kể. “ Sau này, một đơn vị nhận tài trợ, nhưng họ đề nghị thay hệ thống chiếu sáng bằng... các dãy đèn nhấp nháy xanh đỏ, đồng thời được quyền treo các biển quảng cáo dọc cầu. Chúng tôi chỉ còn cách lắc đầu...”.

3 Trở lại cuộc thi trang trí đô thị được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức năm 2016. Rõ ràng, đây là một cột mốc đánh dấu thái độ cầu thị và muốn thay đổi của các cơ quan chức năng trong vấn đề trang trí đô thị hiện nay. Nhưng, theo đánh giá từ ban giám khảo, chất lượng của cuộc thi này cũng chỉ ở mức... vừa phải! Thậm chí, khá nhiều bài thi vẫn đi theo lối mòn của cách trang trí cũ, với những dây hoa xanh đỏ giăng ngang đường, biểu tượng đặt ở các ngã tư, đèn treo để tạo hoa văn...

Không hẳn chỉ bởi... kinh phí khiêm tốn, điều được cho là chưa thành công ở cuộc thi ấy chính là việc thiếu khả năng quy tụ những tác giả có năng lực. Và xa hơn, đó là câu chuyện của nhận thức chung về trang trí đô thị - khi mà trong rất nhiều năm vừa qua, vấn đề này ít nhiều vẫn bị đánh đồng với tính chất của thứ nghệ thuật bình dân theo kiểu... phong trào.

Trong khi đó, như chia sẻ của giới chuyên môn, việc tạo ra những sản phẩm trang trí đường phố đủ thẩm mỹ lại dựa rất nhiều vào những kiến thức về tính thống nhất, ý tưởng chủ đạo, tỷ lệ tương quan, hiệu ứng chính - phụ, sự hài hòa trong nhịp điệu, phép ẩn dụ về hình ảnh, hòa sắc và độ chói... Thậm chí, vấn đề trang trí đô thị lại cần sự chung sức của khá nhiều chuyên ngành như kiến trúc, quy hoạch, giao thông, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ chiếu sáng...

“Nhiều thành phố trên thế giới có hẳn một Ủy ban tư vấn cho lĩnh vực trang trí đô thị, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan” - KTS Trần Huy Ánh cho biết. “Nếu chưa làm được điều ấy, bên cạnh các cuộc thi, tôi nghĩ các thành phố của chúng ta cũng nên kêu gọi, thậm chí đặt hàng các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật đường phố cùng sáng tạo để tìm giải pháp làm đẹp cho đô thị của mình. Dù bằng ngân sách hay theo hình thức xã hội hóa, việc tập trung nguồn lực, tạo nên những điểm nhấn trang trí quan trọng và chất lượng trong đô thị vẫn hợp lý hơn rất nhiều so với cách làm ào ạt, chạy theo số lượng như hiện nay”.