Mưa trắng trời gây lũ lụt, sạt lở đất
Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm 20 đến sáng 21-7 khiến nhiều nơi ở tỉnh Hà Giang ngập úng cục bộ, nhiều khu vực ngập sâu gây nên cảnh hàng loạt ô-tô nổi bồng bềnh trong biển nước. Tại thành phố (TP) Hà Giang ghi nhận xảy ra lũ ống tại khu vực tổ 6, phố Ðinh Hoàng khiến một số nhà dân bị sập đổ. Còn tại khu vực nội thị, các phường Ngọc Hà, Trần Phú ngập sâu 1,2 m. Các phường Quang Trung, Nguyễn Trãi, nước tràn vào nhà dân gây hư hỏng, thiệt hại nhiều tài sản.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết, thống kê đến cuối giờ ngày 21-7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh này đã làm năm người chết, hai người bị thương. Mưa lớn cũng gây ra sạt lở đất đá vùi lấp toàn bộ máy móc, thiết bị của hai nhà máy thủy điện Thái An (huyện Quản Bạ) và Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) khiến các thủy điện này phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động và xả lũ qua cửa xả tràn. Mưa lũ còn cuốn trôi một số cầu treo dân sinh, gây sạt lở, chia cắt nhiều tuyến giao thông liên huyện, xã tại huyện Vị Xuyên, huyện Hoàng Su Phì. Trong toàn tỉnh Hà Giang, mưa lũ làm ngập lụt hơn 220 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả. Tỉnh đã huy động khẩn cấp các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân do sạt lở, hỗ trợ cứu chữa người bị thương và sơ tán người dân tại các hộ bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Trước đó, mưa lớn cũng gây sạt lở trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua Lai Châu, khiến giao thông ách tắc cục bộ. UBND tỉnh Lai Châu ước tính thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng, có hai hộ bị lũ cuốn trôi nhà (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên), một hộ bị sập hoàn toàn (xã Nà Tăm, huyện Tam Ðường), 25 hộ tại phường Tân Phong (TP Lai Châu) bị ngập úng cục bộ, nhiều diện tích trồng chè và lúa của người dân bị thiệt hại. UBND huyện Tân Uyên đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhanh các điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Chuẩn bị các kịch bản ứng phó thiên tai bất lợi nhất
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh miền núi phía bắc những tháng cuối năm 2020 diễn biến hết sức khó lường. Cụ thể, lượng mưa tháng 9 được dự báo cao hơn từ 15 - 30% so với trung bình nhiều năm. Ðỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7 đến tháng 10 phổ biến ở mức báo động 1 - 2, các sông suối nhỏ từ mức báo động 2 - 3, cao hơn năm 2019. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc khi có mưa lớn.
Ðối phó với loại hình thiên tai này, từ nhiều năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang hoàn thiện xây dựng bộ bản đồ hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá cho các tỉnh trên toàn quốc (theo kế hoạch là 37 tỉnh). Hiện tại, Bộ này tiếp tục triển khai xây dựng các bản đồ với tỷ lệ nhỏ hơn (1/10.000) cho khoảng 200 xã có nguy cơ cao làm cơ sở lắp đặt các trạm cảnh báo. Phía Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) qua khảo sát thực tế tại 15 tỉnh khu vực miền núi phía bắc, đã xác định được danh mục 535 điểm đã từng xảy ra lũ quét và 850 điểm xảy ra sạt lở đất, đá trong thời gian từ năm 2001-2017. Từ khảo sát này, Tổng cục đã chuyển giao tài liệu, đề nghị các cấp chính quyền tham khảo thông tin điều tra để gắn biển cảnh báo phù hợp giúp người dân có biện pháp phòng, tránh. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống lũ quét và sạt trượt đất đá tại các khu vực này, cần tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai theo thời gian thực dựa trên các dữ liệu quan trắc liên tục, song việc này cần nguồn đầu tư lớn, nên những cảnh báo nguy cơ tại những địa điểm đã khảo sát này hiện vẫn chưa đến được người dân.
Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai, để phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống lũ quét và sạt lở đất đá ở miền núi, các địa phương cần tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai tự động theo thời gian thực dựa trên các dữ liệu quan trắc liên tục. Về giải pháp này, thời gian qua, nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh… đã tìm nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, triển khai xây dựng các hệ thống cảnh báo thiên tai, trong đó Hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được lắp đặt tại tỉnh Lào Cai là một trong các công trình thử nghiệm, lần đầu được lắp đặt tại Việt Nam. Song mô hình mới thí điểm nên cần thêm thời gian để theo dõi, giám sát trong quá trình vận hành và điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trước những tác động của biến đổi khí hậu, các hình thái thiên tai cực đoan xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải sớm rà soát lại cơ chế chính sách, để có những điều chỉnh kịp thời giải quyết những vấn đề trước mắt và những nhóm giải pháp lâu dài. Một thí dụ: cần có cơ chế chính sách để làm sao phục hồi các đai rừng, các thảm rừng một cách nhanh nhất, chất lượng tốt nhất để hạn chế lũ quét, sạt lở đất. Mặt khác, cần sớm tổng rà soát dân cư tại các địa bàn có nguy cơ cao, để đưa ra lộ trình, chương trình bố trí, sắp xếp lại dân cư nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân trước thiên tai.
Mùa thiên tai trọng điểm diễn ra từ nay đến cuối năm tại nước ta, nguy cơ xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía bắc sẽ còn tiếp diễn, vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần chủ động các kịch bản ứng phó để tránh tổn thất lớn cả về người và của.