Những biến đổi của ngày Tết

Tìm kiếm vé máy bay vào thời điểm Tết Nguyên đán hằng năm, sẽ nhận thấy đa phần các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 là ngày cao điểm, giá vé tăng cao, ghế trống thường còn rất ít. Qua ngày mùng 1, các gia đình đã cúng xong mâm cơm ngày Tết, nhiều người trong số họ sẽ bắt đầu một hành trình chơi Tết đúng nghĩa. Tết, hình như đã không còn gói gọn ở mâm cơm sum họp.

Khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh | SUN GROUP
Khu du lịch Bà Nà Hills. Ảnh | SUN GROUP

Trốn Tết

Gõ thanh tìm kiếm tại website một hãng hàng không cho chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc thời điểm hiện tại, vé ngày mùng 1 Tết tăng gấp 2 lần bình thường, vé ngày mùng 2 tăng gấp 4. Điểm đến năm nay dường như tập trung vào các khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không cần chờ tới khi dịch Covid-19 hoành hành, khái niệm "sum họp" ngày Tết dường như đang có một sự biến đổi nhẹ nhàng từ không ít người trẻ.

Thanh Hằng đã 5 năm nay không về nhà ăn Tết. Cả gia đình đã quen với sự vắng mặt của cô con gái những ngày đầu năm rồi. Cứ tầm 27-28 Tết, cô sẽ lên máy bay tới một nơi nào đó cho đến hết kỳ nghỉ, có năm là Thái Lan, có năm là Singapore, Đài Loan, năm thì Hàn Quốc - những nơi không quá xa Việt Nam để vừa vặn với kỳ nghỉ một tuần tới 9 ngày. Năm 2021, Tết đầu tiên có Covid-19, Hằng cũng chỉ về ăn cơm với bố mẹ ngày mùng 1 rồi lại tiếp tục đi du lịch Côn Đảo với bạn bè tới hết Tết.

Hằng có 5 năm học Đại học ở Nga. Chỉ có một cái Tết giữa năm thứ ba cô về nhà, còn thì đều ở lại trường. "Hồi đấy nghèo, sinh viên có tiền ăn là tốt lắm rồi, làm gì kham được thêm 2000 đô tiền vé máy bay về nhà", Hằng kể. Những ngày Tết Nguyên đán trường đều cho lưu học sinh Việt Nam nghỉ hai ba ngày, đa phần trùng với kỳ nghỉ đông hoặc đầu học kỳ 2 nên đó là thời điểm Hằng hào hứng với Tết nhất. Mọi người đều rộn ràng chuẩn bị các món ăn Việt để có được không khí giống Tết quê nhà. Thế nhưng khi về nhà, ý vị Tết với Hằng lại nhạt đi ít nhiều.

Lý giải cho việc cứ Tết đến là "xách ba lô lên và đi", Hằng gọi đó là cuộc chạy trốn. "Nhà mình trước kia trọng truyền thống, cơm nước lỉnh kỉnh, tiếp khách khứa suốt cả mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 hóa vàng lại nấu nướng, dọn dẹp. Cả Tết đúng nghĩa rất mệt mỏi, mình không chịu được", Hằng bảo. Còn một lý do lớn hơn, ngoài 30 tuổi, đã đi qua một cuộc hôn nhân, cô hay gặp những câu hỏi khó liên quan đến cá nhân mỗi khi gặp họ hàng tới chúc Tết. "Gặp họ hàng ai cũng giục cưới đi, đẻ đi". Phần vì ngại trả lời, phần vì cũng không hợp không gian quá đông người, cô thấy việc tránh mặt những ngày đầu năm là một giải pháp tốt.

Ở nhà Hằng, thời gian đầu, bố cô cũng tỏ ý không hài lòng. "Ông bảo lễ Tết đoàn viên nhà người ta con bốn phương tụ về, nhà mình con đi bằng hết, chẳng ra thể thống gì". Nhưng cô thuyết phục dần, rằng "Bọn con quanh năm đi làm, có Tết dài ngày đi ăn đi chơi, còn đoàn viên thì quanh năm, con vẫn về nhà suốt đấy thôi". Thực tế thì căn hộ của cô ở gần nhà bố mẹ. Một tuần vài ba lần cô vẫn ghé qua ăn cơm cùng cả nhà. Nhà có cậu em trai, mấy năm nay đã đi làm, cũng giống chị, cũng cứ dịp Tết là xách ba-lô lên đường. Thế nên bố mẹ cô bắt đầu quen với việc Tết thiếu cả hai. Khi không có đủ cả nhà, các bước cho ngày Tết ở nhà cô cũng giản tiện nhiều, mẹ cô cũng bớt tất bật. Năm nay dịch bệnh không thể ra nước ngoài, nhưng Hằng nói chắc cũng đi một điểm nào trong nước. Và Hằng không cô đơn. Cô luôn có một nhóm bạn cùng ý nghĩ như cô, luôn sẵn sàng lên đường khi đồng hồ chưa kịp hết vòng năm cũ.

Những vòng thay đổi

Xu hướng ăn Tết xa nhà đang ngày một phổ biến trong giới trẻ. Trong một thống kê đầu năm 2021 của các doanh nghiệp lữ hành, thì nhu cầu khách du lịch trong dịp Tết sẽ cao hơn từ 20-30% so với các tháng bình thường. Thời điểm 2019, khi chưa có bóng dáng con virus chết người, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa (Lào Cai) đón 69.400 lượt khách nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch hơn 224 tỷ đồng. Nếu so sánh với các kỳ nghỉ dài ngày khác có thể thấy số người đi chơi Tết không hề kém cạnh. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 Sa Pa có 75.000 lượt khách nội địa, tổng doanh thu 242 tỷ đồng.

