Thoát ra thế giới ảo

Con gái lớn nhà tôi học lớp 8, cháu có “tật” khó bỏ đó là suốt ngày đeo tai nghe, trò chuyện cùng bạn bè qua thế giới mạng đến nỗi nhiều khi bố mẹ đứng cạnh nói gì cũng không nghe, không biết. Nhiều lần nhắc nhở, khuyên con ít lướt web liền bị con phản đối, khiến vợ chồng tôi cảm thấy rất đau đầu.

Chúng tôi không biết phải hạn chế con tiếp xúc với bàn phím, nơi con đang bày tỏ cảm xúc hằng ngày này, như thế nào?

Hà Phương
(Việt Trì, Phú Thọ)

Bạn Hà Phương thân mến!

Ngày nay thời gian người lớn và cả trẻ em dành ra ngồi trước màn hình ti-vi, điện thoại, máy tính… ngày càng nhiều. Ở nơi công cộng, chúng ta đều có thể bắt gặp hình ảnh các thành viên trong gia đình thay vì trò chuyện với nhau, mỗi người cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh (smartphone), hay ipad để chát, tán gẫu qua mạng hoặc chơi trò chơi điện tử. Chúng ta cũng dễ dàng thấy những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học nhưng đã thông thạo cách vào youtube xem phim hoạt hình. Việc một số trẻ em “nghiện” sống với thế giới ảo, nhiều ý kiến cho rằng lỗi đầu tiên thuộc về người lớn. Các bậc cha mẹ do trải qua môi trường sống kỹ thuật số nên mặc nhiên coi việc con trẻ tiếp xúc với các phương tiện như máy tính, ipad, iphone từ rất sớm là chuyện bình thường.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực, lợi ích mà đời sống kỹ thuật số mang lại, song điều không mong muốn là những phương tiện liên lạc hiện đại ấy đang khiến không ít thành viên trong cùng một mái nhà từ bỏ thói quen chia sẻ, chuyện trò, sống cạnh nhau nhưng chỉ hướng vào thế giới ảo qua mạng in-tơ-net của riêng mình. Cuộc sống trên mạng cũng đang khiến không ít trẻ em đối diện với một loạt các vấn đề nảy sinh, như: cô đơn trên mạng, khủng hoảng ngôn ngữ và giao tiếp, không hiếm trường hợp bị chứng nghiện công nghệ tới mức không thể thấu cảm được nhau. Chính vì vậy, để giúp con cân bằng giữa đời sống thực và ảo, bậc phụ huynh chỉ nên cho con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ với thời gian nhất định trong ngày. Một mặt, cần dành nhiều thời gian hơn quan tâm tới các con, định hướng cho con sử dụng công nghệ tích cực, cũng như chú ý hơn đến hành vi của con cái và những gì con tiếp xúc trong thế giới ảo.

Điều quan trọng là bậc cha mẹ cần tiên phong trong việc thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Vì cha mẹ luôn là yếu tố số một trong việc tác động tích cực tới tác phong, lối sống của con cái. Muốn vậy, khi trở về với gia đình, ở bên con bạn cần có những khoảng thời gian “nói không” với việc tán gẫu qua chát hay tin nhắn, hãy ngưng wifi và 3G để có thể kết nối với con bằng ánh mắt, lời nói, câu chuyện. Cùng con tham gia các công việc gia đình, từ việc nấu ăn, làm vườn hay lau dọn nhà cửa. Tạo bầu không khí gần gũi để con chia sẻ những điều con quan tâm. Và tùy theo độ tuổi, hãy trò chuyện cùng con những vấn đề thiết thực, bổ ích trong cuộc sống.

Chúc gia đình bạn luôn khỏe và hạnh phúc!

Nguyên Hạnh