Phía bên kia sóng gió

Nguy cơ "vỡ nợ" đã được dập tắt, đối với nước Mỹ. Tuy vậy, những ngày căng thẳng vừa khép lại vẫn sẽ là một tiếng chuông cảnh báo, về những cạm bẫy chính trường, đối với đảng Dân chủ và cá nhân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 5/6, Bộ Tài chính Mỹ chính thức khẳng định: Họ đã có đủ điều kiện để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của chính phủ liên bang, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về trần nợ công.

Với việc được cả lưỡng viện Quốc hội chấp thuận, và được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua ngày 3/6, để từ dự luật trở thành đạo luật "Trách nhiệm Tài chính năm 2023", mức trần nợ công 31.400 tỷ USD của nước Mỹ được đình chỉ trong hai năm (đến ngày 1/1/2025). Nhờ đó, Bộ Tài chính Mỹ đã có thể nhanh chóng tiến hành thanh toán và chuyển 92 tỷ USD, trong đó có khoản điều chỉnh 36 tỷ USD, cho quỹ tín thác Medicare và An sinh xã hội.

Ở một diễn biến liên quan, thị trường chứng khoán Phố Wall khép lại phiên giao dịch ngày 6/6 với những động thái tăng điểm nhẹ, khi tâm lý của các nhà đầu tư đã được cải thiện.

Cơn phong ba, vào lúc này, đã tạm lắng xuống.

Kết cục đẹp ấy, một cú "bẻ lái" đưa con thuyền kinh tế Mỹ tránh khỏi được vòng xoáy thảm khốc mang tên "vỡ nợ", đã đến sau rất nhiều cam go, và cũng chỉ có thể được định hình nhờ những thỏa hiệp giữa ông chủ Nhà trắng và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy-người đứng đầu nhóm các nghị sĩ đảng Cộng hòa đối lập, ở thời điểm gần sát "lằn ranh đỏ".

Phe Cộng hòa cuối cùng cũng đã nhượng bộ, như lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bởi tính chất quá quan trọng của vấn đề nâng trần nợ công này (đến mức độ Tổng thống Mỹ phải cắt ngắn chuyến công du nam Thái Bình Dương để gấp gáp trở về). Tình trạng vỡ nợ của chính quyền liên bang có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.

Viễn cảnh u tối ấy, chính các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng không có cách gì cứu vãn. Vả chăng, cũng chẳng ai muốn tiếp quản một "cơ đồ" lụn bại như thế. Trong khi đó, trước mắt đảng Cộng hòa vẫn còn 18 tháng, để mài giũa những công cụ cần thiết, nhằm chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới. Hiện tại, họ nhân nhượng, song đến thời điểm của những cuộc tranh luận, cách điều hành nền kinh tế-xã hội của đảng Dân chủ (tính đến lúc này) chắc chắn sẽ lại được xới lên.

Và điều quan trọng, cho dù hiện tại mọi thứ đã có vẻ "trời yên biển lặng", thì điều gì sẽ đến sau ngày 1/1/2025? Bởi, điểm cốt lõi trong câu chuyện này vẫn chỉ là: Chính quyền Mỹ đương nhiệm đang chi quá nhiều ngân khoản khổng lồ, song lại không có cách nào bổ sung nguồn thu, ngoài tăng thuế, điều mà các nghị sĩ phe Cộng hòa kịch liệt phản đối (bởi họ đòi hỏi cắt giảm chi tiêu, là cách xử lý vấn đề giàu tính bền vững hơn).

Hiện tại, theo đạo luật mới (cũng tức là theo thỏa thuận giữa Nhà trắng và phe đối lập), hai bên nhất trí thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và đặt ra thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo. Một cách ngắn gọn, những khoản chi sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn. Ngân sách của hai năm tài khóa 2024 và 2025 cũng đang bị siết chặt.

Trước đó, ngày 2/6, cơ quan xếp hạng tín nhiệm uy tín Fitch Ratings đã giữ nguyên xếp hạng "AAA" của Mỹ ở diện theo dõi tiêu cực, dù thỏa thuận về trần nợ công được phê chuẩn. Fitch nhận xét: Những bất đồng liên tục về trần nợ cũng như việc đình chỉ áp dụng trần nợ vào phút chót đã làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị của chính quyền Mỹ.

Cùng ngày 2/6 ấy, Bộ Tài chính Mỹ buộc phải tiến hành bán đấu giá các hóa đơn quản lý tiền mặt kỳ hạn một ngày - công cụ thường được phát hành như sự thay thế cho giấy nợ hay tín phiếu - trị giá 15 tỷ USD.

Có thể thấy trước, các quyết sách sắp tới của Nhà trắng sẽ luôn vấp phải một "chướng ngại vật" không dễ vượt qua, là sự eo hẹp của nền tảng tài chính. Mà trên chính trường Mỹ, điều đó có nghĩa là những nỗ lực "kiếm phiếu" của đảng Dân chủ sẽ ngày càng khó khăn.