Ngược chiều bão gió

"Không làm gì" cũng có thể là một cách thể hiện thái độ. Đôi khi, cách thể hiện ấy còn đanh thép hơn mọi lời tuyên bố.
0:00 / 0:00
0:00

rất nhiều khía cạnh, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã và đang kiên định với chiến lược "không làm gì", bất kể nền kinh tế thế giới tổn thương trầm trọng suốt nửa năm qua (kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền đông Ukraine bắt đầu) do khủng hoảng năng lượng cùng các hệ lụy tiếp nối (chi phí sản xuất, vận chuyển và phân phối; giá lương thực, chi phí sinh hoạt, lạm phát…).

Mới tuần trước, OPEC và các đối tác (gọi chung là OPEC+) vừa tô đậm thêm những kịch bản u ám về sự đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, khi lại tuyên bố cắt giảm sản lượng 100.000 thùng dầu/ngày, tương đương 0,1% nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới, kể từ tháng 10/2022 (bằng đúng sản lượng mà trước đó họ đã đồng ý tăng thêm, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân công du tới Trung Đông nhằm mục đích thuyết phục họ thực hiện động thái ấy).

Tuần này, trong báo cáo hằng tháng ra ngày 13/9, OPEC giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng về nhu cầu dầu mỏ thế giới, và viện dẫn những chỉ dấu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt vẫn đang hoạt động "tốt hơn dự kiến".

Cụ thể, OPEC nhận định: Nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023, nghĩa là không thay đổi so với những mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước. OPEC cũng dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, rất đáng chú ý, OPEC đã không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,1%, cho cả năm 2022 và 2023. Đây là điều hoàn toàn trái ngược so nhận định chung của các thiết chế tài chính quốc tế quan trọng. Đơn cử, trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, mức dự báo 3,6% vào hồi tháng 4. Với năm 2023, IMF hạ dự báo GDP giảm từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,9%.

Trước đó, đầu tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,6% (và năm 2023 chỉ còn 2,2%) đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều bị đánh sụt các chỉ số tương ứng.

Tất nhiên, OPEC cũng có những lý lẽ "đanh thép" để bảo vệ cho cách tiếp cận vấn đề của mình, chính là những gì đã từng được Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais đề cập ngày 18/8: "Đừng đổ lỗi cho OPEC (về việc giá dầu tăng cao), mà cần quy trách nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp". Nói cách khác, OPEC (và OPEC+) không chịu bất cứ trách nhiệm nào về chuyện giá dầu tăng. Do đó, việc làm thế nào để cứu thế giới khỏi một cuộc khủng hoảng năng lượng là trách nhiệm của "người khác" - những nhà lãnh đạo quốc gia hay giới chính trị.

Nhưng, trong sâu thẳm, có lẽ chỉ cần nhìn vào một thí dụ: "Đế chế" dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia lãi gần 50 tỷ USD trong quý II/2022, mức lãi quý cao chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp này, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy được điểm cốt lõi.

Saudi Aramco, về quy mô, còn chưa thể so sánh với những "đại gia dầu mỏ" thực thụ như BP hay Exxon Mobil. Và bởi vậy, lợi nhuận mà những "người khổng lồ" ấy thu được từ việc giá dầu luôn đạt mức cao hơn 100 USD/thùng (mới chỉ hạ xuống dưới mức này trong vài tuần gần đây) đủ sức trở thành động lực để OPEC ung dung đi ngược chiều bão tố.

Tiềm năng phát triển kinh tế thế giới có thể vẫn cao, và nhu cầu dầu mỏ cũng vẫn lớn. Nhưng dù cao hay thấp, dù rộng mở hay thu hẹp, vấn đề chính vẫn không thay đổi: Muốn có dầu, hãy trả tiền nhiều hơn. Một cách ngắn gọn, bối cảnh địa chính trị-kinh tế toàn cầu hiện tại đang tạo nên những cơ hội không thể bỏ qua.