Nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai, toàn tỉnh Đắk Nông nay có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để có con số này là sự nỗ lực, gắng gỏi không hề nhỏ trên chặng đường dài của một tỉnh nghèo trong bề bộn khó khăn.

Thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) vừa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) vừa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Có công góp công, có của góp của

Tới xã Đắk Nia, thăm trang trại măng cụt đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP Gia Ân rộng 20 ha của ông chủ Trần Quang Đông và trang trại sầu riêng 60 ha Gia Trung của ông chủ Nguyễn Ngọc Trung là hai cơ sở ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước càng thấy rõ tư duy mới, năng động trong sản xuất kinh doanh của những nông dân có kiến thức và ý chí làm ăn lớn. Ở nhiều xã NTM khác trong tỉnh, có thể cảm nhận được sự đổi thay từ đường sá, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà cửa diện mạo khang trang và tâm trạng phấn chấn của bà con. Để hoàn thành 19 tiêu chí NTM, với những địa phương có địa bàn đồng bằng thuận lợi vốn đã không dễ; với các xã địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, tập quán đặc thù và tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn vốn đầu tư hạn chế thì khó khăn trong con đường cán đích tiêu chí càng gấp bội.

Một bất cập khá phổ biến là nguồn kinh phí. Khối lượng, nội dung xây dựng NTM liên quan nhiều lĩnh vực, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn trong khi người dân một số địa bàn nhận thức còn hạn chế, coi xây dựng NTM là việc của các cấp chính quyền, chưa hiểu được vai trò chủ thể của mình và trông chờ, ỷ lại từ nguồn đầu tư của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ cơ sở cũng có những người kiến thức, nhận thức hạn chế nên quá trình thực hiện còn lúng túng...

Càng khó khăn càng phải nỗ lực. Chương trình hành động được triển khai với quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo từ tỉnh xuống các huyện, xã ở Đắk Nông. Trước tiên là đả thông để người dân thấu hiểu, đồng thuận. Cán bộ tổ chức họp lắng nghe tâm tư nhân dân, tuyên truyền vận động qua loa phát thanh, qua mạng xã hội, dán treo hình ảnh, phát tờ rơi…“Mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con thấy được tầm quan trọng, lợi ích, trách nhiệm của mình đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của. Tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, tinh thần tương thân tương ái lan tỏa, nhất là trong đợt dịch vừa qua. Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương cho biết các xã địa bàn đất rộng, thưa dân, tỷ lệ hộ nghèo cao thì vận động đóng góp rất khó khăn. Chúng tôi khuyến khích người dân hiến đất để mở đường, phát triển mạng lưới giao thông thôn, xã, cũng là tạo thuận lợi cho người dân đi lại phát triển kinh tế, giao thương. Ban đầu nhiều người chưa thông, nhưng qua thực tế có đường bê-tông thoáng đẹp, xe chở nông sản nhanh hơn, hiệu quả làm ăn rõ rệt, giá trị đất đai cũng tăng lên, họ hiểu được vấn đề, tự nguyện tích cực tham gia phong trào.

Sau hai năm về đích NTM, diện mạo xã Thuận Hạnh (Đắk Song) có nhiều đổi thay. Chủ tịch UBND xã Đoàn Thị Tốt phấn khởi bộc bạch, xây dựng NTM là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó và gắn bó chia sẻ cùng tháo gỡ với người dân. Công việc nhiều, động tới đâu cũng rối, đòi hỏi cán bộ phải năng động, nhiệt tình, xông xáo “miệng nói tay làm”, kiên trì tìm cách tháo gỡ cùng bà con. Đặc biệt vai trò của các trưởng thôn, các bí thư chi bộ là những người cắm chốt ba cùng với nhân dân là rất quan trọng. Trong cùng xóm, có hộ sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng, nhưng có hộ chưa thông kiên quyết không đóng góp. Cán bộ lại kiên trì giải thích, vận động để rồi các hộ đều nhận thức việc đóng góp xây dựng trước hết làm lợi cho chính gia đình mình. Có công góp công, có của góp của, nhiều hộ thấy hàng xóm đóng góp nhiều, bản thân mình cũng ý thức góp sức. Xã chưa có trường học nào đạt chuẩn quốc gia, kinh phí xây dựng lớn, nhưng rồi cuối cùng bài toán khó cũng tìm ra được lời giải.

