Phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực từ sớm, từ xa

Những ngày qua, xã hội tiếp tục quan tâm, chú ý những thông tin mới liên quan việc khởi tố, điều tra các vụ việc mà liên quan là một số lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố, người nắm trọng trách ở các tập đoàn kinh tế lớn…, với những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch chứng khoán, vận tải, phòng, chống dịch bệnh…

Nhìn chung trong những làn sóng mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thoái hóa, biến chất thời gian qua, mỗi tội danh, những hành vi vi phạm, thủ đoạn… của các cá nhân, nhóm sai phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi nhân dân, đời sống xã hội, uy tín Đảng và Nhà nước, đã và đang được các cơ quan chức năng nhận diện, chỉ rõ. Cũng để thấy, trong nạn tham nhũng, tiêu cực nói chung, những biểu hiện và tính chất các vụ việc là muôn hình, muôn vẻ.

Việc vạch mặt, chỉ tên, công bố rộng rãi những vụ việc, con người vi phạm pháp luật, để xã hội biết, đề cao cảnh giác là vô cùng cần thiết. Điều đó cho thấy rằng, cuộc chiến đấu chống những gì cản trở sự phát triển của xã hội, vẫn chưa hề nguội lạnh; tinh thần kiên quyết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng vẫn chưa hề nao núng. Công khai, minh bạch thông tin cũng góp phần tôn bồi lòng tin trong nhân dân vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện một cách quyết liệt.

Dư luận cũng tiếp tục mong mỏi, ngoài tính chất răn đe, cảnh báo trước toàn xã hội từ các vụ việc bị đưa ra ánh sáng, thì cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh, quản trị xã hội, các mặt công tác, công vụ ở các bộ, ngành, địa phương… cần được thúc đẩy hơn nữa. Cũng như, quy định pháp luật liên quan kiểm tra, giám sát chống tham nhũng, tiêu cực cần được triển khai thường xuyên, rốt ráo hơn nhằm phát hiện sớm khả năng, xu hướng, dấu hiệu vi phạm.

Có như vậy, những gì đang ở dạng mầm mống, nguy cơ phạm tội mới không có cơ hội cấu thành tội phạm. Và các cơ quan, ngành nghề, địa phương, xã hội mới không phải chịu những thiệt hại to lớn về tài chính, vật chất mà rất lâu sau mới có thể phục hồi, có khi không phục hồi nổi, cũng như, tránh cả sự mất mát về con người. Bởi phải thấy rằng, không ít đối tượng từng sai phạm, bị phát hiện, xử lý, có khi vướng vòng lao lý, cũng từng là những người có năng lực, trình độ, từng có đóng góp nhất định cho đơn vị, ngành nghề, xã hội. Nếu những con người như thế sớm được rà soát, cảnh báo, sớm bị ngăn chặn, thì ít nhiều, họ cũng sẽ bớt đi phần nào nguy cơ trở nên những tác nhân gây hại, hoặc không thực hiện được hành vi phạm tội.

Pháp luật cần sự sáng suốt, nghiêm minh để kịp thời phát hiện, trừng phạt cái sai. Pháp luật càng cần khả năng bao quát, tính chất ràng buộc, kiềm chế để phòng ngừa cái xấu. Dĩ nhiên, pháp luật không chỉ là những điều khoản, quy định, mà cần có hệ thống các cơ quan, đội ngũ những con người thực thi, vận hành, áp dụng, phát huy tính hữu dụng của những điều khoản, quy định đó.

Thời gian qua, nhiều cái xấu, cái tệ hại bị "lộ sáng". Nhưng ngày càng có thêm những cái xấu tương tự hoặc khác nữa, bị phát hiện. Vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, giám sát để định hướng, điều chỉnh theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh, quản lý và lãnh đạo các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương… là rất hệ trọng, cần được tiếp tục bàn thảo sâu, rộng trong toàn Đảng, toàn dân để phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.