LƯƠNG THỰC BẤP BÊNH VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

NDO - Sau khi Ấn Ðộ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá lúa gạo trên thế giới tăng vọt. Nhiều quốc gia khác cũng đang hạn chế xuất khẩu gạo và lương thực. Nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lương thực đang dần hiện hữu, là hồi chuông cảnh tỉnh về việc biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn nguồn cung lương thực như thế nào, các chuyên gia cho biết.
0:00 / 0:00
0:00
Thời tiết khô hạn làm suy giảm năng suất lúa gạo ở Thái Lan. Ảnh | CNA/Jack Board
Thời tiết khô hạn làm suy giảm năng suất lúa gạo ở Thái Lan. Ảnh | CNA/Jack Board

Hết lũ lụt tới hạn hán

Anh Satish Kumar ngồi nhìn cánh đồng lúa bị ngập úng của mình ở bang Haryana, Ấn Độ một cách tuyệt vọng: “Tôi đã mất rất nhiều và không thể trồng bất cứ thứ gì cho đến tháng 11”, người nông dân đời thứ ba chỉ dựa vào việc trồng ngũ cốc để nuôi sống gia đình trẻ của mình, cho biết. Những cây lúa non đã chìm dưới nước kể từ tháng 7 sau khi mưa xối xả tấn công miền bắc Ấn Độ, kèm theo lở đất và lũ quét. Kumar cho biết anh đã không thấy ​​lũ lụt tới mức này trong nhiều năm qua, theo CNN.

Trên khắp Nam và Đông Nam Á, thời tiết khó lường đang đe dọa nguồn cung gạo, lương thực thiết yếu cho hơn một nửa dân số thế giới. Vào tháng 7, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati sau khi mùa màng bị thiệt hại do mưa lớn. Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu và cung cấp gạo cho nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi. Theo một báo cáo gần đây của Reuters, lệnh cấm - cùng với những lo ngại về sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, khiến thời tiết nóng và khô hơn trên toàn khu vực - đã khiến giá gạo ở các nước xuất khẩu chính là Thái Lan và Việt Nam tăng vọt khoảng 20%.

Nhưng Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Theo Ngân hàng Thế giới, vào tháng 7/2023, tổng cộng có 20 quốc gia đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực chính. Trong những tuần gần đây, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã đình chỉ xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng, Myanmar cho biết họ có kế hoạch tạm dừng xuất khẩu và Indonesia cho biết họ muốn nhập khẩu thêm từ các nước láng giềng để dự trữ. Tại Philippines, chính phủ đã áp đặt trần giá gạo để bảo vệ những người tiêu dùng nghèo nhất, đồng thời Cơ quan Phát triển và Kinh tế quốc gia nước này cảnh báo về “thời kỳ khó khăn” và coi El Nino là “kẻ phá hoại chính”.

Shirley Mustafa, nhà phân tích thị trường gạo tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc nói với Al Jazeera: những hạn chế xuất khẩu như vậy gây bất ổn cho thị trường. Chúng dẫn đến sự tăng giá trên toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến các nước nghèo đang tìm cách mua thêm gạo vì lo ngại nguồn cung khan hiếm.

El Nino là một hiện tượng khí hậu xảy ra tự nhiên trong đó các khu vực ở Thái Bình Dương nóng lên, thường gây ra nhiệt độ nóng hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Tác động của El Nino đối với cây lúa vẫn chưa rõ ràng. Theo báo cáo của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, khi hiện tượng El Nino gần đây nhất xảy ra vào năm 2015-2016, sản lượng gạo ở Đông Nam Á đã giảm 15 triệu tấn so với hai năm trước đó.

Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan Kidtimonton dự đoán vào tháng 8 vùng đồng bằng miền trung, vành đai lúa gạo của đất nước, có thể phải đối mặt với lượng mưa giảm tới 40% trong mùa này. Bất chấp lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều vùng phía bắc Ấn Độ, tháng 8 năm nay vẫn là tháng nóng nhất và khô hạn nhất được ghi nhận ở nước này. Mùa gió mùa mang lại tới 80% lượng mưa hàng năm của đất nước đã thấp hơn nhiều so với mức bình thường.

Giáo sư kinh tế nông nghiệp và thực phẩm Matin Qaim tại Đại học Bonn, Đức cho biết giá các mặt hàng lương thực chủ yếu như lúa mì, ngô, gạo và hạt dầu đã tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực hiện nay đối với xuất khẩu gạo xảy ra vào thời điểm giá lương thực đã ở mức cao trên khắp thế giới, hiện trạng này trở nên tồi tệ hơn do xung đột Nga và Ukraine. El Nino không chỉ đe dọa sản xuất lúa gạo mà còn đe dọa nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng: từ dầu cọ, loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, đến mía, đậu nành và ngô của Ấn Độ.

