Ở phía cuối của thảm họa

"Đây là một cuộc khủng hoảng chồng lên khủng hoảng!"- Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Afghanistan, ông Arshad Malik, đưa ra một đánh giá u ám, giữa những đống đổ nát vẫn còn đang được đào xới nhằm tìm kiếm các nạn nhân của trận động đất 6,3 độ richter vừa tàn phá cả miền tây Afghanistan.
0:00 / 0:00
0:00

ĐÃ có 2.445 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, cùng 2.440 người bị thương" - người phát ngôn Bộ Xử lý thảm họa Afghanistan Mullah Janan Sayeeq thông báo với CBS News ngày 8/10, một ngày sau khi cơn địa chấn kinh hoàng xảy đến.

Và toàn bộ giới quan sát quốc tế đều hiểu: Những mất mát trong thực tế sẽ còn cao hơn gấp nhiều lần. Bởi, sau thông báo ấy, rất nhiều nạn nhân vẫn còn kẹt lại dưới những ngôi nhà đổ, trong khi do thiếu thốn trang thiết bị, các lực lượng giải cứu cũng như những người dân may mắn hơn vẫn đã và đang phải dùng tay không để thực hiện các hoạt động cứu hộ/cứu nạn.

Trong những ngày kế tiếp, như Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết: Các nhóm chuyên gia cùng các đội y tế từ các đối tác nhân đạo vẫn khẩn trương được cử đến Afghanistan, để đánh giá tình hình, cung cấp khẩn cấp các nhu yếu phẩm, cũng như cố gắng giành giật thêm những sinh mạng từ tay tử thần.

MỘT khoản chi khẩn cấp 5 triệu USD trích từ Quỹ Nhân đạo Afghanistan đã được OCHA phê duyệt. Trước đó, đáp lời "cầu cứu" từ ông Mullah Janan Sayeeq, rằng: "Afghanistan cần mọi sự giúp đỡ, trong thời điểm cấp thiết này", các nước láng giềng Pakistan, Trung Quốc, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhanh chóng cam kết và khẩn trương tiến hành hỗ trợ.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới cùng các tổ chức quốc tế khác cũng đang nỗ lực chạy đua với thời gian để đưa hàng cứu trợ đến tỉnh Herat, tâm chấn của trận động đất.

Song, điều đáng sợ là, theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, ngay cả những nỗ lực huy động nguồn viện trợ nói trên cũng có nguy cơ không thể hoặc khó có thể đến được tay người dân bị ảnh hưởng. Bởi vì, việc tổ chức cứu hộ và khắc phục hậu quả của trận động đất tại những khu vực xa xôi (và thậm chí đã trở nên hoang phế, với cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng) như ở miền tây Afghanistan là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Không chỉ vậy, kể từ khi lực lượng Taliban quay trở lại nắm quyền vào ngày 15/8/2021, nhiều tổ chức và cơ quan viện trợ phát triển đã rút khỏi hoặc cắt giảm các chương trình hỗ trợ phát triển dành cho quốc gia Tây Nam Á này. Việc cắt giảm đột ngột đó đã ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng duy trì hoạt động của các dịch vụ công cộng thiết yếu, điển hình như dịch vụ chăm sóc y tế - lĩnh vực mà Afghanistan phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn viện trợ nước ngoài.

Hiện tại, trước thảm kịch, những quy định hạn chế của Taliban đối với phụ nữ vẫn đang khiến nhiều nhà tài trợ cắt giảm hỗ trợ tài chính cho Afghanistan. Cộng hưởng với hệ quả của những cuộc khủng hoảng khác đang bùng cháy trên toàn thế giới, tình cảnh của Afghanistan lại càng trở nên khó khăn.

TRƯỚC khi tang tóc ập xuống, đời sống của khoảng 75% dân số Aghanistan phụ thuộc vào các nguồn viện trợ nhân đạo, như ông Arshad Malik nhấn mạnh: "Ngay cả khi chưa xảy ra thảm họa này, trẻ em đã phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng". Có thể dự đoán, khi các hoạt động cứu hộ/cứu nạn khép lại, những số liệu và hiện trạng đau thương sẽ còn có nguy cơ trầm trọng hơn nữa.

Bởi vì, ở tận cùng của mệnh đề, khái niệm "khủng hoảng chồng lên khủng hoảng" có thể sẽ còn được nối dài. Mọi chuyện sẽ không chấm dứt, ngay cả khi thi thể cuối cùng được tìm thấy, hay người bị thương cuối cùng được cứu sống. Ngay sau đó, sẽ là kế hoạch tái thiết một quốc gia đã quá tan hoang, với những phương trình còn khó cân bằng hơn gấp bội, khi bị giằng xé bởi các mâu thuẫn và khác biệt về tư tưởng cũng như hệ giá trị. Sức ép thay đổi nhiều khả năng sẽ lại được đặt ra, cứng rắn hơn với chính quyền Taliban, như điều kiện tất yếu cho các khoản viện trợ từ cộng đồng quốc tế.

Tấn bi kịch đang hiện hữu, với những lời kêu cứu vô vọng từ dưới cảnh hoang tàn, liệu có đủ sức nặng để ít nhất là phác thảo các khả năng thỏa hiệp hay nhượng bộ?