“Mùa live-show”: Nhìn mãn nhãn, nghe nhạt nhòa

Liên tục các live-show diễn ra, thu hút đông đảo khán giả bởi mức vé cao, tạo nên những “cơn mưa” khen-chê đa chiều khiến thị trường nhạc Việt trở nên ồn ào, tranh cãi. Đáng tiếc, nhiều ca sĩ không đủ năng lực để hát live (trực tiếp) chính các ca khúc từng được lòng khán giả ở phiên bản MV. Dù thực tế, điều đó vốn không còn là chuyện lạ, song vẫn gây nên sự thất vọng không nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Live-show Vietnamese Concert của Hoàng Thùy Linh
Live-show Vietnamese Concert của Hoàng Thùy Linh

Trăm hoa đua nở...

Chỉ tính riêng hai tuần gần đây, hàng loạt live-show liên tục diễn ra, thu hút đông đảo khán giả như Vietnamese Concert của Hoàng Thùy Linh (29/9), Glamping Music Festival của nhóm Boyzone, huyền thoại hip-hop đến từ Hàn Quốc Epik High cùng hàng loạt ca sĩ trẻ (30/9), Tựa như gió phiêu du của nhạc sĩ Đức Trí (1/10); Rap Việt All-Star Concert 2023 với sự góp mặt của Quán quân Double 2T và 30 rapper nổi bật cùng huấn luyện viên của Rap Việt 2023 (7/10)... Ngoài ra, còn khoảng 20 live show quy mô dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 và 11.

Các live-show liên tục được tổ chức liên tục xen kẽ lễ hội âm nhạc và nhiều hoạt động văn hóa giải trí phần nào mang đến tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường âm nhạc đã sôi động trở lại, góp phần kích cầu du lịch, ẩm thực, dịch vụ...

Trước đó, dù không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng hát live trên sân khấu của nhiều ca sĩ, song thực tế cho thấy, càng nhiều lượt xem/nghe dành cho các MV thì khán giả càng mong muốn thưởng thức ca khúc đó tại sân khấu. Đó là lý do chính khiến tuy đa số ca sĩ hát lại ca khúc cũ nhưng các show diễn được tổ chức thời gian này đều cháy vé. Theo khảo sát, năm nay, giá vé xem ca nhạc đã tăng nhiều so với trước, dao động từ mức thấp nhất là 800 nghìn đồng/vé đến cao nhất xấp xỉ 10 triệu đồng/vé.

Bỏ ra số tiền lớn mua vé, khán giả có quyền đòi hỏi chương trình chỉnh chu, chất lượng và đặc biệt ca sĩ phải hát thật, có khả năng giao lưu, kết nối hiệu quả với khán giả. Chưa kể, các yếu tố khác cũng cần được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng như đạo diễn, sân khấu, âm thanh, ánh sáng...

Thế nhưng, dù nỗ lực tạo sức hút thông qua sự đầu tư mạnh tay về thời trang, sân khấu, âm nhạc, đạo cụ... nhưng rất nhiều tiết mục ca sĩ hát không rõ lời, hát đè trên nền giọng thu sẵn...

Nhận định về hiện tượng này, giới chuyên môn cho rằng, từ trước đến nay vẫn có nhiều ca sĩ được biết đến thông qua hình tượng performer/entertainer (nghệ sĩ trình diễn/nghệ sĩ giải trí) với khả năng làm chủ sân khấu, các bản phối và dàn dựng được đầu tư kỹ lưỡng thông qua các MV nhưng chính điều này lại khiến họ rất khó để có thể hát live 100%.

Bỏ qua kỹ năng biểu diễn, không ít ca sĩ hiện nay đang không đáp ứng được việc hát trực tiếp. Vẫn là những cái tên “đắt show”, thường xuyên góp mặt ở những sự kiện có quy mô lớn, song người hát nhanh chóng bị chìm nghỉm giữa đạo cụ, nền nhạc mà không đủ sức mạnh nội tại để bật lên.

Thời đại âm nhạc phát triển sôi động trên nền tảng số đã chi phối mạnh mẽ đến đời sống xã hội, chiếm lĩnh thị phần người nghe/xem và đôi khi lượt view chính là tiêu chí để số đông hướng tới.

Mặc cho giới chuyên môn và một bộ phận khán giả không thừa nhận, thậm chí chê bai giọng ca không đạt chuẩn, nhiều cái tên vẫn “hot”, mỗi MV ra mắt thu hút hàng triệu view và live-show vẫn là chiến lược định vị hình ảnh cần thiết để khẳng định vị thế “ngôi sao” trên thị trường âm nhạc.

Hệ lụy từ sự tung hô quá đà

“Mùa live-show”: Nhìn mãn nhãn, nghe nhạt nhòa ảnh 1

Live-show Vietnamese Concert của Hoàng Thùy Linh

Các nhà chuyên môn nhiều lần đưa ra cảnh báo, khi công chúng còn bị lóa mắt bởi những MV, live-show được đầu tư như phim “ngôn tình” mà không chú trọng đến chất lượng giọng hát thì thị trường âm nhạc sẽ còn sản sinh nhiều ca sĩ “không cần hát” như bây giờ. Khi khán giả chỉ muốn “xem” ca sĩ diễn chứ không phải “nghe” ca sĩ hát, thị trường sẽ tạo nên sự bất công cho những giọng ca “họa mi” có tài năng, được đào tạo chuyên nghiệp và trải qua quá trình khổ luyện.

