Người già trái tính

Bố vợ tôi năm nay 72 tuổi. Vợ tôi là con gái duy nhất của ông. Trước đây vợ chồng sống riêng, nhưng từ ngày mẹ vợ mất, chúng tôi dọn về ở chung để tiện phụng dưỡng ông.Vậy nhưng, cũng từ ngày đó, không ít lần tôi bị stress. Ông là người thích chơi cờ, nhưng nếu lần nào tôi thắng ông sẽ vô cớ nổi nóng, và đã nhiều lần không kìm được cơn giận ông đuổi tôi ra khỏi nhà. Có những lần cả nhà cùng xem ti-vi, rồi bình luận một sự kiện kênh truyền hình vừa phát, chúng tôi vô tình trái với ý kiến ông, ông cũng nổi giận, như thể tôi vừa gây ra tội bất hiếu.



Thực tâm trong lòng tôi rất thương ông, và dù biết người già thường trái tính, khó ở, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi, không vượt qua được tâm lý nặng nề. Tôi e ngại đến lúc mình cũng mất kiềm chế, mối quan hệ trong gia đình sẽ rạn nứt.

Ngọc Long

(Thành phố Hà Tĩnh)

Bạn Ngọc Long thân mến !

Trong cuộc sống chúng ta không hiếm gặp những người ở tuổi xế chiều bỗng nhiên trái tính nết. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tâm lý cho thấy, ở độ tuổi trên 70 nhiều người đột ngột thay đổi tính cách. Đây là biểu hiện của sự mất kiểm soát, khả năng tự chủ và cũng là biểu hiện của sự suy thoái chức năng bộ não. Nguyên nhân sự trái tính này đôi khi đến từ cách cư xử không khéo léo của con cái. Cũng không ít người già ám ảnh cảm giác cô độc, thấy như mình bị bỏ rơi, con cháu thờ ơ. Trong sự chán chường, tụt sâu về tâm lý, thái độ tiêu cực và những xúc cảm căng thẳng có thể làm nảy sinh những hành vi, thái độ thiếu sự cân bằng.

Bởi vậy, phận làm con, chúng ta nên nhận ra diễn biến này để có sự thích ứng, chứ không thể lý lẽ đúng sai, hoặc thuyết phục bậc cha mẹ thay đổi. Với trường hợp của bạn, “lấy lòng” bố vợ nóng giận thất thường theo chúng tôi thật ra không hề khó nếu như bạn nắm bắt được tâm lý đơn giản của bố vợ. Chẳng hạn như nhường ông vài nước cờ, đồng tình quan điểm ông đưa ra. Ngoài ra, trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng không nên để bụng, chấp lời nói, thái độ của người bố. Hằng ngày giữ ý lời ăn tiếng nói, dành cho ông những lời lẽ dễ nghe. Tránh nhắc về thực tế buồn bã, tránh những cử chỉ thân tình quá mức giữa vợ chồng trước mặt ông. Tránh những dự định tự quyết một công việc quan trọng nào đó thiếu sự trao đổi với ông để tạo ra sự hẫng hụt càng lúc càng sâu cho bố vợ mình.

Bày tỏ sự kính trọng, yêu thương bậc cha mẹ cao niên, làm con cháu cần hiểu, cảm thông và quan tâm tới họ. Cần tạo cho bậc cha mẹ có môi trường sống độc lập, thoải mái, vui vẻ, để cuộc sống tuổi già có ý nghĩa hơn.

Chúc gia đình bạn luôn khỏe và hạnh phúc!