Cần tiếng nói kịp thời từ nhà quản lý

THỜI gian qua, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội có nhiều cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sôi nổi hoặc những vấn đề gây chú ý trong cộng đồng, giới nghiên cứu, các văn nghệ sĩ.
0:00 / 0:00
0:00

Gần đây nhất, chính là những trao đổi, tranh luận đa chiều quanh bộ phim có tên "Đất rừng phương Nam". Rất nhiều ý kiến chê, khen, phản biện, góp ý, ghi nhận, gợi mở… đã phát đi từ nhiều nhóm, cá nhân, bàn về tên phim, việc lấy cảm hứng từ truyện "Đất rừng phương Nam", việc khai thác các yếu tố lịch sử, xây dựng nhân vật, sử dụng trang phục, lời thoại trong phim…

Trước đó và vẫn được "bàn tán" đến thời điểm này, là việc xới lại bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh khi bài thơ này được đưa vào sách giáo khoa mấy năm trước; cùng với bài thơ "Con chào mào" của nhà thơ Mai Văn Phấn, cũng đã vào sách giáo khoa. Về hai bài thơ trên, có nhiều ý kiến, hoặc rất chê, hoặc phân tích những điểm cho là được, là hay, là mới, đòi hỏi sự đồng cảm của người đọc, người dạy và học. Dư luận cũng từng xôn xao về việc mất mát, thất lạc một số văn bản Hán Nôm tại Viện Hán Nôm. Cũng gây chú ý một thời gian là trường hợp một cuốn sách nghiên cứu được giải tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, giải của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, bị tố đạo văn…

Các hiện tượng, sự việc, sự vụ, sự cố trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ như thế xảy ra, có liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, với những diễn biến đa dạng. Để tìm hiểu, giải quyết thấu đáo, đi đến những nhận thức, thống nhất chung tương đối, thì không thể ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, những sự vụ đó gây chú ý trong dư luận, xới lên nhiều cảm xúc, tâm trạng, thái độ, kéo theo nhiều ý kiến, quan điểm, lời lẽ đa chiều, nhiều cung bậc. Tích cực, tiêu cực đều có, tập trung vào nội dung chính của sự việc cũng có, mà nhân đó lợi dụng bàn tán, đánh giá các vấn đề khác cũng không ít. Có khi từ sự việc mà "móc nối" sang những chuyện nhân phẩm, đạo đức, phát sinh những lời lẽ thô tục, phản cảm.

Khi các sự việc được đẩy đi xa, rộng, ra ngoài câu chuyện chính cần giải quyết, thì ngoài sự tỉnh táo, sáng suốt và thái độ văn hóa của các bên, rất cần tiếng nói của các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, đơn vị chức năng có liên quan đến những bộ phim, cuốn sách, pho tư liệu, nguồn dữ liệu, hay các di tích, di sản, con người được nhắc tới, được "mổ xẻ".

Thí dụ như mấy sự vụ nêu trên, thì cần sớm phát huy tiếng nói, vai trò của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhóm tác giả và hội đồng thẩm định sách giáo khoa, hay Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… Cần sự vào cuộc tìm hiểu, phân tích, đánh giá, công bố kịp thời trước công luận để công chúng, giới nghề nắm được những thông tin vụ việc, những điểm chính, các nguyên nhân, lý do và cách giải quyết của cơ quan chủ quản, đơn vị chức năng. Như thế sẽ phần nào cung cấp những quan điểm, ý kiến có tính chính thống; làm sáng rõ hơn tình hình có khi đang rắc rối, phức tạp, gây khó hiểu, hoang mang cho dư luận, xã hội.

Việc này còn nhằm cung cấp thông tin, tri thức, định hướng công chúng quan tâm đến những vấn đề, nội dung lành mạnh, minh bạch bằng thái độ văn hóa. Phải nói rằng, công chúng chú ý đến các chủ đề văn hóa, sự việc văn nghệ là điều đáng quý, đáng trọng. Nên coi đây là những dịp cùng nâng cao mối quan tâm của xã hội đối với văn hóa, văn học nghệ thuật.

CÁC nhà quản lý rất cần chủ động, linh hoạt và thấu đáo hơn khi diễn ra các sự vụ như vậy. Đừng để đến khi sôi sục, căng thẳng mới lên tiếng. Mà với chức trách của mình, cơ quan quản lý nên nhanh chóng nhập cuộc hơn nữa, để đón đầu, định hướng, cùng đồng hành và phát huy những điều tích cực trong dư luận, lan tỏa các giá trị văn hóa trong xã hội.