Vì nhân dân quên mình!
Mồ hôi ướt sũng áo, gương mặt sạm đen khói bụi, nhưng dưới ánh nắng gay gắt, đại tá Nguyễn Phương Hòa - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu IV - vẫn xông xáo tiến lui, miệt mài, bền bỉ trước lửa dữ. Ðộng tác mau lẹ, tiếng chỉ huy dứt khoát kèm theo những lời động viên kịp thời của đồng chí Nguyễn Phương Hòa khiến anh em chiến sĩ càng thêm vững tâm. "Nhận được lệnh, đối diện với ngọn lửa, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là làm thế nào để khống chế được giặc lửa, bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ lá phổi xanh của cuộc sống, bảo vệ nhân dân!" - Ðại úy Nguyễn Văn Thê, Tiểu đoàn 12 Bộ Tham mưu (Quân khu IV) dõng dạc.
Hướng về nhân dân, cứu rừng cũng chính là mệnh lệnh của trái tim. Thượng úy Lê Anh Hùng (Phòng Cảnh sát PCCC&TKCN Công an Hà Tĩnh), người trực tiếp tham gia chữa cháy ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bộc bạch: "Vất vả hiểm nguy mấy chúng tôi cũng không hề nao núng! Ðiều chúng tôi sợ nhất là sự tàn độc của thiên tai, khi mà lửa cứ bao trùm tất cả, càng chữa càng cháy từ chiều cho tới đêm. Anh em chiến sĩ chỉ biết động viên nhau quyết chí diệt lửa. Nóng, khói, khí độc hay bất cứ điều gì cũng không thể làm chúng tôi nản chí!".
Cuộc chiến với "giặc lửa" thật sự khủng khiếp khi càng về đêm, gió phơn càng thổi mạnh, lửa cứ thế bén mãi cháy hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Bụng đói lả, nhưng chẳng ai ngơi tay. Các chiến sĩ chia nhau từng gói xôi nguội ngắt, từng mẩu bánh mì mặn chát vị mồ hôi, rồi lại phăm phăm băng núi, áp sát ngọn lửa.
Từ nhân dân mà ra!
Ðồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ và lực lượng kiểm lâm, hàng nghìn lượt người dân trên khắp địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng luôn có mặt ở mọi trận địa. Bên cạnh việc sát cánh cùng lực lượng chức năng tạo đường băng cản lửa, khoanh vùng đám cháy, bà con còn nhanh chóng tổ chức hậu cần phục vụ các lực lượng tham gia chữa cháy. Những thùng nước được vận chuyển từ dưới chân núi lên đến tận hiện trường đến tay mỗi chiến sĩ, mỗi người dân tham gia dập lửa là nguồn động viên lớn lao, để họ được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua cơn khát, tiếp tục chiến đấu.
Có mặt tại tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân vào sáng 30-6, vào thời điểm đám cháy đã được khống chế, chúng tôi gặp anh Ðậu Văn Tiến (ở thôn 8, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa bước chân từ đồi thông xuống. Dáng người phờ phạc, ánh mắt quầng thâm, chúng tôi đoán chắc đã mấy đêm nay anh không ngủ.
Qua câu chuyện vội vàng dưới chân đồi thông, anh Tiến cho hay: Từ trước tới nay anh thường được thuê đi cắt, tỉa cành cây, xây dựng các đường băng cản lửa. Vào chiều 28-6, nhận được điện thoại của cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân, anh Tiến đã tức tốc có mặt tại khu vực xảy ra đám cháy, và tiên phong tạo ra các đường băng cản lửa có chiều dài hàng trăm mét. Ðể động viên kịp thời tinh thần hăng hái của anh Tiến trong quãng thời gian hai đêm ba ngày vật lộn với lửa, đại diện lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân đã ngỏ ý "bồi dưỡng", nhưng Ðậu Văn Tiến từ chối nhận thù lao. Anh thủng thẳng: "Chữa cháy là trách nhiệm của chung mà!".
Những ngày xảy ra hỏa hoạn, cũng là thời điểm nhiều tấm lòng hướng về Hà Tĩnh. Xót ruột, đớn đau khi những cánh rừng lần lượt ngã xuống vì ngọn lửa hung tàn, những lời cầu nguyện một trận mưa cho Hà Tĩnh vang lên không ngớt, trên từng vỉa hè, góc phố, từng quãng đồng, không gian mạng. Và, không dừng lại ở đó, có những người quyết hiện thực hóa mong ước của mình bằng hành động thực tế.
