Kỳ vọng Vân Phong, khát vọng Trường Sa

Nghị quyết 09 ngày 28/1/2022 về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, xây dựng Trường Sa thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”.
0:00 / 0:00
0:00
Vịnh Vân Phong có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Vịnh Vân Phong có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Vân Phong và Trường Sa đang làm gì để thực hiện được những mục tiêu phát triển đầy kỳ vọng ấy?

Kỳ vọng Vân Phong

Trước mặt tôi, vịnh Vân Phong trải dài mầu xanh biếc tít tắp tận đường chân trời, đứng ở trên bờ cát trong tĩnh lặng của mặt biển, có thể nhìn thấu tận đáy nước. Cảnh sắc của Vân Phong chẳng khác nào bức tranh thiên nhiên sống động với những gam màu của mây trời, cát trắng, biển, đảo và cả những cánh chim chao liệng. Vân Phong được biết đến như một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam và thế giới. Không chỉ đẹp, Vân Phong có tiềm năng phát triển kinh tế biển vô cùng to lớn nhưng lại giống như “người đẹp ngủ say” trong nhiều năm qua do mô hình phát triển chưa phù hợp.

Tỉnh Khánh Hòa đang có những quyết sách mới, tầm nhìn dài hạn và thực hiện quyết liệt để “đánh thức” tiềm năng của vịnh Vân Phong. Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ: “Vịnh Vân Phong trải dài trên địa giới hành chính của huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, có Khu kinh tế Vân Phong được quy hoạch với 150.000ha, gồm 80.000ha mặt nước và 70.000ha đất liền. Các chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước đều xác định vịnh Vân Phong có vị trí rất đặc biệt, hội tụ đủ các yếu tố để phát triển nhiều ngành kinh tế, vừa là vịnh nước sâu, kín gió, thuộc loại tốt nhất trên thế giới, có thể phát triển cảng trung chuyển quốc tế, vừa là vùng biển không có sông lớn đổ nước ngọt ra làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, cho phép phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp”.

Tháng 6/2020, Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050; tiếp đó đã đồng ý thực hiện thủ tục để đưa khu kinh tế này thành một trong những khu kinh tế ven biển của cả nước.

Tháng 10/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, có tăng thêm đất ở, casino, bến thủy phi cơ, sân bay dân dụng. Khu vực Bắc Vân Phong, sẽ bao gồm các khu dịch vụ, du lịch cao cấp; trung tâm cảng biển quốc tế; các khu dịch vụ hậu cần cảng, đô thị du lịch và đô thị đan xen. Tại bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn được quy hoạch trung tâm thương mại-tài chính, casino...; khu đô thị đa năng cao cấp, thương mại dịch vụ, sân bay dân dụng, công nghiệp... tại khu vực Cổ Mã-Tu Bông.

Ở khu vực Nam Vân Phong sẽ phát triển các tổ hợp công nghiệp; cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng, cảng du lịch, hậu cần cảng logistics; các đô thị ven biển và các khu du lịch, dịch vụ đan xen... tập trung ở khu vực phía đông và đông bắc thị xã Ninh Hòa...

Một bức tranh kinh tế đa dạng hiện đại đã được vẽ lên trên nền vịnh Vân Phong đầy lãng mạn nhưng cũng rất thực tế, khả thi. Làm thế nào để tạo nên lực hấp dẫn để những nhà đầu tư lớn, được ví như “đại bàng” đến “làm tổ” ở Vân Phong?

Ông Nguyễn Hải Ninh cho rằng trước hết phải làm tốt việc điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong để cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Bộ Chính trị về phát triển khu vực vịnh Vân Phong nêu trong Nghị quyết số 09. Phía Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển đô thị du lịch biển, nhưng phải đầu tư cao cấp để đạt đẳng cấp thế giới, tạo sự khác biệt và tương xứng với tầm vóc của Vân Phong. Đồng thời, vẫn phải giữ quỹ đất dự trữ cho cảng trung chuyển quốc tế ở Bắc Vân Phong theo đúng quy hoạch, nhưng phân kỳ đầu tư để phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, định hướng đầu tư trước bến cảng đón tàu du lịch cỡ lớn, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Phía Nam Vân Phong đang xuất hiện thời cơ mới, tuyến đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột chuẩn bị khởi công xây dựng. Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải mở rộng tuyến đường kết nối cao tốc này xuống khu vực Nam Vân Phong, phát triển cảng tổng hợp ở khu vực Nam Vân Phong lớn hơn hiện có để phục vụ cho cả vùng Tây Nguyên. Khu vực này hiện đã có Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Khu công nghiệp Ninh Thủy... Tỉnh đang quy hoạch và mời gọi đầu tư các khu công nghiệp dọc theo tuyến đường này để phát triển công nghiệp gắn với logistics.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiên Thành nhận định với mức nước sâu từ 20m đến 40m, vịnh Vân Phong là địa điểm đặc biệt có độ nước sâu vượt hơn các cảng quốc tế hiện nay. Nếu được đầu tư trở thành một cảng trung chuyển quốc tế, Vân Phong có thể tiếp nhận tất cả các loại tàu lớn hiện nay và trong tương lai, kể cả các tàu container siêu lớn, tàu khu trục, tàu sân bay, và tàu chở dầu hơn 500.000 tấn. Theo ông Thành, khi phát huy hết tiềm năng của mình, thành phố cảng Vân Phong sẽ là trung tâm tài chính-kinh tế lớn nhất của Việt Nam thậm chí trở thành một “Singapore” của thời đại mới.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần phát triển Vân Phong thành khu kinh tế thương mại tự do quốc tế gắn với cảng quốc tế nước sâu. Có thể phát triển thêm các ngành trọng điểm trong Khu kinh tế Vân Phong gắn với trung tâm mua sắm miễn thuế, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp chữa bệnh, dịch vụ cao cấp, trung tâm công viên du lịch chủ đề gắn với đô thị. Muốn làm được điều ấy cần phải có cơ chế đặc biệt bằng nghị quyết đặc thù của Quốc hội để có các chính sách về hải quan, về hàng hóa, cơ quan quản lý cảng, miễn thuế, miễn visa.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có chính sách cho nhà đầu tư chiến lược ở Khu kinh tế Vân Phong, nhưng Nghị quyết này chỉ có hiệu lực 5 năm. Ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh, việc cần làm là tận dụng tối đa chính sách đặc thù, phát huy được tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ được các điểm nghẽn, rào cản từ chính sách trước đây, huy động được nguồn lực, cả đầu tư công và đầu tư, tạo nền tảng phát triển bền vững lâu dài để phát triển vịnh Vân Phong.

