Lạm thu, bao giờ là chuyện cũ?

Đã nhiều năm nay, cứ mỗi đầu năm học mới, dư luận xã hội lại rộ lên chuyện "lạm thu", nhất là ở các trường phổ thông, gây bức xúc, thêm gánh nặng cho học sinh và cả gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Phá cỗ Trung thu- một hoạt động ý nghĩa do phụ huynh và nhà trường phối hợp tổ chức cho các em học sinh lớp 2A2 trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội).
Phá cỗ Trung thu- một hoạt động ý nghĩa do phụ huynh và nhà trường phối hợp tổ chức cho các em học sinh lớp 2A2 trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội).

Trong khi đó, đã có các văn bản quy phạm pháp luật và Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua cũng có những quy định, hướng dẫn về việc này. Cụ thể, trước hết là thu theo quy định của pháp luật, khoản thu bắt buộc là học phí. Trường hợp này, đã có địa phương miễn hoặc hỗ trợ học phí cho người học. Bên cạnh đó là các khoản thu đối với dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục - người học có quyền quyết định sử dụng hay không sử dụng, như học thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm, ngoại khóa,... Ngoài ra, còn một số khoản "thu hộ" như bảo hiểm y tế, bảo hiểm toàn diện là các khoản tự nguyện. Riêng các khoản vận động hay tài trợ được quy định và thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; còn quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh thì thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh cũng đã được ban hành trước đó.

Nhằm tránh hiện tượng thu không đúng quy định, lạm thu tại các trường học, mới đây lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Điều quan trọng là các địa phương, các nhà trường phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức, tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục dần vấn đề này.

Trên thực tế, vẫn có không ít cơ sở giáo dục "lách luật" lạm thu bằng nhiều hình thức tinh vi: hoặc gọi các khoản đóng góp thêm bằng những cụm từ, cách diễn đạt dễ gây nhầm lẫn là quy định bắt buộc, hoặc yêu cầu cha mẹ học sinh viết giấy cam kết tự nguyện đóng góp; hoặc qua bên thứ ba, bên trung gian kết nối,...

Trước thực trạng này, đã có ý kiến bức xúc, đề xuất giải tán hội cha mẹ học sinh!? Tuy nhiên, xét cho cùng, hội nhằm gắn kết, giữ liên lạc với nhà trường, kết nối, chia sẻ giữa các phụ huynh là việc rất cần thiết. Vấn đề đặt ra, làm sao để các buổi sinh hoạt phát huy tính dân chủ, tôn trọng ý kiến cá nhân-còn phụ thuộc bản lĩnh, tinh thần dám nói và chia sẻ của mỗi bậc cha mẹ. Cùng đó, các quy chế, quy định liên quan, nhất là vấn đề cơ sở vật chất, dạy thêm, học thêm,... hay cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục cần sớm được hoàn thiện, sát thực tiễn, chi tiết và rõ ràng, minh bạch hơn, phù hợp với từng vùng miền, địa phương.

Cũng cần khách quan nhìn nhận, các cơ sở giáo dục, nhất là bậc học phổ thông, đang đứng trước những yêu cầu đổi mới, mà trong một số lĩnh vực cụ thể, có phần vượt quá khả năng tự điều chỉnh. Chính vì vậy, sự thấu hiểu và đồng hành của chính các cha mẹ học sinh cũng là một yếu tố quan trọng để từng bước nâng cao sự minh bạch, hạn chế bất cập và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dạy và học trong nhà trường.