Tiện lợi - đa dạng
Ðang là những ngày cuối năm bận rộn, muốn mua thực phẩm, sắm đồ Tết, thay vì phải đi chợ hay siêu thị đông đúc, nhiều người chọn cách chỉ cần dạo lướt một vòng trên facebook, thứ gì cũng có, từ thực phẩm tươi sống, tới các loại món ăn chế biến sẵn, từ hoa quả nhập khẩu, đến khô gà lá chanh, chân gà sả tắc, cho đến các loại mứt nhà làm, mứt nhập khẩu… mọi thứ đều được đăng tải hình ảnh quảng cáo rất ngon mắt. Người tiêu dùng chỉ cần một cú nhấp chuột, một cuộc điện thoại là có thể đặt mua mọi loại thực phẩm mình mong muốn, đồ sau khi đặt mua sẽ được giao tận nơi, với thời gian ngắn nhất.
Bởi sự tiện dụng đó, mua thực phẩm, đồ ăn sẵn qua facebook ngày càng phổ biến, đặc biệt những người làm văn phòng, không có nhiều thời gian đi chợ, mua sắm… Như chị Nguyễn Thu Huyền, một khách hàng thân thuộc của các trang bán đồ ăn qua mạng tại Hà Nội, chia sẻ: "Bây giờ mình chỉ đi chợ mua đồ ăn hằng ngày như rau, thịt thôi. Muốn mua mứt Tết hay bánh kẹo để nhà ăn, hay mang đi biếu, chỉ cần lên facebook đặt, vừa nhanh, vừa lịch sự".
Nắm bắt được tâm lý thích mua đồ tự nhiên, chế biến sạch của người tiêu dùng Việt Nam, các trang mạng xã hội kinh doanh thực phẩm, đồ ăn chế biến sẵn ngày càng nở rộ. Các tiểu thương buôn bán trên mạng xã hội rất chủ động đa dạng hóa sản phẩm, và tận dụng sự phát triển của công nghệ, đặc biệt hiện nay livestream (phát hình trực tiếp) cũng được các trang facebook ứng dụng nhằm quảng cáo sản phẩm, phát những chương trình giảm giá cuối năm thu hút lượng lớn khách hàng tham gia.
Lợi có cập hại?
"Bình thường mình hay mua khô bò, ruốc của mấy người quen, chứ cũng ít dám mua đồ ăn của mấy chỗ lạ, vì nhiều khi đồ ăn đến tay mình không được như trên hình", chị Phùng Tú Anh (20 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ. Giống như chị Tú Anh, phần lớn người tiêu dùng khi mua đồ ăn hay bất cứ mặt hàng gì qua mạng xã hội chủ yếu đều mua với niềm tin may rủi. Thường chỉ chọn mua từ người quen cũng như những trang uy tín, nhưng chất lượng thực phẩm bán qua mạng vẫn luôn là một dấu hỏi lớn. Hơn nữa, trong quá trình vận chuyển, đóng hộp sẽ tăng nguy cơ hư hỏng thực phẩm so với mua trực tiếp bên ngoài do thời gian vận chuyển dài, đóng gói quá kín khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, mốc hỏng... Và nếu như chẳng may người sử dụng có "bị làm sao" cũng khó nhận được bồi thường, hay chịu trách nhiệm từ người bán.
Thực tế là các trang mạng xã hội cá nhân hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Qua tìm hiểu, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng gần như không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Các chủ trang mạng bán đồ ăn chỉ cam kết chất lượng bằng miệng. Chị Lê Thùy Dương - chủ một trang mạng bán mứt, đồ khô trên trang cá nhân cho hay: "Buôn bán nhỏ lẻ như mình thì làm gì có giấy chứng nhận, mà khách chủ yếu cũng toàn người quen, ai hỏi mình về quy trình làm thì mình quay livestream một buổi mình làm đồ ăn cho họ yên tâm".
Có thể nói đến thời điểm này, các cơ sở kinh doanh online hầu như vẫn chưa trải qua bất kỳ cuộc kiểm tra nào về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ngày 4-1, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP, đặc biệt là phải siết chặt công tác bảo đảm ATTP, nhất là tại các thành phố lớn trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới. Thế nhưng, mạng xã hội vẫn là môi trường kinh doanh thực phẩm thiếu những chế tài quản lý.
Không thể phủ nhận tiện ích mà thực phẩm bán trực tuyến mang lại. Vì vậy, trong khi chờ đợi những giải pháp của các cơ quan quản lý ATTP, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo đặt câu hỏi, chọn lựa những địa chỉ uy tín, để trở thành những "thượng đế" thật sự thông minh!