Vào tháng 12/2019, khi virus Corona lần đầu xuất hiện và gây ra đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), tôi và nhiều người vẫn bình chân như vại chuẩn bị tận hưởng cái Tết Canh Tý 2020. Ít ai ngờ, ngay sau đó, Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng, rồi trở thành một đại dịch toàn cầu tấn công hơn 200 quốc gia với quy mô và tốc độ chưa từng có.
Nếu ngày 10/1/2020 ghi nhận người chết đầu tiên vì Covid-19 tại Vũ Hán, thì chỉ đến ngày 2/4/2020 đã có 204 quốc gia bị nhiễm Covid-19, một triệu người bị nhiễm và 53,1 nghìn người chết. Đối với Việt Nam, khi bước vào làn sóng thứ tư của dịch bệnh, tính từ ngày 27/4/2021, số ca mắc Covid-19 tăng từ 2.852 ca lên đạt mốc 20.000 và tiếp tục tăng, hơn 23 nghìn bệnh nhân đã tử vong. Để đối phó dịch bệnh, Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, cách ly xã hội nhiều lần được áp dụng ở nhiều vùng miền trên cả nước. Ai có thể ngờ, gần 60 năm đất nước hòa bình thống nhất mà có ngày chúng ta phải rào làng, rào phố, ngăn sông cấm chợ, phải tự "giam lỏng" trong chính ngôi nhà của mình trong nhiều ngày. Ai có thể ngờ, trong một thời gian ngắn hơn 23 nghìn đồng bào của mình đã tử vong. Một con số khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi. Vẫn biết, rồi thời gian sẽ xóa nhòa đi nhiều thứ nhưng những ngày dịch bệnh ấy chắc còn in đậm trong ký ức của nhiều người. Covid đã điềm nhiên buộc chúng ta phải thay đổi rất nhiều để thích ứng với nó.
Bình thường mới là gì? Là mỗi sáng, chưa cần ra khỏi giường, còn mắt nhắm mắt mở đã vội vàng mở ngay điện thoại, thay vì lướt tin tức chung chung như những ngày bình thường cũ, giờ đầu tiên là phải vào nhóm Zalo của khu dân cư để xem thông báo nội bộ mới nhất của ban quản lý về tình hình Covid-19. Rồi nhắn tin vào nhóm chung của gia đình báo cáo tình hình để các thành viên yên tâm. Tiếp sau đó, đọc các thông báo mới nhất về các ca bệnh mới, tình hình điều trị từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Thói quen này đã hình thành hai năm nay, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện.
Cả một thời gian dài trước đó, lối sống công nghiệp đã hình thành thói quen ăn uống bên ngoài, hoặc mua đồ sẵn về ăn, đồng nghĩa bữa cơm gia đình hầu như biến mất. Các thành viên trong gia đình sáng sớm đã mỗi người một ngả, trưa mạnh ai nấy ăn, tối bữa ăn bữa không, thời gian giao lưu với nhau quá ít ỏi. Bếp nhà không hoạt động, đồng nghĩa với thói quen tích trữ thực phẩm, lương thực và kỹ năng bếp núc cũng gần như mất hẳn. Nhiều người quên rằng gia đình chính là "pháo đài", là điểm tựa của mỗi cá nhân nhưng nó cũng chính là thứ dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là với những gia đình không có thói quen "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn" khi xã hội bất trắc. Các cụ có câu "có tiền mua tiên cũng được" nhưng trong thực tế vừa qua, có những lúc có tiền cũng vô nghĩa bởi trong suốt giai đoạn bị phong tỏa, không thể ra đường mua bán lương thực, thực phẩm, các chuỗi cung ứng dịch vụ ăn uống bị đứt gãy. Ai có thể nghĩ rằng, sẽ có ngày rất nhiều người dân của thành phố được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" phải đối diện với cái đói. Ai có thể tưởng tượng, cả chục nghìn người tháo chạy khỏi các thành phố lớn tìm đường hồi hương để không bị chết vì đói, trước khi chết vì con virus?
Vậy nên, chính những ngày cách ly xã hội lại là dịp hiếm hoi để những người thân được ở trọn vẹn bên nhau trong nhiều ngày. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là con người phải tự học lại cách chia sẻ với nhau, yêu thương nhau, giữa bố mẹ với con cái, giữa ông bà với các cháu, giữa người chồng người vợ, giữa anh chị em… Làm sao để dung hòa được nhịp sống riêng, sở thích riêng, đam mê riêng? Trên hết, mọi người học cách nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng lời nói, tiếng cười thay vì các tin nhắn, điện thoại trước đây… Những giá trị về gia đình được thiết lập và xác lập lại một cách mạnh mẽ chính là điều "may mắn" mà ta nhận được từ Covid-19. "Dẫu nắng mưa gần xa/Thất bát, vang danh/Nhà vẫn luôn chờ ta/Đường về nhà là vào tim ta/Dẫu có muôn trùng qua/Vật đổi, sao dời/Nhà vẫn luôn là nhà". Tôi chắc trong suốt thời gian qua những ca từ của Đen Vâu được nhiều người nghe bởi nó đã chạm vào nỗi niềm của hàng triệu con người.
Những mất mát thảm khốc, những câu chuyện bi thương, những phận người trong đại dịch khiến những người đang sống biết trân quý, biết yêu thương những gì mình đang có. Bởi, dù đã qua đỉnh dịch, dù phần lớn dân chúng đã được tiêm vaccine nhưng chưa phải dịch đã kết thúc. Nếu ngày 20/11 vừa rồi chúng ta tưởng niệm hơn 23 nghìn nạn nhân tử vong vì Covid-19 thì những ngày tháng 12 này vẫn tiếp tục mỗi ngày có gần 100 bệnh nhân nặng tử vong và hơn nghìn người mắc. Ngay tại Thủ đô, cả tuần nay con số nhiễm Covid-19 cũng tăng vùn vụt đến hơn bốn con số. Nhiều tuyến phố đã lại có rào chắn, có biển cảnh báo. Nên mỗi sớm mai thức dậy, đọc tin tức thấy số tử vong giảm đi, thấy gia đình, bạn bè bình yên là đã thầm cảm ơn cuộc đời này cho mình thêm một ngày sống để yêu thương.
Một gia đình ấm áp, giàu tình thương và biết thông cảm với người khác chính là thứ vaccine "tinh thần" phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất của con người.