Tôi đã nhìn những con đường cao tốc đang mở ra nối Vân Phong với Tây Nguyên, Phú Yên... Những đồi cát hoang vắng, những bờ biển trong veo rồi đây có thể thành những khu phi thuế quan, casino thu hút khách toàn thế giới đến đây. Vân Phong có định hướng phát triển 5 nhóm ngành nghề: du lịch cao cấp theo hướng có casino ở khu phi thuế quan; công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao; nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ nuôi biển tiên tiến của Na Uy; hậu cần cảng biển; logistics và đóng tàu theo hướng công nghiệp. Để đạt được viễn cảnh đó là cả một “hành lộ nan”, cần tầm nhìn chiến lược, cần những nhà đầu tư chiến lược và cả sự kiên nhẫn chiến lược để không rơi vào cái bẫy “phân lô bán nền” băm nát Vân Phong như nhiều nơi từng mắc phải.

Gần lắm Trường Sa

Tôi đến trụ sở huyện đảo Trường Sa khi ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện sắp sửa lên tàu đi chuyến công tác ra đảo với bề bộn công việc. Ông Hải hồ hởi chia sẻ: Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng Trường Sa thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”. Điều này thể hiện tầm tư duy chiến lược và tầm nhìn mới của Đảng và Nhà nước ta. Thực hiện mục tiêu này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho nhân dân huyện đảo Trường Sa mà còn cho cả nước. Muốn khẳng định chủ quyền, Trường Sa phải có vị thế xứng tầm ở Việt Nam và khu vực”.

Ông Hải cho biết huyện đảo Trường Sa đã có cảng, có nhà văn hóa, có khu tâm linh, trường học và đang xây dựng âu tàu, trung tâm hậu cần nghề cá. Trong tương lai không xa có thể thu mua và chế biến hải sản của bà con ngư dân đánh bắt ngay trên biển, không phải mang cá vào bờ. Huyện đảo Trường Sa và những vùng biển bao quanh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đó là tiền đề để phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch, khai thác nuôi trồng thủy sản, điện gió và điện mặt trời ngoài khơi... Huyện đảo giờ đây đã có thể tự cấp 50% điện nhờ khai thác năng lượng mặt trời...

Theo nhiều chuyên gia, để xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển, trước hết phải coi trọng khâu quy hoạch. Chúng ta chưa có quy hoạch biển, quy hoạch không gian sống, các vấn đề về kết cấu địa chất, thủy văn, sinh học... nhằm thu hút cư dân ra với biển đảo. Quy hoạch còn phải lựa chọn những ngành nghề phù hợp, chỉ có ở đảo mới làm được nghề đó, sản xuất ra những sản phẩm đặc thù. Mặt khác, do cần nguồn lực khổng lồ nên cần có cơ chế để thu hút nguồn lực của xã hội, trong đó kêu gọi nhiều doanh nhân tâm huyết với biển đảo chung sức đồng lòng xây dựng Trường Sa; chọn những nhà đầu tư tử tế, có tiềm lực để đầu tư vào huyện đảo với công nghệ phù hợp để khai thác tiềm năng thiên nhiên nơi đây như sản xuất điện.

Trước khi bước lên tàu đi công tác ra Trường Sa, nghe tôi hỏi “Đây chắc cũng là huyện phải đi công tác cơ sở xa nhất, đường đi tính bằng hải lý?”. Chủ tịch huyện Lê Đình Hải hồ hởi: “Tuy xa, nhưng Trường Sa được nhân dân cả nước luôn quan tâm và khi thành trung tâm kinh tế, xã hội văn hóa trên biển của cả nước thì xa lại hóa gần”.