18-11 là ngày giỗ chung của nhiều người dân ở đây. Ðến đây, nhiều người nước mắt cứ lưng tròng. Hàng chục bàn linh khói hương nghi ngút trong nhà văn hóa xã. Nhà của họ đã bị nước cuốn trôi. Người đi trong thảng thốt, bàng hoàng, chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra. Người còn lại bỗng chốc trắng tay, không cửa, không nhà. Mưa lớn. Lở núi. Hơn 100 ngôi nhà bị sập. 10 người chết.
Nỗi ám ảnh ấy vẫn chưa nguôi. Mà nơi tôi đang ngồi, nước mỗi lúc một chảy mạnh, xói thẳng vào từng căn nhà. Tiếng loa loan báo tình hình thời tiết cho biết, mưa hãy còn nhiều, mà mỗi lúc một lớn hơn. Dẫu biết mối nguy hiểm đang rất cận kề, nhưng, tôi không thể đi ngay. Ngồi cùng chúng tôi, người dân Thành Phát xúc động kể chuyện người trưởng thôn của mình. Tôi nghe mà lòng nhói đau, xen lẫn mến phục. Trưởng thôn Thành Phát Cao Thị Diệu An bị lũ dữ cuốn trôi khi đi kêu gọi người dân di dời trong cơn bão số 8. Bà được đưa đi cấp cứu, chữa trị ở Bệnh viện Ða khoa Khánh Hòa rồi Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng không qua khỏi. Người dân bày tỏ niềm thương tiếc người cán bộ thôn của mình; và đề xuất Nhà nước có sự khen thưởng xứng đáng bà Diệu An. Bởi, theo họ, đó là một tấm lòng vì dân cao cả.
Nấn ná. Nhưng tôi cũng phải đi. Ðịa phương yêu cầu dân di dời ngay lập tức. Ðể tránh thảm họa tương tự ngày 18-11. Nói thêm, sau thảm họa 18-11, chính quyền địa phương yêu cầu người dân không được về ở nơi ở cũ. Nhưng, do không có chỗ ở, người dân buộc phải quay về nhà cũ nằm trong khu vực nguy hiểm.
Nhà sập, gia đình bà Tạ Thị Dương và bốn hộ khác góp tiền thuê một căn nhà ở khu vực Ðồng Muối, thuộc phường Phước Long, cách Phước Ðồng mấy cây số ở tạm, với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Ngày nào bà cũng trở về nơi ở cũ, để coi ngó nhà mình, dù thực tế nó chỉ còn có một mảng nền. Tết đang đến gần. Bà Dương cho biết, sẽ phải sửa chữa nhà cũ để ở, không còn cách nào khác. Còn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, ở xóm Núi, bị nghiêng, lở móng, nứt trụ, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Biết nguy hiểm, bà Hà cùng chồng xin ngủ nhờ nhà hàng xóm. Ðược giúp đỡ nhiệt tình, nhưng ngủ nhờ mãi cũng ngại. Vả lại, nhà hàng xóm cũng có an toàn đâu, cũng trong diện buộc phải di dời. Nhà nghèo, không có tiền thuê nhà nên bà dự định ít hôm nữa sửa chữa rồi ở liều trong nhà chứ không vất vưởng nữa. Tết sắp tới rồi. Vậy là cơn ác mộng mang tên sạt lở núi vẫn hằng đêm ám ảnh người dân hai thôn Thành Phát và Thành Ðạt. Nhưng, họ có cách giải quyết nào khác? Ở thì nguy hiểm, không biết bị vùi lấp lúc nào. Nhưng đi, thì đi đâu?