Cao Hương, chủ một homestay ở Sa Pa nói rằng đã 3 năm nay cô chưa về nhà ăn Tết. Đó là 3 năm cô bắt đầu hành trình khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú. Thời điểm chưa có Covid-19, những ngày Tết dương lịch cho tới bắt đầu hết Tết âm lịch là giai đoạn "kiếm tiền" của ngành du lịch Sa Pa. "Có khách lẻ, nhưng cũng có cả gia đình tới nghỉ qua Tết", Hương cho biết. Có năm cô đón một gia đình ở qua cả mấy ngày Tết, từ mùng 1 tới hết mùng 6. Hương cũng chuẩn bị đầy đủ mâm cỗ cúng, trang hoàng căn nhà với cành mận, cành mai để khách vẫn cảm nhận được vị Tết trong nhà. Cô nói có lúc cũng định đóng phòng, không kinh doanh mấy ngày Tết, nhưng chưa tới tháng 12, khách đã nhắn tin gọi điện đặt phòng rồi. Thế nên Hương đành bỏ qua Tết của bản thân, để đón Tết cùng khách. Ở Sa Pa, nếu không phải là do dịch bệnh, các khách sạn, homestay đã kín khách đặt vào Tết Nguyên đán từ tháng trước.

Đầu năm 2021, trong một khảo sát của booking.com, có tới 52% người Việt cho rằng sẽ đi nhiều hơn vào dịp Tết để bù đắp một năm chôn chân tại nhà. Cũng có 57% người được hỏi cho rằng họ quý trọng việc có thể đi du lịch hơn sau những ngày giãn cách và sẽ không xem nhẹ cơ hội được làm điều đó trong tương lai. Tết năm 2022 được dự đoán là một năm buồn cho du lịch Việt, khi mà bóng ma dịch bệnh vẫn còn chưa dứt. Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận, việc ở nhà quá lâu sẽ khiến người ta khao khát hơn bao giờ hết cơ hội được đi ra ngoài, nhất là khi có ngày nghỉ dài.

Và những cuộc sum họp online

Năm nay là năm thứ ba Jimi (người Đài Loan) ở Việt Nam. Trong kế hoạch ban đầu, anh sẽ sang Việt Nam làm việc khoảng 6 tháng. Nhưng anh bị kẹt lại khi các nước đóng đường hàng không vì đại dịch Covid-19. Lần lữa mãi, cuối cùng anh đã chuẩn bị ăn cái Tết thứ hai ở đất nước này. Jimi bảo cũng không có gì quá lạ. Ở Đài Loan anh cũng có những ngày trực Tết, và dịp Tết cũng không về được nhà. Năm ngoái, anh đón Tết ở Sa Pa, trong một homestay quen. Cô chủ nhờ anh xông đất và đưa anh một phong bao lì xì. Jimi nói chính anh cũng đã quên mất rằng người châu Á có phong tục này, sau nhiều năm ăn Tết online. Gia đình anh liên lạc với nhau qua điện thoại, gửi hình cho nhau vào giao thừa. Năm nay Jimi vẫn ở lại Việt Nam, dù đã có những chuyến bay trở lại Đài Loan. Anh nói khoảng cách không phải là một vấn đề quá lớn, "Tôi vẫn gặp gỡ người trong gia đình qua điện thoại. Chỉ hơi tiếc là lâu chưa ăn cơm mẹ nấu thôi. Nhưng cơm Việt Nam cũng rất ngon".

Cô Phương Dung (Cầu Giấy, Hà Nội), ở góc độ một phụ huynh, có tới 6-7 năm nay ăn Tết trong tình cảnh "cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó". Hai cậu con trai lớn lên lần lượt du học hết Phần Lan tới Australia. Thoạt đầu hai vợ chồng già ở với nhau cũng buồn. Cậu con lớn lấy vợ và định cư hẳn ở Australia, cậu con thứ hai cũng có nhiều dự định riêng. Nhưng "Con cái có đời sống của chúng nó, mình cũng không thể lấy giá trị của mình ra bắt buộc", cô bảo. Cuối cùng, người thông suốt lại là các bậc phụ huynh. Thời đại của Zalo, Facebook, người ta kết nối với nhau cũng đơn giản hơn, nắm bắt tình hình nhau dễ dàng hơn, nên hóa ra cũng không cần quá câu nệ thời điểm gặp mặt. "Gia đình gặp gỡ thì ngày nào cũng được, có đông đủ thì thành Tết, không cứ phải là đúng ngày Tết", cô Dung tâm sự. Đôi vợ chồng U70 cũng đã bắt đầu những chuyến chơi Tết xa nhà, điều mà chỉ hơn chục năm trước, bận rộn đủ thứ nghĩa vụ Tết từ hai họ, cô Dung chưa bao giờ nghĩ tới. Mà những ngày dịch bệnh căng thẳng, gặp mặt online lại thành một điều cần khuyến khích. Cô Dung bảo vậy là mình đi trước thời đại, bao năm nay mình vẫn gặp online đó thôi.

Sẽ khó có thể đánh giá những cách đón Tết "phi truyền thống" là hay hay dở, bởi đó là lựa chọn của mỗi người. Xét đến cùng, ai cũng đều muốn những khoảnh khắc gia đình bình yên gặp gỡ, cùng nói chuyện bánh chưng dưa hành. Nhưng cuộc sống luôn có những vận động không ngừng, như Tết này, ai cũng hiểu việc khó có thể thoải mái tay bắt mặt mừng, tới nhà nhau chơi 3 ngày Tết như mấy năm trước. Chấp nhận sự biến đổi ấy, cũng là một cách để giữ niềm vui ngày Tết vậy.