Càng lúc càng nghiêm trọng
Không phải ngẫu nhiên mà cách đây một năm, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, từng xuất hiện một tấm biển với nội dung khá "đặc biệt": "Xin kính chào quý vị. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để phục vụ quý vị. Nếu dịch vụ của chúng tôi không đáp ứng được mong đợi của quý vị, xin hãy cho chúng tôi biết. Nhân viên của chúng tôi có quyền được làm việc trong một môi trường an toàn và được tôn trọng. Chúng tôi rất coi trọng nhân viên của mình và sẽ có hành động chống lại bất cứ người nào lăng mạ, xúc phạm hoặc đe dọa tấn công họ. Xin hãy tôn trọng nhân viên của chúng tôi".
Lý do hiện hữu của nó, không gì khác, là bởi tình trạng bạo hành y, bác sĩ ở nước ta trong những năm vừa qua không những có dấu hiệu gia tăng, mà diễn biến còn trở nên ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ còn là những phát ngôn lăng mạ, sỉ nhục, mà đã liên tiếp xuất hiện những trường hợp người dân không thể kiềm chế dẫn đến hành hung các bác sĩ một cách dã man, thậm chí khiến họ tử vong.
Mới đây, bác sĩ Trần Thị Thanh Hải (Hà Tĩnh) bị chém nhiều nhát phải đưa đi cấp cứu vì từ chối truyền nước cho một bệnh nhân say xỉn. Chỉ sau đó vài ngày, bác sĩ Trần Thanh Sơn cũng bị đánh đập đến chấn thương sọ não, rách giác mạc chỉ vì can ngăn ba đối tượng đang hành hung anh Lê Trần Minh Tâm ngay tại sảnh Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu-ba (Quảng Bình). Còn theo báo cáo mới nhất của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ đầu năm 2016 đến nay đã có 26 vụ phạm pháp hình sự được ghi nhận, bắt giữ được 35 đối tượng, chuyển công an phường xử lý 24 trường hợp. Ngoài những vụ điển hình nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng thì số lượng những vụ đe dọa, hành hung không được biết đến còn lớn hơn rất nhiều. Những tiếng chuông báo động liên tục gióng giả.
Trong tất cả những sự vụ này, y bác sĩ không thể cãi nhau tay đôi hay đánh lại người nhà bệnh nhân. Xảy ra xô xát, họ đành phải tránh né để bảo vệ bản thân trước, rồi mới trông đợi vào lực lượng bảo vệ và công an. Nhiều trường hợp, như vụ việc hành hung nhân viên y tế ở Nghệ An, dù nhân viên bảo vệ chứng kiến trực tiếp nhưng vẫn "lực bất tòng tâm". Cũng có vụ việc diễn ra quá nhanh, nên đến khi lực lượng công an có mặt thì đã "xong rồi"… Các cán bộ, nhân viên y tế vẫn phải "sống chung với lũ".
Các bệnh viện cũng đang loay hoay, tự tìm cho mình những giải pháp riêng để ứng phó với thực trạng bất ổn đó. Nơi thì tăng cường hệ thống camera giám sát an ninh và đội ngũ bảo vệ, nơi thì cải thiện quy trình khám bệnh, bảo đảm người dân được rút ngắn các thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cũng như nâng cao điều kiện cơ sở vật chất để có nơi chờ đợi thoáng mát, sạch sẽ.
Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của những nhà chức trách và bộ chủ quản nằm ở đâu, khi các bệnh viện và chính đội ngũ y, bác sĩ đang phải chật vật tìm kiếm phương thức bảo vệ sự an toàn cho riêng mình?
Ði tìm một giải pháp toàn diện
Hiện nay, chưa có một cơ chế xác đáng nào trong việc bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế. Bởi vì, chắc chắn đó phải là một cơ chế - một gói những giải pháp đồng bộ, được thực hiện song song trên tất cả mọi lĩnh vực liên quan, nhằm tái xây dựng nhanh nhất môi trường làm việc an toàn cho các y, bác sĩ.
Về mặt chế tài, hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm các y, bác sĩ cũng chỉ bị phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng, không đủ sức răn đe để khiến các đối tượng hành hung phải đắn đo. Với mong muốn giảm tỷ lệ các vụ tiến công nhân viên y tế xuống tối thiểu 10% so với hiện tại, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Ðại học Y Hà Nội đã đề xuất Ðiều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng khi hành hung người "đang chăm sóc sức khỏe cho mình" (đã được Quốc hội thông qua). Ðối với người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đội ngũ nhân viên y tế mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ðiều khoản này được đưa vào luật hình sự đã thỏa mãn phần nào mong ước của gần 400 nghìn cán bộ, nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh để người dân nhận thức rõ được rằng: Hành hung nhân viên y tế là vi phạm pháp luật! Hơn thế, đánh cán bộ đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân là trái với đạo đức! Và cuối cùng, người thiệt thòi nhất sau các hành vi bạo lực này vẫn chính là bệnh nhân. Tình trạng này chỉ có thể chấm dứt nếu mọi người cùng nỗ lực cải thiện hành vi ứng xử cá nhân đồng thời với những đổi mới trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ngược lại, cán bộ ngành y cũng phải duy trì tinh thần, thái độ phục vụ, giải thích chu đáo, tận tình cho người nhà và bệnh nhân. Mỗi bệnh viện phải tiếp tục nâng cao chất lượng khám và điều trị, hạn chế thấp nhất các sai sót y khoa, nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Và ở tầm vĩ mô, có một thực trạng: Bộ Y tế có rất nhiều Hội nghề nghiệp, Hội chuyên ngành, nhưng chưa có một Hội nào toàn quyền đứng ra bảo vệ nhân viên y tế. Một tổ chức như vậy là vô cùng cần thiết, không những nhằm bảo vệ trực tiếp các y, bác sĩ mà còn có thể rà soát hoặc bổ sung những điều khoản bảo vệ họ vào luật khám chữa bệnh.
Ngay cả với những nước trong khu vực như Thái-lan hay Phi-li-pin, việc khiếu nại, kiện cáo xảy ra khá thường xuyên, nhưng các bác sĩ ở đó gần như không bao giờ phải chứng kiến những vụ bạo hành nhân viên y tế. Không chỉ được bảo hiểm nghề nghiệp, họ còn luôn có một nghiệp đoàn độc lập đứng ra phán xét về chuyên môn khi có khiếu kiện xảy ra. Chính tổ chức này sẽ là trung gian phán xử, bảo vệ quyền lợi cho nhân viên y tế lẫn người bệnh, cũng như tư vấn trong việc cải thiện an toàn, an ninh trong mỗi bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong bài báo "Áo blouse nhuốm máu" trên VnExpress đăng ngày 24-8-2017, đã chia sẻ về sự "phẫn nộ vì các thầy thuốc không bao giờ đáng bị đối xử như vậy. Buồn bực vì bao nhiêu nỗ lực của ngành y, của các đồng nghiệp và của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn tệ nạn này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn...".
Nhưng thực tế, cho đến nay, sau mỗi vụ bạo hành xảy ra lại là một lần những lời lên án và kêu gọi dấy lên, mà thiếu đi phương hướng hành động cụ thể. Ðể rồi, cuối tháng 10 vừa qua, hai nhân viên y tế nữa lại bị đánh đập tàn tệ.
Nếu cứ lẻ loi trong những nỗi lo sợ tai họa ập đến như thế, người thầy thuốc nào có thể toàn tâm toàn ý lo chuyện cứu người?