Người đàn bà vẽ bằng thanh âm

Tháng 5/2022, triển lãm Rock Ballad màu diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật giới thiệu cái tên Phan Minh Châu vừa lạ vừa quen. Thật ra là lạ với hội họa chứ Minh Châu ca sĩ đã nức tiếng trong giới sinh viên Hà Nội gần cuối thế kỷ trước... Lóe sáng thành sao rồi cũng đột ngột lặn mất tăm y như khi xuất hiện, nhiều năm liền Minh Châu ca sĩ khiến những người hâm mộ hoang mang kiếm tìm thông tin cho đến vài thập niên sau, chị trở lại ở một diện mạo khác biệt...
0:00 / 0:00
0:00

Người đàn bà vẽ bằng thanh âm ảnh 1

Họa sỹ Đỗ Hoàng Tường ký họa chân dung nghệ sỹ Phan Minh Châu

1. Ngôi nhà đầy ánh sáng đón gió sông Hồng trên đường Âu Cơ của Minh Châu được trang trí bằng rất nhiều sản phẩm len móc. Chị dành riêng một phòng đúng nghĩa trưng bày những “bức tranh” móc bằng sợi len y như những tác phẩm hội họa trong chất liệu đặc biệt. Trái ngược với hình dung về một Minh Châu nổi tiếng của những tháng năm thanh xuân rực rỡ, cô gái Hà Nội được rèn cặp nữ công gia chánh chỉn chu nghiêm ngặt. Móc các sản phẩm thủ công theo đơn đặt hàng may mắn có được, xuất khẩu sang Nhật, những thứ vật dụng tinh xảo mà giới trẻ hay gọi đồ handmade và càng lúc càng ưa chuộng, phần nào phụ giúp Minh Châu đi qua thời bao cấp khốn khó.

Người đàn bà vẽ bằng thanh âm ảnh 2

Vocal 3 - Acrylic trên toan - Tranh Phan Minh Châu

Hoặc đã hình thành thói quen khó bỏ, hoặc luôn chân, luôn tay cũng là bản tính con người, đến tận giờ trong túi xách thường đặt sẵn kim móc và len, để bất cứ lúc nào chị cũng có thể thoăn thoắt múa đôi bàn tay của mình. Khăn, áo, mũ cho con, cháu; khăn trải bàn, rèm, mành..., có những người Hà Nội phong cho Minh Châu chức vị “vô địch móc” và chả thể ngờ người đàn bà hiện thời kềnh càng vóc dáng vẫn khéo léo đến kinh ngạc.

Giữa thập niên 1980, Minh Châu nữ sinh khoa ngữ văn Nga Đại học Tổng hợp Hà Nội dành giải nhất Tiếng hát hay sinh viên toàn quốc, nổi đình nổi đám cùng những giọng ca rất hồn nhiên một thời Tuyết Tuyết, Thanh Tâm, Quỳnh Liên... Góp mặt trong Festival thanh niên sinh viên thế giới ở Liên Xô, rồi tham dự cuộc thi quốc tế ở Hải Nam (Trung Quốc)... vùng phủ sóng của Minh Châu đã rộng khắp. Những thời khắc đất nước còn nghèo, niềm vui của sinh viên cũng đơn thuần là đọc sách, tụ tập trong các đêm thơ hay những đêm ca nhạc mang dáng vẻ tự phát, nếu may mắn có Minh Châu xuất hiện thì sẽ tự khắc bùng nổ, như kiểu Đêm thơ Quyến luyến thế kỷ này tại ký túc xá Mễ Trì mà sinh viên văn khoa Tổng hợp mừng Đại hội Hội Nhà văn vừa diễn ra lúc ấy. Vậy mà như chị nói “lên sân khấu mỹ miều óng ả, về nhà xắn quần móng lợn trồng rau, nuôi gà”, dường như chả có gì liên quan đến cô ca sĩ xinh đẹp hát hay.

Người đàn bà vẽ bằng thanh âm ảnh 3

Vocal 5 - Acrylic trên toan - Tranh Phan Minh Châu

Tới khi được kết nạp Đảng, các cán bộ đi xác minh lý lịch, tới nhà thấy chăm lao động quá, còn bảo nhau “thế này thì quá xứng đáng”. Vừa đi học ở trường vừa đi hát, vừa trồng rau, nuôi gà, đan móc vừa tìm thầy luyện thanh, Minh Châu đã sửa soạn cho mình con đường nghệ thuật thênh thang, chuyên nghiệp. Đùng một cái, lấy chồng, tự nguyện rời xa sân khấu, khép lại những hào quang, vùi lấp những đam mê dưới đáy sâu của dòng chảy thời gian, bỏ đi những niềm vui hào nhoáng, yên ổn làm vợ, làm mẹ, làm bà nội bà ngoại, làm một người phụ nữ đảm đang hạnh phúc... mà không hề lưu luyến nuối tiếc bận tâm gì. Quá khứ chỉ thảng hoặc hiện lên trong tâm trí chị khi có ai gợi nhắc, hay hầu hết do những người từng yêu mến tiếng hát Minh Châu khơi nhớ về. Mới rồi vào TP Hồ Chí Minh, một bạn trẻ tìm tới nói rằng, còn giữ được một đĩa nhạc thu các ca khúc Minh Châu hát, điều mà chính bản thân chị cũng không lưu được cho mình...


