Lan tỏa bản sắc để nhân lên tình yêu dân tộc

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 (18-23/11) đang diễn ra sôi nổi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lan tỏa các giá trị văn hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em.
0:00 / 0:00
0:00
Vòng tay kết đoàn của 54 dân tộc anh em trong ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam.
Vòng tay kết đoàn của 54 dân tộc anh em trong ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam.

Tinh thần đoàn kết chính là báu vật quốc gia

Sự kiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022), 76 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2022). Hàng trăm già làng trưởng bản, chức sắc tôn giáo, nghệ nhân, diễn viên, quần chúng… từ khắp các tỉnh, thành phố cả nước đã về tụ hội. Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh: Với ý nghĩa di sản văn hóa, đại đoàn kết toàn dân tộc là bảo bối, là báu vật quốc gia.

Các hoạt động năm nay cũng chính là việc hưởng ứng tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng các dân tộc trong cả nước; tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa vùng miền, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu vật, các tiết mục dân ca, dân vũ, giới thiệu nghề truyền thống, tái hiện một số lễ hội đặc sắc... đã tôn lên tình yêu văn hóa, lòng tự hào dân tộc. Nghệ nhân Y Sinh (dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum), Trưởng ban Đoàn kết cộng đồng tại Làng văn hóa tâm sự, chúng tôi rất tự hào khi được về “Ngôi nhà chung” để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước không gian sống, trải nghiệm và thực hành văn hóa của chúng tôi.

Là nghệ nhân thì cần cống hiến

Nhiều nghệ nhân đã khắc phục mọi khăn nhằm bảo vệ và trao truyền các di sản quý báu của đồng bào mình. NNƯT Điêu Thị Xiêng, dân tộc Thái (Nghĩa Lộ, Yên Bái) tự hào khi vòng xòe của dân tộc mình vốn thực hành trong các dịp lễ, Tết, mừng nhà mới… tại các địa phương nhưng bây giờ lại được lan tỏa khắp thế giới khi được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng tôi thêm yêu di sản dân tộc mình và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Xiêng cũng cho biết, lớp truyền dạy lúc đầu chỉ vài cháu, nhưng qua vận động tuyên truyền, dần dần số lượng lên đến hàng chục cháu một lớp. Hiện nay ở địa phương, múa xòe đã được thực hành ở hầu hết các thôn bản, rồi cả trong trường học từ mẫu giáo đến các cấp học cao hơn.

Hầu hết các nghệ nhân không đòi hỏi bất cứ điều gì cho bản thân, họ thực hành và truyền dạy bằng niềm đam mê, lòng tự hào và mong muốn các di sản văn hóa không bị mai một. Được phong tặng NNƯT năm 2015, nghệ nhân cồng chiêng Bùi Thị Bích Thìn (dân tộc Mường, Thạch Thất, Hà Nội) đã nhiều năm dạy cồng chiêng cho bà con người Mường các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai và Mỹ Đức. Là các địa phương ở đồng bằng rất gần với môi trường văn hóa hiện đại nên việc duy trì bản sắc khá khó khăn. Như ở Thạch Thất (Hà Nội) phong trào cồng chiêng đã có từ lâu đời, qua thời gian và biến đổi xã hội hầu như không bị mai một là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của nghệ nhân Bích Thìn. Hiện tại trên cả bốn huyện đã có 32 đội cồng chiêng được bà truyền dạy. Bà còn tổ chức các cuộc giao lưu giữa các đội, trình diễn các bài cồng chiêng truyền thống; rồi liên hệ với các nhà trường tại các địa phương có con em dân tộc Mường học tập để mở lớp trực tiếp truyền dạy. Nghệ nhân Bích Thìn chia sẻ, tuy chế độ đãi ngộ không nhiều nhưng đó không là vấn đề và bà cũng không lý tưởng hóa công việc mình làm bởi đã là nghệ nhân thì cần phải cống hiến.

Lan tỏa bản sắc để nhân lên tình yêu dân tộc ảnh 1

Trình diễn trang phục dân tộc tại ngày hội.

Hãy áp dụng những giải pháp khả thi

Đã có nhiều ý kiến quý báu của các già làng, trưởng bản về những việc cấp bách cần làm để bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Ông Nùng Văn Chiến, đại diện dân tộc Thái trắng (Sơn La) cho biết, những năm gần đây, chữ viết, tiếng nói của dân tộc Thái ngày càng mai một, mong rằng các bộ, ban, ngành sớm thống nhất được chữ viết người Thái để có được một bộ sách giáo khoa chuẩn truyền dạy cho thế hệ sau; đồng thời mở lớp đào tạo giáo viên với cơ chế phù hợp.

Tại hội thảo “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay”, nhiều ý kiến thống nhất quan điểm cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và giá trị của việc bảo tồn, phát huy văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, đồng thời đề xuất các giải pháp có tính khả thi trong việc bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch cho rằng, biến đổi của trang phục là tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Ông nêu một số giải pháp cụ thể: Mỗi một người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, ngày khai giảng, khai mạc các tổ chức đoàn thể, ngày hội…; khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vùng phát triển du lịch mặc trang phục dân tộc, vừa bảo tồn di sản vừa tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng cho điểm đến. Mặt khác, cần đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện như bảo tồn làng bản các dân tộc thiểu số, xây dựng bảo tàng sinh thái, xây dựng không gian sinh thái văn hóa tộc người…

Mong mỏi của nhiều người góp mặt trong Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam lần này, còn là nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong việc thực hiện những mục tiêu kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.