Nhiều giọng hát thảm họa đang “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc dẫn đến quan niệm sai lầm, ảo tưởng làm nghề trong giới làm nhạc trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định: “Nhiều ca sĩ bắt đầu xác định MV là chiến lược sống còn cho con đường âm nhạc của mình. MV thời đại ngày nay đôi khi là sự lên ngôi của những phim ngắn có kịch bản gay cấn, nội dung gây tranh cãi, liên quan đến những chủ đề nhạy cảm... hoặc nhiều MV chọn cái kết lửng lơ để người xem tha hồ bình phẩm, đồn đoán. Muốn sản xuất MV tạo “sóng”, nhiều người đã mạnh tay chi đến bạc tỷ. Việc này, các nhãn hàng sẵn sàng tài trợ để đạt được hiệu quả quảng bá. Âm nhạc vì thế cũng méo mó dần”.

Là cái tên đã bước đầu khẳng định được uy tín làm nghề, nhạc sĩ-ca sĩ trẻ Hoàng Luân cho biết, ở độ tuổi ngoài 30, anh vẫn cật lực theo học tại Nhạc viện để rèn giũa thêm. Theo anh, nghệ sĩ thì thời nào cũng vậy, cần thiết phải trau dồi chuyên môn bởi đó là sự tôn trọng nghề nghiệp và chính bản thân mình.

“Nhiều bạn Gen Z rất tài năng, cá tính, lại sẵn một ê-kíp sản xuất âm nhạc bài bản nhưng giọng hát bị che mờ bởi hàng tá thứ khác như vũ đạo, hình ảnh, truyền thông... Ngày nay, kỹ thuật phòng thu đã hiện đại hơn xưa đồng nghĩa với việc có quá nhiều thiết bị “make up” giọng hát. Đây cũng là một điều đáng lo ngại khi tạo sự ỷ lại khiến họ chỉ tự tin khi thể hiện ở phòng thu, lâu dần thành thói quen và khó có thể hát trực tiếp tốt”, Hoàng Luân nói.

Cùng quan điểm này, ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân cho rằng, hiện nay, nhiều ca sĩ trẻ vì mong muốn sớm ra mắt sản phẩm liên tục để sớm chinh phục khán giả, để không bị quên lãng nên dẫn đến việc bỏ qua hoặc đốt cháy giai đoạn học hành. Tuy nhiên, người nghe nhạc bây giờ đã khá văn minh, cảm nhận cũng khắt khe hơn nên thường sẽ có phản ứng gay gắt, thậm chí là tiêu cực với những sản phẩm có sự chênh lệch quá lớn giữa hai bản thu âm và trình diễn trực tiếp. Muốn hát live tốt, cần phải xác định học hành một cách bài bản để giọng hát có thể đi đường dài. Tài năng và tiềm năng là hoàn toàn khác nhau.

Trao đổi về những hệ lụy chung quanh vấn đề nhiều live-show đạt điểm nhìn mãn nhãn nhưng điểm nghe nhạt nhòa, ca sĩ Thùy Chi - chủ nhân của nhiều bản hit đình đám như Đêm nằm mơ phố, Giấc mơ trưa đã kể lại câu chuyện của chính mình. Khi mới 14 - 15 tuổi, ra quán internet để tìm nhạc, cô vô tình nghe được một giai điệu hay, thấy thích quá bèn nghĩ đến việc thu âm. Thùy Chi liên hệ nhạc sĩ Trần Quang Duy để nhờ hỗ trợ và chính Giấc mơ trưa đã đưa tên tuổi cô đến gần với khán giả, đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp ca hát.

Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, Thùy Chi từng phải dừng sự nghiệp ca hát vì những lời chê bai hát không hay như thu âm. Cô phải thu đi, thu lại hàng trăm bài hát để luyện giọng, luyện cao độ, sau đó nhận các show sinh viên, những show có chất lượng âm thanh sân khấu rất tệ để luyện tập bằng được kỹ năng, rằng dù hệ thống âm thanh xấu tốt thế nào cũng phải xử lý được. Nhờ vậy, không dừng lại ở việc hát live chuẩn như thu âm, cô còn khiến khán giả tại trường quay bất ngờ vì khả năng hát rap. Màn thể hiện ngẫu hứng đoạn rap khiến khán giả vô cùng phấn khích và trầm trồ vì tài lẻ này của nữ ca sĩ.

NSND Tạ Minh Tâm - người thầy của rất nhiều thế hệ ca sĩ đã thành danh - khẳng định: Đã theo con đường ca hát chuyên nghiệp, ca sĩ buộc phải không ngừng học hỏi và trau dồi, không nên nhầm lẫn giữa tỏa sáng, trở thành “ngôi sao” và đạt chuẩn trình độ chuyên môn. “Ngôi sao” đôi khi chỉ là bộ mặt được lăng xê, nổi tiếng hay không còn là do may mắn. Một ca sĩ có may mắn, được PR tốt vẫn cần phấn đấu, chăm chỉ luyện tập học hành nghiêm túc thì mới có được sự nghiệp uy tín, bền vững.