Vượt qua áp lực “chạy đua” thành tích

Con trai lớn của tôi vừa học hết lớp ba, cháu học không giỏi nhưng chăm ngoan. Gần đây mỗi lần đến cơ quan, ngoài công việc ra, chủ đề mà mọi người thường đưa ra bàn luận, kể với nhau nghe là chuyện học hành, thành tích của con cái. Tôi thấy những ông bố, bà mẹ có con học giỏi, đạt thành tích tốt thì hãnh diện, tự hào còn bố mẹ nào có con cái kém cỏi thì ca thán, ước ao. Tâm trạng của tôi cũng không mấy được vui do cảm thấy con mình thua kém.

Mùa hè năm nay thay vì cho con về quê nghỉ hè, tôi đăng ký cho con theo các lớp học thêm toán, tiếng Anh và khóa đào tạo kỹ năng sống. Song cả tháng hè thằng bé không học tốt hơn mà ngược lại, đôi lần căng thẳng, có những phản ứng hỗn hào với mẹ. Tôi tự hỏi, liệu mình có sai lầm khi tạo nên áp lực trong học tập cho con?

Tường An

(Vinh, Nghệ An)

Bạn Tường An thân mến!

Các chuyên gia giáo dục và tâm lý thừa nhận, thực tế hiện nay có một số lớn phụ huynh đang mang tâm lý “chạy đua” thành tích học tập của con cái. Không hiếm trường hợp bố mẹ lao vào công cuộc tìm thầy, tìm lớp, nhồi nhét con vào đủ lớp học thêm để mong cuối năm, hay trong các kỳ thi nào đó con gặt hái được một ít thành tích. Song có những trường hợp càng học càng yếu, bố mẹ càng mắng mỏ, dằn vặt con nhiều hơn. Nên có những em không chịu nổi áp lực, bị rối loạn trầm cảm, thậm chí phải nhập viện điều trị.

Không phải tất cả mọi đứa trẻ đều giỏi giang và tài năng. Học tập cũng không phải là con đường duy nhất để đạt được thành công trong cuộc sống. Vì thế bạn không nên chỉ vì con chưa học giỏi mà phải buồn phiền, hoặc thấy mất thể diện chỉ vì thành tích học tập của con chưa như ý muốn. Bạn cũng không nên mang tâm lý so sánh ganh đua với đồng nghiệp hay xóm giềng để rồi gây áp lực cho bản thân và con trẻ.

Trong quá trình nuôi dạy con, bạn cần có thời gian để phát hiện hứng thú và sở trường của con mình, hiểu rõ năng lực của cháu để đề ra những yêu cầu hợp lý. Hãy để con được cảm nhận sự hứng thú học tập, tự nguyện phấn đấu, bồi dưỡng tính cách và phẩm chất tốt đẹp hằng ngày. Có như vậy, trẻ mới có thành công thật sự thay vì làm một “cỗ máy” chạy đua theo mong muốn của bố mẹ. Bạn nên cùng con giải tỏa căng thẳng học hành bằng việc tạo cho con một không gian thoải mái, không quá nặng nề về thành tích, động viên con cố gắng nỗ lực trong khả năng của mình.

Chúc bạn cùng gia đình luôn khỏe và hạnh phúc!