Nỗi lo từ việc dập dịch sai quy trình

Tuy số lượng người mắc mới đã có dấu hiệu chững lại, nhưng những diễn biến trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các điểm nóng, cộng với cảnh báo về thời điểm đỉnh dịch đang đến gần, đòi hỏi những giải pháp triệt để và quyết liệt hơn trong kiểm soát dịch bệnh.

Hà Nội phun muỗi phòng, chống dịch SXH theo hình thức cuốn chiếu tại nhiều quận, huyện.
Hà Nội phun muỗi phòng, chống dịch SXH theo hình thức cuốn chiếu tại nhiều quận, huyện.

Chưa dễ dập dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong các tuần gần đây, các trường hợp mắc bệnh đã giảm về số lượng. Song trước diễn biến còn phức tạp của dịch SXH trong thời gian tới, nhất là theo quy luật, dịch sẽ bùng phát mạnh vào tháng 9, lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị phải quyết liệt hơn trong công tác chống dịch, tập trung dập 711 ổ dịch còn lại, phun hóa chất diện rộng, tới từng nhà diệt bọ gậy, không để lan rộng.

Theo PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hiện nay việc diệt muỗi chưa hiệu quả, chủ yếu do lỗi phun hóa chất. Cụ thể là, một số nơi phun không đúng giờ, giờ muỗi ngủ thì phun, bên cạnh đó kỹ thuật phun của nhân viên y tế thiếu chuẩn xác, có trường hợp phun lên trời… cho xong việc! Ngoài ra, nhiệt độ khi phun không phù hợp với việc diệt muỗi và pha hóa chất không đúng tỷ lệ, cũng khiến muỗi chỉ “say” chứ không chết.

PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho rằng, sở dĩ việc phun hóa chất trong khu vực thành phố khó đạt hiệu quả cao là vì khó khăn trong sắp xếp thời gian phun tại các hộ gia đình. Trong khi muỗi truyền SXH hoạt động mạnh chủ yếu là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, là thời điểm cần phun thuốc, song vào buổi sáng, người lớn đi làm, trẻ em đi học, các hộ gia đình sẽ khó bố trí để cán bộ y tế đến phun thuốc muỗi. Ngược lại buổi chiều tối, người lớn từ công sở về, trẻ con tan học tấp nập đầy đường, việc phun thuốc càng khó khăn hơn. Trường hợp nếu phun ban đêm thì muỗi đã trốn vào nhà do muỗi không thích lạnh, việc phun thuốc càng không hiệu quả.

Còn theo bác sĩ Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, Hà Nội thì việc phun hóa chất cần phải kiểm soát lại quy trình. Bởi theo phản ánh của một số người dân có nơi quá trình phun thuốc diễn ra rất nhanh, thậm chí phun chưa xong, cán bộ đã ra về. Sở dĩ có tình trạng như vậy, theo ông Sơn, là do mức kinh phí thù lao phun thuốc hiện được tính theo ca, cụ thể là 200.000 đồng/ca/ổ dịch. Vì vậy, cán bộ phun nhanh sẽ được nghỉ sớm. Chưa kể, công tác phòng, chống dịch SXH hiện còn gặp khó khăn do “người không đủ, sức không có”.

Đa dạng phương thức

Nhiều chuyên gia cho rằng, phòng, chống dịch SXH giờ đây không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai. Quan điểm của TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thay vì phê phán người dân chưa hợp tác do họ ngại cho các nhân viên y tế vào nhà phun hóa chất, chính quyền các cấp cần tổ chức cho nhân viên y tế, cộng tác viên hướng dẫn các hộ dân tự phun, tự pha hóa chất diệt muỗi theo tỷ lệ hướng dẫn. Việc này vừa hiệu quả, đồng thời phát huy được tổng lực sức dân tham gia chống dịch SXH.

Thực tế thời gian qua việc có nhiều hộ gia đình tự tìm mua thuốc diệt muỗi về phun với hy vọng “né” được dịch, song nhiều thuốc diệt muỗi giả đang được bán công khai khiến người dân khó phân biệt thật - giả. Theo BS Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Bác sĩ Dũng cho hay, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Những thuốc này được dán mác rất phong phú mà người dân không biết được thật - giả, chỉ có các cơ quan quản lý mới phân biệt được. Bởi vậy bác sĩ Dũng khuyến cáo, người dân chỉ nên mua hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét ký sinh trùng - côn trùng T.Ư và đại lý chính hãng của các công ty sản xuất thuốc diệt muỗi để bảo đảm chất lượng và không gây hại cho sức khỏe.

Việc phòng, chống dịch SXH đang đòi hỏi cần được tiến hành quy mô, bài bản và khoa học hơn nữa để phát huy hiệu quả. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, muốn tăng hiệu quả dập dịch, lực lượng trực tiếp đi phun thuốc phải được đào tạo, tập huấn và phải trả công đúng, đủ. Đối với lực lượng cộng tác viên đến từng nhà truy tìm và diệt bọ gậy cũng cần được chi trả thù lao xứng đáng. Cùng đó, công tác phun thuốc diệt muỗi cần tập huấn kỹ thuật kỹ lưỡng hơn cho cán bộ tiến hành. Các địa phương có dịch SXH tăng cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần lập bản đồ để chiến dịch phun thuốc bảo đảm đầy đủ và thuận tiện cho việc kiểm tra, rà soát, phun thuốc những lần sau.