Xóm Núi, thôn Thành Phát được hình thành tự phát từ đầu những năm 2000 với hơn 300 căn nhà, nằm trên triền núi. Hình thành tự phát, làm cơ sở hạ tầng cũng tự phát, cho nên, nguy cơ rủi ro tăng lên gấp bội. Có thể thấy, ở đây, công tác quản lý đất đai có nhiều thiếu sót. Hậu quả là việc bảo đảm an toàn cho các hộ dân ở khu vực đồi, núi ở đây là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Chủ tịch UBND xã Phước Ðồng Ðặng Lợi cho biết, sau cơn bão số 8 và số 9 hồi tháng 11-2018, xã đã lập đoàn thống kê tình hình thiệt hại. Qua kiểm kê, ở xóm Mũi có 70 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 43 căn sập hoàn toàn và 27 căn bị sập một phần. Tại xóm Núi có 82 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 42 căn nhà sập hoàn toàn, 39 căn sập một phần. Ông Ðặng Lợi thừa nhận, tuy UBND xã đã tích cực tuyên truyền yêu cầu người dân không quay lại nơi ở cũ vì quá nguy hiểm, nhưng thực tế người dân đã bắt đầu quay lại, sửa chữa, gia cố nhà cửa để ở. Ðây là nỗi đau đầu của chính quyền địa phương. Ðể dân ở trong khu vực nguy hiểm thì không an lòng. Nhưng chuyển dân đi nơi khác thì không dễ.
Mới đây, Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang đã lập đoàn công tác đến từng hộ ở khu vực xóm Núi và xóm Mũi để khảo sát, kê khai về nhân thân, nhân khẩu, tình trạng đất, nhà... Ông Ðặng Lợi cho rằng, rất khó để thực hiện phương án tái định cư cho người dân bởi quỹ đất của thành phố hạn hẹp, trong khi số hộ cần đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm ở hai xóm này lên đến hơn 700. Phương án tìm một quỹ đất công phù hợp ở xã Phước Ðồng để xây chung cư rồi bố trí cho các hộ về ở sẽ dễ thực hiện hơn, nhưng bất cập ở chỗ nhiều người dân làm nghề biển, sống tự do ở đồi núi không quen với việc ở trong căn hộ chung cư.
Trong báo cáo trước lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, thành phố đã họp bàn sơ bộ tìm quỹ đất tái định cư, sau đó bán cho những hộ này với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng dân quá nhiều, hơn nữa giao đất xong không biết người dân có tiền xây nhà hay không, rồi liệu có giữ được đất để ở hay lại bán đi, rồi lên núi tiếp tục làm nhà trái phép. Vì vậy, phương án bố trí chung cư, nhà ở xã hội cho các hộ này cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm.
Qua thống kê sơ bộ, toàn TP Nha Trang có cả nghìn hộ dân ở những địa điểm có nguy cơ sạt lở núi. Trong số đó, nhiều nhất và nguy hiểm nhất tập trung ở các xã Phước Ðồng, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc..., các phường Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa... Chỉ tính riêng xã Phước Ðồng đã có gần 1.000 hộ làm nhà ngay sát các chân núi. Tất cả các hộ nói trên đều làm nhà trái phép.
Về giải pháp lâu dài, Bí thư Thành ủy Nha Trang Lê Hữu Thọ cho biết, thành phố đang lập đề án "Làng ngư dân ven biển" khu vực Hòn Rớ trên diện tích thí điểm nghiên cứu khoảng 52 ha. Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo cảng cá hiện nay; tăng cường số lượng và chất lượng các cầu tàu để đáp ứng nhu cầu về chỗ neo đậu tàu thuyền, cả tàu cá và ca-nô phục vụ khách du lịch trong tương lai. Một trong những nhiệm vụ của đề án là cập nhật các số liệu mới về dân cư, nghề nghiệp, truyền thống, văn hóa, tập quán ở từng khu vực để có đề xuất phù hợp. Ðề án xác định lấy ngư dân, khách du lịch làm trung tâm; xây dựng được loại hình dịch vụ phục vụ du lịch của làng ngư dân ven biển. Theo đó, đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể nhiều vị trí (Hòn Rớ, Bình Tân, Trí Nguyên, Bích Ðầm, Vĩnh Lương) để phát triển các nghề bám biển, kết hợp du lịch để thu hút người lao động tại khu vực, đồng thời tạo chỗ ở ổn định cho người dân.
"Ðề án nhằm giúp các hộ dân đang sống bám núi có công việc ổn định, có chỗ ở ổn định, tránh được tai họa lở núi như vừa qua. Hiện nay, thành phố đang thực hiện bước lập quy hoạch, sau này đầu tư xây dựng sẽ kêu gọi xã hội hóa", ông Thọ cho biết thêm.