Hành trình tìm kiếm những câu hỏi

Khởi nghiệp không chỉ để khám phá những giới hạn của bản thân mà quan trọng hơn là phải tạo ra sản phẩm mang tên mình có giá trị cho xã hội. Mang tâm thế và nhận thức như vậy, nhiều bạn trẻ Việt đang thật sự ghi tên mình vào bản đồ khởi nghiệp thành công của đất nước.

Hành trình tìm kiếm những câu hỏi

Trải nghiệm và khám phá… nỗi sợ hãi

Sinh năm 1991, Nguyễn Khôi tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính Viện Công nghệ Illinois (Mỹ) nhưng hiện tại anh lại đang là CEO của WeFit, một công ty thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Từ năm học thứ 3, Khôi đã nhận ra bản thân đặc biệt hứng thú khởi nghiệp về công nghệ, với ước mong đưa những điều mới mẻ mình thu nhận được trên thế giới phục vụ cuộc sống người Việt Nam.

Tự nhận mình có máu liều cao, Khôi từng dự định sẽ bảo lưu kết quả học tập trong năm cuối để khởi nghiệp nhưng gia đình lại kịch liệt phản đối. Đối với anh, đó chính là thất bại đầu tiên vì chưa thể mang đến niềm tin cho gia đình lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Và rồi sau 5 năm thực hiện hàng loạt dự án start-up, dạn dày kinh nghiệm “chinh chiến”, tháng 9-2016, Khôi cùng các cộng sự thành lập nên WeFit.

Thích thể thao, đam mê tốc độ và thần tượng Bill Gates, CEO trẻ của WeFit khẳng định lý do anh khởi nghiệp hoàn toàn không phải vì tiền mà để thỏa mãn ý muốn tạo ra những sản phẩm có giá trị, đề cao tính nhân văn trong các lĩnh vực có tác động xã hội to lớn như giáo dục, sức khỏe hay giao thông.

Giống như Nguyễn Khôi, Phạm Anh Đức cũng tốt nghiệp cử nhân tại Mỹ. Chàng trai sinh năm 1988 này dù sợ độ cao nhưng lại có sở thích đối mặt với nỗi sợ. Bởi lẽ đó, anh đã đi thử nhảy dù rồi đam mê bộ môn này từ bao giờ. Với anh, khởi nghiệp là cơ hội để chứng tỏ bản thân, để biết xem giới hạn của mình đến đâu, cũng giống như nhảy dù là thử thách tốt nhất để khám phá nỗi sợ.

Hành trình tìm kiếm những câu hỏi ảnh 1

Từng là CEO của Nhanh.vn, Giám đốc marketing toàn quốc của Lazada Việt Nam, tư vấn viên tại Tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey tại Xin-ga-po, Thái-lan và In-đô-nê-xi-a, thế nhưng Phạm Anh Đức đã bỏ lại các cơ hội sẵn có để thành lập ViCare.vn (trang web và ứng dụng trên điện thoại thông minh) với mục tiêu giúp người dùng Việt Nam tiếp cận với những dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt nhất và phù hợp nhất.

Xây cầu mới trên dòng ý tưởng cũ

Khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy mạo hiểm và thách thức là y tế, lại với một ý tưởng không hoàn toàn mới, khác biệt lớn nhất mà Đức mang đến trong ứng dụng ViCare nằm ở tính tương tác. Ở đây, người bệnh và bác sĩ kết nối với nhau nhiều lần trong cùng một câu hỏi và các bác sĩ khác cũng có thể tương tác trên cùng câu hỏi đó.

“Câu chuyện 2, 3 bác sĩ đầu ngành ra phác đồ điều trị khác nhau là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra nên việc ViCare xây dựng chức năng nhiều bác sĩ trả lời cùng một câu hỏi sẽ giúp người bệnh hiểu được tường tận mọi góc nhìn của các bác sĩ”, Đức giải thích thêm về ưu điểm trong ứng dụng của mình.

