Một kiếp thi nhân

NDO - Ông chính là người đã sưu tầm, chỉnh lý ba trong số bảy "viên ngọc quý" của nghệ thuật chèo cổ được các cụ nghệ nhân trao truyền - đó là Quan Âm Thị Kính, Vân dại, Trương Viên. Ông còn là tác giả, đạo diễn của nhiều vở chèo, kịch thơ, kịch nói, là nhà phê bình lý luận sắc sảo, và đặc biệt, ông có lối sống giản dị, chan hòa, được đồng nghiệp từ trẻ đến già đều yêu thương, nể trọng.

Ðã tròn 22 năm Trần Huyền Trân để lại sự nghiệp chèo cho hậu thế, tạm biệt gia đình, bè bạn để được thả hồn về cõi phiêu mơ. Gian nhà cổ đã có thời là nơi tụ hội những nghệ nhân chèo gạo cội: Trùm Thịnh, An Văn Mược, Phạm Hồng Lô, Trần Văn Toái, Cụ Nhật, Ðào Lý ( Minh Lý), đào Dịu Hương... về để các văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề tổ như Lưu Quang Thuận, Trần Huyền Trân, Hà Văn Cầu, Lộng Chương,... tỉ mỉ ghi chép lại những mảnh trò, những tích diễn, sau này chỉnh lý, phục hồi thành những kịch bản văn học chèo cổ mẫu mực, giờ đã được thay thế bằng ngôi biệt thự ba tầng bề thế. Những kỷ vật của ông ngày nào: vài bức phác hoạ chân dung ông của người bạn vong niên - cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, mấy bức ảnh chụp ông cùng nhóm chèo Cổ Phong, ảnh trên chiến khu Việt Bắc, rồi chiếc điếu cày đã cùng ông, Nguyễn Tuân, Quang Dũng những phút thư thái thả cần bên hồ sen sau nhà vẫn được trân trọng lưu giữ.

Bà Hạc Ðính - người bạn đời của cố thi sĩ, tác giả, đạo diễn Trần Huyền Trân cũng đã bước sang tuổi 90, nhưng vẫn minh mẫn lắm khi nhớ về những năm tháng đầy gian khó mà hạnh phúc của gia đình. Không cần kính, bà tìm đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ông viết tặng riêng bà. Rồi bà kể về ông- ánh mắt xa xăm - dường như bà đang nhớ về ông với những kỷ niệm êm đềm một thời quá vãng.

Ðạo diễn Trần Kim Bằng- con trai thứ của Trần Huyền Trân 'khoe' với chúng tôi những kịch bản chèo cổ do cha anh chỉnh lý được xuất bản từ những năm 50 thế kỷ trước, có những kịch bản viết tay, còn chưa kịp in. Là người may mắn được chứng kiến những cuộc đàm đạo văn chương thơ phú, cảm nhận tình sâu nghĩa nặng của cha mình với những bạn thơ, có lẽ đạo diễn Trần Kim Bằng hiện là người biết chính xác nhất tác giả bài thơ tình nổi tiếng Hai sắc hoa Ti Gôn của tác giả TTKH. Mong có một ngày anh đủ can đảm 'thất hứa' với cha để bạn đọc và những người yêu thơ giải được 'nghi án' văn chương ngót thế kỷ này!

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, suốt cuộc đời, Trần Huyền Trân dành tâm huyết, tài hoa và công sức góp phần vun đắp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật chèo nói chung, Chèo Hà Nội nói riêng. Không chỉ góp phần sưu tầm, chỉnh lý kịch bản chèo để có những vở diễn mực thước, là niềm tự hào về di sản văn hóa chèo như Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Vân dại...; những vở chèo mà ông là tác giả: Ngôi nhà mới, Người con dâu, Tiếng hát bên nôi, Tạ Thị Kiều, Lửa Hà Nội, Bên sông Như Nguyệt; Những vở ông là đồng tác giả như Những cô thợ dệt (Việt Dung - Xuân Bình - Cao Kim Ðiển), Cô Thủy (viết chung với Kiều Liên Sơn)... đến những vở ông đạo diễn: Vườn cam, Thạch Sanh, Bà má vùng cát trắng, Ni cô Ðàm Vân, Tú Uyên Giáng Kiều (chuyển thể chèo và đạo diễn) Câu chuyện ngược dòng (chuyển thể chèo và đạo diễn) không chỉ làm dày thêm kịch mục Nhà hát chèo Hà Nội, mà mang ý nghĩa chính trị, thời sự sâu sắc.

Ðã bao năm trôi qua, nhiều thế hệ cán bộ, diễn viên làm việc cùng ông, được ông tận tình chỉ dạy đã trở thành những gương mặt ưu tú của làng chèo: NSƯT Mạnh Phóng, NSƯT Thanh Trầm, NSƯT Mạnh Thường, Nghệ sĩ Thanh Tâm, NS Quí Bôn, NSƯT Quốc Chiêm, NSƯT Thúy Mùi, NSƯT Lan Anh, NSƯT Mai Hương... Ðặc biệt, hai nghệ sĩ: NSƯT Diễm Lộc, NSƯT Thanh Trầm cho đến ngày hôm nay vẫn là những gạo cội của ngành chèo khó ai sánh kịp đã trưởng thành dưới sự dìu dắt của cố đạo diễn Trần Huyền Trân từ những vai diễn đầu tiên.

Không thể liệt kê hết những 'học trò' của Trần Huyền Trân. Càng không thể kể hết công lao to lớn mà ông và những người bạn trong nhóm chèo Cổ Phong góp với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo. Chỉ biết rằng, đến tận hôm nay, 'viên ngọc toàn bích' Quan Âm Thị Kính (có phần đóng góp không nhỏ của ông), vẫn lấp lánh bên cạnh Vân dại, Trương Viên, Thạch Sanh, và vẫn đều đặn xuất hiện trong chương trình kịch mục của Nhà hát chèo Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật, và hơn hết, khẳng định giá trị một di sản văn hóa phi vật thể mang đậm hồn cốt Việt.