LƯƠNG THỰC BẤP BÊNH VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ảnh 1

Bốc xếp gạo tại cảng Kakinada Anchorage ở miền nam Ấn Độ. Ảnh | Reuters

Argentina, nước xuất khẩu đậu nành lớn nhất hành tinh và là nước sản xuất ngô hàng đầu, đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm, khiến sản lượng bị cắt giảm mạnh. Australia nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới đang chuẩn bị đối mặt với sự sụt giảm 34% sản lượng lúa mì trong năm nay, do tình trạng khô hạn. Theo Gro Intelligence, công ty phân tích ngành nông nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại New York, nhiệt độ cũng đang ảnh hưởng đến năng suất ngô của Mỹ cũng như sản xuất lúa mì ở châu Âu và Canada. Kenya, Somalia, Uganda, Tanzania, Haiti, Chile và Bolivia cũng được dự báo sẽ chứng kiến năng suất cây trồng thấp hơn do điều kiện thời tiết không thuận lợi trong năm nay, The Guardian đưa tin.

Tầm nhìn xa trong ứng phó biến đổi khí hậu

Tại Thái Lan, nông dân đã được khuyến khích trồng các loại cây tiêu thụ ít nước hơn. Các chiến dịch khuyến khích khu vực công, chính phủ và doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm cũng sẽ được phát động, truyền thông địa phương đưa tin.

Ngay cả khi El Nino không nghiêm trọng như lo ngại, các nhà nghiên cứu cho rằng nông dân vẫn cần phải thích ứng với nhiệt độ nóng hơn do khủng hoảng khí hậu mang lại. Lúa đặc biệt dễ bị tổn thương, quá ít hoặc quá nhiều nước có thể ảnh hưởng đến mùa vụ, thậm chí sự thay đổi nhiệt độ nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines nghiên cứu sự thay đổi nhiệt độ vào ban đêm và phát hiện rằng mỗi khi nhiệt độ tối thiểu chỉ tăng 1 độ C thì năng suất hạt giảm 10%. Những đợt lạnh đột ngột và ngắn cũng có thể gây chết lúa.

Tiến sĩ Siwaret Arikit, giám đốc Trung tâm Khoa học Lúa gạo tại Đại học Kasetsart ở Thái Lan, cho biết ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với lúa gạo, cả về số lượng và chất lượng, là rất lớn. “Chúng tôi đã xác định được rất nhiều căn bệnh mới mà trước đây không nghiêm trọng lắm. Nhưng sau biến đổi khí hậu, nó đã phá hủy [mùa màng]”.

Trung tâm Lúa gạo hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Anh, đang cố gắng phát triển một loại gạo có nhiều dinh dưỡng hơn và có thể chống chịu các mối đe dọa do tình trạng nóng lên toàn cầu mang lại. Các nhà khoa học đang nghiên cứu một danh sách gồm 400 loại lúa và xác định các gen có liên quan đến các đặc tính về khả năng phục hồi cao. Các gen này tạo ra rễ dài hơn, có thể hấp thụ độ ẩm sâu hơn trong đất hoặc lá có ít lỗ chân lông hơn, sẽ mất ít độ ẩm hơn, cho phép chúng chống chịu tốt hơn trong điều kiện hạn hán và thải ra ít khí mê-tan hơn. Năm 2022, trung tâm phối hợp với các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã xác định được các gen có khả năng chống chịu sâu hại rầy nâu tốt hơn.

Tiến sĩ Siwaret cho biết, các nhà dự báo có thể làm việc với dữ liệu lớn, thu thập các dự đoán thời tiết chính xác cho nông dân, đặc biệt các hiện tượng thời tiết cực đoan và cộng tác với những người tạo giống lúa gạo. “Nếu có dự đoán chính xác, họ có thể chuẩn bị và đưa ra giống lúa mới phù hợp với những tình huống đó”-ông nói.

Giáo sư Martin Qaim cũng cho rằng hệ thống trồng trọt phải được cải thiện và các quốc gia phải sử dụng hạt giống tốt hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn, tập trung vào các loại cây trồng có khả năng chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Điều này có nghĩa là các nước cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và công nghệ trong nông nghiệp.

Các loại cây trồng truyền thống có thể chịu được nhiệt độ khắc nghiệt đang dần quay trở lại. Hạt kê, từng là mặt hàng chủ lực ở châu Phi và nhiều nơi ở châu Á, đã có kim ngạch xuất khẩu tăng trong những năm gần đây. Liên hợp quốc chỉ định năm 2023 là Năm Quốc tế về hạt kê, với một loạt hoạt động quảng bá nhằm nêu bật giá trị dinh dưỡng (hạt kê rất giàu protein và vi chất dinh dưỡng) cũng như các đặc tính thân thiện với khí hậu của loại ngũ cốc cổ xưa này. Trong khi đó, các nhà khoa học cũng phát triển các giống lúa, lúa mì, ngô và các loại cây trồng quan trọng khác chịu được hạn.

Bà Avantika Goswami, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Trung tâm Khoa học và Môi trường, nói với AFP: “Thời tiết thất thường là điều bình thường mới. Vấn đề bây giờ là phải thích ứng sớm. Về lâu dài, lượng khí thải toàn cầu phải giảm xuống”.