ViCare là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của các cơ sở y tế và các bác sĩ, công việc mà trước đây chưa có ai thực hiện, không thể sao chép hay học hỏi từ bất cứ đâu nên như Đức bộc bạch: “Tất cả phải được xây dựng từ đầu, cả công nghệ kỹ thuật sản phẩm cũng như con người. Mọi thứ đều phải làm rất cơ bản nên mất rất nhiều thời gian”.

ViCare hiện giờ đã có hệ thống cơ sở dữ liệu gồm 50.569 các cơ sở y tế và 787 cơ sở xét nghiệm trên toàn quốc; 43.476 bác sĩ thuộc 80 chuyên khoa; thông tin về 1.447 loại bệnh, 21.839 loại thuốc và 384 loại bảo hiểm. Trong đó còn phải kể đến 179.822 câu hỏi đáp về 11.332 chủ đề, 36.712 nhận xét về chất lượng dịch vụ và 16.614 bài viết về kiến thức sức khỏe mà mọi người dùng đều có thể tham khảo bất cứ lúc nào.

Với ưu điểm có thể tiếp cận kênh thông tin mới mà không phải di chuyển đi đâu hết, ViCare tập trung vào đối tượng là các bác sĩ đã nghỉ hưu với tay nghề giỏi, kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề muốn tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Bác sĩ Phạm Văn Tâm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nhìn nhận: “ViCare giúp bác sĩ và bệnh nhân tiến lại gần nhau, định hướng cho bệnh nhân phải làm gì, đến đâu và gặp ai để chữa bệnh. Cùng lúc đó, bác sĩ lại trả lời được rất nhiều bệnh nhân, sẽ giảm tải được những trường hợp nhẹ cho bệnh viện còn những trường hợp nặng sẽ được tư vấn để nhập viện ngay”.

“Muốn đi đường dài phải có sức khỏe”

Cũng nhận ra vấn đề tồn tại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhưng Nguyễn Khôi - CEO WeFit, lại tìm thấy cho mình hướng đi hoàn toàn khác. Xuất phát từ nhu cầu cá nhân cần phải rèn luyện sức khỏe sau 12 đến 16 tiếng làm việc căng thẳng, nhưng lại cảm thấy bất tiện với các mô hình phòng tập truyền thống, Khôi đã mày mò những giải pháp thành công trên thế giới để rồi đúc kết lại thành ứng dụng WeFit.

Đối với anh, “khởi nghiệp cũng như luyện tập phải vượt qua bản thân mỗi ngày, bởi, muốn đi đường dài phải có sức khỏe”. Với mong muốn giúp cho việc tham gia tập luyện thể dục thuận tiện hơn, đa dạng hơn và có chất lượng hơn, chỉ bằng một tài khoản duy nhất, ứng dụng của Khôi sẽ giúp mọi người có thể tập luyện ở nhiều địa điểm khác nhau trong hệ thống gồm hàng trăm phòng tập, lớp học yoga, fitness... WeFit cung cấp khoảng 10 bộ môn khác nhau và việc người dùng có thể tự do chọn những môn mà mình yêu thích đem đến nhiều sự tiện lợi. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ đánh thức nhu cầu chăm sóc sức khỏe bản thân, thuyết phục mọi người chăm chỉ rèn luyện thể dục, thể thao nhiều hơn.

Nguyễn Khôi và Phạm Anh Đức là hai trong số tám gương mặt trẻ điển hình trong lĩnh vực khởi nghiệp được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn trong danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam 2018.

Ôm hoài bão lớn, tràn trề nhiệt huyết để thay đổi cuộc sống, những chàng trai trẻ như Đức và Khôi luôn nỗ lực hết mình để tìm kiếm đâu là câu hỏi đáng để trả lời nhất trong cuộc sống. Họ luôn phải tạo áp lực cho bản thân, không bao giờ cho phép mình ở trạng thái an toàn, đặt ra những thử thách mới hơn để sáng tạo nên những sản phẩm thật sự có ích cho cộng đồng, cho xã hội.