Những đau thương khắc vào tim
"Những tưởng được chăm chồng, nhờ cậy con…". Câu chuyện của chúng tôi chốc chốc lại bị ngắt quãng, khi bà Bùi Thị Sửu đưa tay chấm mắt. Chồng bà là thương binh 1/4 Nguyễn Công Ðịnh (xã Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh) may mắn trở về sau nhiều năm chinh chiến. Sau khi lập gia đình, ông bà sinh hạ được ba con trai. Nửa đầu bị tổn thương nặng vì mảnh bom, ông chỉ giúp bà được vài việc nhẹ. Mỗi khi trái gió trở trời, ông lại nằm liệt. Bà gánh vác hết việc nặng nhọc, chăm ruộng đồng, nhưng thấy hạnh phúc vì "có vợ có chồng". Bao năm, bà không một lời cằn nhằn. "Bà Sửu là mẫu người phụ nữ tần tảo, thương chồng yêu con và vô cùng chịu khó" - bà Nguyễn Thị Quyên, cán bộ theo dõi mảng lao động, thương binh và xã hội xã Cảnh Hưng cho biết.
Năm 2012, lúc ba người con của ông bà khôn lớn cũng là khi những vết thương của thương binh Nguyễn Công Ðịnh tái phát thêm nặng, đến cuối năm thì mất và được công nhận liệt sĩ. Số phận đã khắc vào tim bà Sửu một nỗi đau. Nhưng bà phải giấu nước mắt để tiếp tục là chỗ dựa cho các con và chờ ngày lo cho con trai út lập gia đình. Bà Sửu kỳ vọng rất nhiều vào người con cả Nguyễn Công Ðạt, sinh năm 1979, là công an viên xã Cảnh Hưng bởi anh chín chắn nhất, hiểu biết và thương người. Nhưng, thêm lần nữa, số phận lại cướp đi niềm trông đợi của bà.
Vào năm 2015, anh Ðạt tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bắc Ninh, tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Vào tối 22-9-2015, Công an xã Cảnh Hưng nhận được tin báo tại thôn Trung (xã Cảnh Hưng) xảy ra vụ xô xát giữa hai nhóm thanh niên thôn Thượng và thôn Trung. Ðược sự phân công của lãnh đạo công an xã, anh Ðạt cùng hai công an viên khác đến hiện trường giải quyết. Trong khi làm nhiệm vụ, anh Ðạt bị một đối tượng dùng xà cầy tiến công vào đầu. Anh bị thương nặng, dù đã được cấp cứu nhưng không qua khỏi. Anh hy sinh để lại một người vợ trẻ và hai cô con gái nhỏ. "Ðạt là con cả, một người sống có tình cảm, được lãnh đạo xã Cảnh Hưng và người dân rất quý mến…" - bà Sửu nấc nghẹn, tiếp: "Buồn hơn là, sau khi cháu Ðạt mất thì cháu út là Nguyễn Công Liên cũng bị trầm cảm, giờ đây cứ hay đi lang thang, chẳng giúp được gì. Cậu con trai thứ hai đã lấy vợ, có con, ở nhà bên cạnh tôi, nhưng cháu chỉ là thợ hồ, cuộc sống cũng vất vả".
Chị Bùi Thị Khánh, con dâu bà Sửu, tâm sự: "Mẹ chồng em là người cần mẫn, nhẫn nhịn. Em không đi bước nữa mà ở nhà chăm con, chăm mẹ. Mẹ em đã mổ sỏi thận ba lần rồi mà chưa khỏi".
Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của gia đình bà Sửu, ngày 27-6-2018, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với bà Bùi Thị Sửu.
Ký ức không ngủ yên
Ở tuổi 57, bà Lê Thị Minh Thủy, ở phường Lộc Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) là một trong những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất hiện nay. Chồng bà, Thượng tá Dương Văn Thanh, trước khi hy sinh là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân. Bà Thủy từng có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc với một mái ấm gia đình có một con trai và một con gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng hai sự cố xảy ra đã cướp đi hai người đàn ông quan trọng nhất của đời bà. Ðó là chiều 29-4-2005, trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện trên bầu trời vịnh Nha Trang thì máy bay phản lực L-39 gặp sự cố. Chỉ huy bay đã ra lệnh cho các phi công nhảy dù, nhưng Thượng tá Dương Văn Thanh đã chấp nhận hy sinh, để học viên Ðào Việt Hưng thoát trước, còn ông cố hết sức hướng ra phía biển, tránh không để máy bay lao vào Khu du lịch Vinpearl (đảo Hòn Tre) đang có đông người. Ghi nhớ công lao, tinh thần anh dũng, chấp nhận hy sinh đầy quả cảm đó, Nhà nước đã quyết định truy tặng Thượng tá Dương Văn Thanh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2007.
Nối nghiệp cha, con trai ông là Dương Lê Minh, sinh năm 1984 quyết tâm theo nghề phi công huấn luyện, dù mẹ đã ngăn cản. Sáng ngày 18-10-2016, Thiếu tá phi công Dương Lê Minh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay, để lại người vợ trẻ và hai con nhỏ. Lần thứ hai nỗi đau tột cùng lại trút lên đầu bà Thủy. Tháng 7-2018, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Lúc chúng tôi đến thăm, bà Thủy đang ngồi xem lại những tấm ảnh của chồng, con. Mỗi lúc nhớ con, cháu bà chỉ được khỏa lấp bằng điện thoại, tin nhắn, trò chuyện có hình qua facebook, bởi cô con dâu đã đưa hai cháu vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, còn con gái Dương Lê Vân làm việc ở nước ngoài, mỗi năm về thăm bà vài lần. Sau nhiều năm công tác tại Bệnh xá Công an Khánh Hòa, bà Thủy đã nghỉ hưu, tìm một câu lạc bộ văn nghệ để tham gia cho khuây khỏa. Bà kết nối điện thoại, khoe với chúng tôi hai cậu con trai kháu khỉnh của liệt sĩ Minh. Các cháu cười nói rôm rả, nói nhớ bà. Bà đưa tay lau nước mắt, rồi trở lại câu chuyện: "Ðôi lúc cố quên đi quá khứ, cho nhẹ lòng để sống bình yên cũng không được. Mỗi khi có một chi tiết nào đó khơi dậy ký ức, là lòng tôi quặn lại. Nhưng dù thế nào thì chúng tôi cũng còn niềm an ủi về cháu con và tự hào vì được Nhà nước quan tâm".
Ðất nước đã im tiếng súng được mấy chục năm. Nhưng vẫn còn có những hy sinh, mất mát ngay trong giữa thời bình. Hai người phụ nữ, hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà chúng tôi có dịp thăm hỏi, gặp gỡ đều là những người phụ nữ phải gánh chịu nỗi đau không gì sánh được. Những sự vinh danh, quan tâm, chăm sóc chỉ phần nào bù lấp sự mất mát, đau thương. Và bởi vậy, mà những người đang sống, lắng nghe câu chuyện của các mẹ, sẽ thấy cần phải nỗ lực nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn và cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời này.
Cả nước hiện có 4.968 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, trong tổng số hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được vinh danh. Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020, trong các ngày từ 23 đến 25-7 tại Hà Nam và Hà Nội.