Mười năm, và thêm nữa…

Những đơn vị binh sĩ phương Tây đã bắt đầu sắp xếp hành lý để rời Mali, sau gần một thập niên hiện diện trên mảnh đất Tây Phi này. Song, với những thông báo mới nhất, trước mắt người dân quốc gia ấy có lẽ vẫn còn là một lộ trình khá dài để thật sự chạm đến bình yên.

Chính quyền quân sự hiện tại ở Bamako sẽ tiếp tục cầm quyền thêm tối đa 5 năm - đó là những gì các nhà lập pháp Mali thông báo, ngày 21/2.

Song song, cơ quan lập pháp Mali cũng quyết định: Tổng thống Mali lâm thời - một quân nhân - sẽ không thể ứng cử trong một cuộc bầu cử dân chủ tương lai. Tuy vậy, quyết định lại không nêu đích danh đương kim Tổng thống lâm thời - đại tá Assimi Goita. Điều này có nghĩa là nếu từ chức trước cuộc bầu cử (chưa biết đến khi nào mới được tổ chức) ấy, đại tá Assimi Goita vẫn có tư cách ứng cử như một ứng viên dân sự.

Song, trong bối cảnh cụ thể hiện tại, chuyện ai nắm quyền ở Mali có lẽ cũng không quan trọng bằng việc họ sẽ điều hành đất nước như thế nào.

Năm 2012, xung đột vũ trang bùng phát ở quốc gia 21 triệu dân này, rồi lan rộng sang các nước láng giềng Niger và Burkina Faso. Hàng nghìn binh sĩ cùng dân thường đã thiệt mạng, hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Vì tình thế đó, một liên quân quốc tế do nước Pháp dẫn đầu đã cử các đơn vị quân đội của mình đến Mali - tâm điểm xung đột - từ năm 2013, nhằm ổn định tình hình và duy trì an ninh.

Vấn đề là, vào ngày 17/2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức tuyên bố: Pháp cùng các đồng minh sẽ bắt đầu tiến trình rút quân khỏi Mali. Lý do chính được đưa ra là: "Chúng tôi không thể tiếp tục can dự quân sự cùng với chính quyền mà trên thực tế vốn không có cùng chiến lược và mục tiêu với mình", và "nhiều trở ngại từ chính quyền quân sự ở Mali khiến các lực lượng nước ngoài không đủ điều kiện về chính trị, pháp lý và tác chiến để hoạt động".

Chính quyền Bamako, thực tế, đã yêu cầu Pháp "không trì hoãn việc rút quân". Vì vậy, thay thế kế hoạch triệt thoái được công bố năm 2021 (là từ 25.000 binh sĩ nước ngoài, sẽ chỉ còn 2.500 quân vào năm 2023), tiến trình này sẽ được đẩy nhanh trong vòng từ bốn đến sáu tháng. Và như Tổng thống Pháp Macron khẳng định: Cuộc rút quân này sẽ không dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Nhưng, hiện trạng ở Mali nói riêng, vùng Sahel và khu vực Tây Phi nói chung lại đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn đối với mục tiêu ấy. Bởi, theo đánh giá đầy lo lắng của cả giới quan sát châu Âu lẫn châu Phi, các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang coi vùng Sahel cũng như các nước vùng Vịnh Guinea là ưu tiên trong chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động.

Không phải ngẫu nhiên, theo Tổng thống Senegal Macky Sall, các nước châu Phi và các đối tác châu Âu đều nhất trí rằng cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel không thể chỉ do các nước châu Phi gánh vác. Cũng không phải ngẫu nhiên, Pháp và các nước đồng minh vẫn kêu gọi tiếp tục ủng hộ nỗ lực chống khủng bố, và nhất trí tiếp tục kế hoạch hành động chung để đẩy lùi khủng bố tại khu vực Sahel. Trong khi đó, chính quyền Bamako cũng vẫn khẳng định: Tất cả các đối tác muốn hợp tác với Mali trong hoạt động bảo đảm an ninh đều được hoan nghênh.

ĐÓ là những hiểm họa chực chờ từ bên ngoài. Còn nội tại, nền kinh tế-xã hội của Mali cũng tiềm ẩn không ít "quả bom nổ chậm". Sau cuộc đảo chính năm 2020, các thủ lĩnh quân sự Mali đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, cuối tháng 12/2021, họ đổi ý, và đề xuất tiếp tục nắm quyền thêm từ sáu tháng tới 5 năm, với lý do chính là tình hình an ninh. Vì điều này, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hồi tháng trước đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và đóng cửa biên giới với Mali.

Sự khốn khó tại một đất nước đã tiêu điều qua 10 năm xung đột hoàn toàn có thể cộng hưởng với nguy cơ khủng bố giữa những khoảng trống quyền lực nguy hiểm bị bỏ lại, để tạo nên những vận động đáng sợ. Nhưng dù sao, chuyện cũng đã rồi…