Linh hoạt bảo vệ di sản "đặc biệt"

Chuyện cầu Long Biên những ngày gần đây thu hút sự chú ý của dư luận, bên cạnh nhiều thông tin nóng hổi khác từ nghị trường Quốc hội, từ công tác kiểm tra và xử lý cán bộ có dấu hiệu sai phạm, từ tình hình mưa lụt ở đô thị và những vụ việc "nóng" khác.

Lẽ thường, đối với một cây cầu, khi có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, chắc chắn sẽ được tập trung đánh giá, bình luận ở khía cạnh kỹ thuật, an toàn giao thông và đòi hỏi khắc phục, sửa chữa kịp thời. Nhưng với cây "cầu rồng" hơn trăm tuổi này, người ta quan tâm nhiều hơn ở những khía cạnh khác: từ góc nhìn lịch sử khi cầu là chứng nhân của thăng trầm trăm năm Hà Nội; từ góc độ di sản khi cầu là công trình tuyệt đẹp, lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa, xã hội Hà Nội và vùng lân cận; từ cả thẳm sâu tình cảm của bao thế hệ người Thủ đô; từ tất cả những góc nhìn trên cộng hưởng lại.

Sự quan tâm, lo lắng về tình trạng "sức khỏe" cây cầu di sản này gợi lại những ý kiến về việc nên giữ hay bỏ cầu, có nên xây một cây cầu mới bên cạnh và chuyển cầu Long Biên về dạng thức bảo tồn, bảo tàng hay không. Tất nhiên, các đề xuất vẫn chỉ là ý tưởng. Đến nay, hiện trạng của cầu Long Biên lại thôi thúc thành phố Hà Nội, ngành giao thông, ngành văn hóa… sớm có những giải pháp phù hợp nhất, hài hòa được nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, xã hội, giao thông, kỹ thuật nhằm sớm phục hồi "thể trạng", như sửa chữa, gia cố, giảm tải, điều chỉnh lưu lượng người, phương tiện, phát huy công năng cầu ở những vai trò mới…

Thực tế, câu hỏi lớn đối với "số phận" cầu Long Biên là một thí dụ cho yêu cầu xử lý, giải quyết tình trạng của không ít di sản khác, đều mang những giá trị đa dạng về kiến trúc, mỹ thuật, kỹ thuật; có những ý nghĩa đặc biệt nhìn từ lịch sử giao thoa, tiếp biến văn hóa. Nhưng những di sản đó lại chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng, chưa được đánh giá, xếp hạng di tích hoặc có những hình thức tôn vinh phù hợp để có được cơ sở pháp lý cần thiết cho việc trùng tu, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lâu dài, phục vụ thiết thực cho đời sống hiện đại, cho hoạt động du lịch.

"Đồng cảnh" với cầu Long Biên là nhiều biệt thự, công thự giao thoa kiến trúc Đông-Tây, vẫn đang tiếp tục xuống cấp dần mòn và đã có những tòa nhà sập đổ, những bộ phận rơi vỡ; là công trình nhà máy xây từ thời Pháp thuộc ở giữa các đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú (Hà Nội) gần đây bị tháo dỡ ngổn ngang; hoặc Nhà máy dệt Nam Định, chứng nhân một chặng đường lịch sử thành Nam, cũng phải phá bỏ đi; và cả một số công trình quy mô lớn ở Quảng Ninh, Nam Định cách đây chưa lâu, được…"thay mới", đã để trôi đi những giá trị được trầm tích qua hàng trăm năm không thể đánh đổi.

Đó đều là những di sản có bối cảnh ra đời và tồn tại đặc biệt, bên cạnh những di sản đình, chùa, đền, miếu, thành cổ… hàng nghìn, hàng mấy trăm năm tuổi trong lịch sử nước Việt, nhiều công trình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy "ít tuổi" hơn, nhưng các di sản đó đã trở thành tài sản của đất nước và cần được nhận thức đúng để bảo vệ, giữ gìn, kéo dài tuổi thọ và phát huy giá trị một cách linh hoạt ngay từ thời điểm có phần muộn màng này.

Trong khi chưa có những "phương thuốc" hữu hiệu, thì thời gian vẫn cứ ngày càng thêm "điểm trừ" vào sự chậm trễ, lúng túng cùng những nghi ngại thiếu nhân văn trong cách cứu chữa.