2. Lập gia đình, vun vén cuộc sống hôn nhân, bận rộn ấm êm như bao người phụ nữ bình thường. Chỉ khác thường là nội tâm người đàn bà hạnh phúc quá phong phú và chị phải pha loãng nó ra cho ổn thỏa mọi bề. Một lần nữa, như sự sắp đặt của số phận, Minh Châu phát hiện ra hội họa hoặc hội họa tìm tới chị. 40 tuổi bắt đầu cầm cọ vẽ, cũng có thể đó chỉ là sự chuyển dịch những bức tranh móc lên toan vải, Minh Châu được thỏa thuê bày tỏ nội tâm mình trong hình thái giàu ngôn ngữ biểu hiện hơn.

Người đàn bà vẽ bằng thanh âm ảnh 4

Ca sỹ - Họa sỹ Phan Minh Châu ngày trẻ

Từ những lần đầu tiên tham gia các triển lãm nhóm vào năm 2008, đã thấp thoáng một Minh Châu dữ dội và cuồng nhiệt. Nhưng ẩn dưới những đường nét khoáng đạt bản năng lại là sự đắm đuối lãng mạn giàu nữ tính. Minh Châu như mô phỏng cá tính ngoài đời, hội họa chính là sự bù đắp những gì chị còn thiếu để thêm một lần bản năng nghệ sĩ khoáng đạt của người đàn bà được bung tỏa trên bề mặt toan vải đúng như cách mà họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ từng viết: “Nhưng cách vẽ vẫn như buổi đầu, vẫn cứ tìm một mạch giao thông theo cảm hứng khôn cưỡng, thường ập đến giữa đêm khuya, ào ạt cho nó hiện hình lên toan đã, rồi mới đến đoạn tính toán thu xếp những mảng miếng tiếp theo, đậm nhạt ra sao, nóng lạnh thế nào, chỗ nào dày chỗ nào mỏng, chỗ nào cần đi nét, chỗ nào kệ cho nhòe chồng lẫn nhau... để toàn bộ thành một khúc ca có nhạc đệm đa thanh đúng như thôi thúc của mình.”.

Người đàn bà vẽ bằng thanh âm ảnh 5
Phan Minh Châu bên tác phẩm của chị

Có lẽ thế, chị thường chọn kích cỡ lớn, chỉ tấm toan khổ rộng mới đủ chỗ chứa chở những sục sôi miết mải... Không quá câu nệ về lý luận và các khái niệm, cũng không cố để điệu đàng lập ngôn, Minh Châu vẽ như hát. Giọng hát rock ballad hoang dại đa sắc mầu một thời không cất lên trên sân khấu, được thế bằng thanh âm của hội họa nhiều biến ảo. Trong ngã rẽ hội họa của mình, Minh Châu có mối thâm tình đặc biệt với họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Nếu họa sĩ Thẩm Đức Tụ là người thầy đầu tiên dạy Minh Châu vẽ, thì Hoàng Hồng Cẩm lại truyền thêm cho chị cảm hứng với niềm đam mê mới. Từ Hoàng Hồng Cẩm, Minh Châu coi vẽ là niềm vui, là để giãi bày chứ không phải chốn tìm danh lợi. Hoàng Hồng Cẩm từng động viên chị bằng cách, vẽ cùng chị những bức tranh mà đến giờ chị vẫn trân trọng như báu vật.

Người đàn bà vẽ bằng thanh âm ảnh 6

Tĩnh vật hoa - Tranh Phan Minh Châu

Chạm tuổi 60, đã đi qua một vòng lục thập hoa giáp, thành bà nội bà ngoại, hãnh diện nhất là con trai con gái trưởng thành, giữ được văn hóa gia đình, nền nếp của cha ông..., Minh Châu đều đặn ngày ngày sắp đặt việc nhà rồi thảnh thơi ngồi vẽ. Được chồng con ủng hộ, dù “chồng chị bảo, xem tranh chị vẽ chả hiểu gì”, người đàn bà hồn hậu may mắn tách bạch được những đam mê cá nhân với cuộc sống đời thường để rút cục cũng được đủ đầy hạnh phúc.