Nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ

Thủ tướng Chính phủ tuần qua vừa ký ban hành Quyết định 893/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong các cơ quan nhà nước. Việc thực thi Đề án nói trên nhằm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC vào quản lý, khai thác sử dụng, hướng tới đồng bộ, thống nhất công tác quản lý CBCCVC và tổ chức bộ máy, biên chế trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý CBCCVC theo hướng hiện đại.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm việc kê khai hồ sơ, lý lịch cho CBCCVC khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm...; từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước qua hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.

Liên quan cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC, Đề án đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào quản lý vận hành, khai thác, đặt mục tiêu kết nối, chia sẻ dữ liệu này với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Trên cơ sở đó, thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp…

Việc thực hiện Đề án rõ ràng sẽ góp phần đổi mới cơ bản công tác quản lý CBCCVC trong thời gian tới. Trước tiên, Đề án giúp giảm đáng kể các quy trình, thủ tục liên quan công tác cán bộ như: kê khai, bổ sung sơ yếu lý lịch và tài sản, thu nhập, thẩm tra, xác minh... Cùng với đó, đề án cũng rút ngắn thời gian thống kê, báo cáo, hoạch định chính sách, đơn giản hóa công tác quản lý điều hành.

Nhìn tổng thể, Đề án tạo nên sự minh bạch hóa trong công tác quản lý CBCCVC, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, cải thiện tương tác giữa chủ thể tham gia chính phủ điện tử gồm chính quyền, người dân và doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hình thành nền kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, để Đề án này được thực thi theo đúng kế hoạch, đạt được hiệu quả và các mục tiêu đề ra, các cơ quan liên quan cần sớm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC trong các cơ quan nhà nước; chủ động hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu này, gắn việc vận hành khai thác với công tác cải cách hành chính liên quan công tác quản lý cán bộ. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo đội ngũ CBCCVC phục vụ quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC. 

Đặc biệt, khi tiến hành số hóa, liên kết, khai thác, vận hành dữ liệu…, yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC phải được CBCCVC cũng như lãnh đạo các cơ quan quan tâm, chung tay xây dựng và cập nhật thường xuyên, liên tục, được quản lý, khai thác, duy trì, sử dụng thống nhất, liên thông trong toàn hệ thống.