Anh Lê Văn Hồng là chủ một nhà hàng tại thành phố Vinh (Nghệ An). Nghe rừng cháy lớn, vợ chồng anh bỏ hết công việc, về Hà Tĩnh tham gia đoàn "dân công hỏa tuyến" thời hiện đại, hỗ trợ 500 suất cơm cho lực lượng chữa cháy. "Ðối diện với giặc lửa, bà con nhân dân và các chiến sĩ bộ đội, công an vẫn không quản ngại gian khó, sát cánh bên nhau, quyết ngăn ngọn lửa hung tàn. Bản thân tôi cũng chỉ muốn chung tay góp sức, chia sẻ phần nào vất vả, mệt nhọc với mọi người", anh Hồng chia sẻ.
Lửa đã tắt, nhưng việc vẫn còn
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) Phạm Tiến Hưng, đây là lần đầu tiên địa bàn này xảy ra đám cháy trên diện rộng, khu vực cháy lại là đồi thông hơn ba mươi năm tuổi, nên việc ứng phó với đám cháy gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có sự vào cuộc khẩn trương, đồng bộ của các lực lượng thì hậu quả do hỏa hoạn gây ra sẽ lớn hơn rất nhiều. "Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân, chúng tôi sẽ có đề xuất phương án xây dựng, hoàn thiện các đường băng chống lửa ở mọi khu rừng. Ðồng thời mua sắm, hỗ trợ thiết bị phòng cháy chuyên dụng có các đơn vị, cá nhân liên quan..." - ông trầm ngâm.
Cũng theo chia sẻ của Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh, ông Hoàng Quốc Huấn, hiện nay đơn vị đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thống kê tình hình thiệt hại và xây dựng phương án khắc phục những cánh rừng bị cháy. "Cùng với việc đánh giá căn cơ nguyên nhân, những hạn chế trong công tác phòng chống cháy rừng, nhiệm vụ khôi phục rừng bị cháy được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên trên thực tế, việc đánh giá, xây dựng phương án phục hồi, thay thế rừng cần có thời gian. Do đó, chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả thiệt hại cháy rừng trong thời gian qua", ông cho biết thêm.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", trong cuộc chiến cam go với "giặc lửa", tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái" của mọi lực lượng để cùng nhau khống chế "giặc lửa" đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ xua tan nắng rát, mệt nhọc. Với những người dân miền trung quen cảnh "Mùa đông trời buốt giá, mùa hạ nắng cháy da", ai cũng hiểu rằng nguy cơ các đám cháy bùng phát trở lại là rất lớn.
Vì vậy, khối sức mạnh quân dân cá nước ấy vẫn luôn sẵn sàng.
Các suất cơm được chuyển tận tay mỗi chiến sĩ tại hiện trường.
TS Vũ Tấn Phương (Trung tâm Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) Tam giác cân trong phòng, chống cháy rừng Ðối với vùng Bắc Trung Bộ, thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao là các tháng 5, 6 và 7. Nguy cơ cháy rừng ở khu vực này sẽ tăng trong các thập niên tới-năm 2020 mối hiểm họa tăng so năm 2000 từ 6-40%; năm 2050 là từ 16-52% và vào năm 2100 là từ 51- 85%. Ðể phòng, chống cháy rừng hiệu quả, mỗi người cần có trách nhiệm bảo vệ rừng và phối hợp nhiều cách bảo vệ rừng theo mô hình "tam giác cân". Mỗi cạnh của tam giác này đều có ý nghĩa quan trọng riêng và liên quan hai cạnh khác, giảm sự phụ thuộc của con người vào những "cơn mưa vàng" hiếm hoi để tránh nguy cơ cháy rừng. Cạnh thứ nhất là giáo dục ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng. Cạnh này hàm chứa các điểm như: tuyên truyền, giáo dục người dân về pháp luật phòng chống và chữa cháy rừng; vận động người dân ký cam kết khi dọn nương rẫy không để cháy lan rừng; chủ rừng cam kết phòng chống cháy rừng khi trồng rừng mới; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy. Cạnh thứ hai là xử lý nhanh cháy rừng, các địa phương chủ động xử lý kịp thời; làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm; khen thưởng người tham gia cứu rừng. Cạnh thứ ba là tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng, các hạt kiểm lâm tăng cường kiểm soát các đơn vị, địa phương; giám sát chặt người ra vào rừng; phát hiện sớm, xử lý nhanh khi xảy ra cháy rừng; giám sát cháy thường xuyên mùa hanh khô; theo dõi sát thời tiết để dự báo nguy cơ cháy rừng. |