Huy động được rồi nhưng chi tiêu thế nào để bảo đảm công khai, minh bạch, không thất thoát cũng là cả câu chuyện dài. Trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, bà con xã Thuận Hạnh đóng góp gửi tiền vào tài khoản của xã, khi cần rút tiền ra chi theo thực tế. Việc chi tiêu được bàn bạc dân chủ và thống nhất, có tổ giám sát cộng đồng và xã chỉ đứng ra làm “trọng tài”, thế nên chất lượng các công trình công cộng dân tự làm kinh phí thấp mà chất lượng tốt. Cán bộ xã khéo léo khích lệ, động viên, lại biểu dương kịp thời người dân nên khí thế thi đua giữa các thôn, buôn rất sôi nổi.

Chia sẻ của lãnh đạo các xã đã về đích NTM cho thấy, bài học kinh nghiệm là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, không nóng vội chạy theo thành tích mà phải thực chất và muốn bền vững phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân nâng cao sinh kế, nâng cao đời sống. Các xã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nguồn lực, thích ứng với điều kiện của xã mình, phân công rõ trách nhiệm, chủ động làm theo lộ trình, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, tăng cường kiểm tra giám sát nên triển khai thuận lợi. Thêm nữa, có sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ từ tỉnh, huyện và thành phố nên vướng mắc sớm được tháo gỡ. Với một số tiêu chí, nếu cộng đồng không tích cực tham gia sẽ khó hoàn thành và bao nhiêu tiền đổ vào cũng thành lãng phí. Khi hiểu rõ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình, người dân cùng nêu cao ý thức tự giác. Bà con vận động nhau tự phân loại rác, đổ rác tập trung, phát quang ngõ thôn, trồng hoa trước nhà, trong canh tác dùng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường...

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết: dẫu bộn bề khó khăn nhưng Đắc Nông xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ ưu tiên và triển khai càng sớm càng tốt để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh chỉ đạo triển khai ráo riết, quyết liệt và tập trung cao nguồn lực để cùng nhân dân sớm hoàn thành mục tiêu đề ra của chương trình.

Nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới -0

Anh Đào Văn Nga (thôn Thuận Bình, Thuận Hạnh, Đắk Song) nhận thấy chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều từ khi ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh | Mạnh Trường 

Quyết tâm “về đích”

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông Phạm Tuấn Anh chia sẻ, trong số 25 xã chưa được công nhận NTM sẽ phân loại, đánh giá đúng thực trạng, thấy rõ điểm yếu, tồn tại và cả thế mạnh, qua đó tập trung hỗ trợ các xã sắp hoàn thành đủ tiêu chí để sớm về đích NTM, các xã đặc biệt khó khăn cũng được dồn lực, tranh thủ tận dụng tích hợp khai thác các nguồn lực từ Trung ương, các nguồn vốn ODA; các xã đã đạt NTM phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Ba huyện Đắk R’Lấp, Đắk Mil và Cư Jút đang tăng tốc để hoàn thành NTM trong nhiệm kỳ này. Để hai xã Đắk Nia, Đắk R’Moan đạt NTM nâng cao, thành phố lập kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể, nêu rõ thành phố hỗ trợ gì, xã làm gì, huy động nguồn lực ra sao. Mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng thành phố quan tâm hỗ trợ để tiếp thêm động lực, hai xã cũng cố gắng phấn đấu đạt cao hơn chỉ tiêu được giao.

Thành công xây dựng NTM tạo đà thuận lợi xây dựng NTM nâng cao. Các xã tập trung khai thác tốt hơn các nguồn lực; dốc lực đầu tư một số tiêu chí trước đây khó thực hiện và nâng cao một số tiêu chí đang ở mức tối thiểu, phấn đấu sớm đạt NTM nâng cao. Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan Phạm Trung Đông hào hứng: xã đã đạt được 16 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, một số tiêu chí chưa đạt đang được nỗ lực triển khai. Xã đạt chuẩn NTM, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế, cán bộ vận động bà con mua bảo hiểm y tế, kêu gọi các mạnh thường quân và một số nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ, chia sẻ khó khăn.

Bí thư, Chủ tịch xã Đắk Nia Trần Đình Tuấn nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã chỉ đạt 4 tiêu chí, nhưng chung sức đồng lòng và quyết tâm cao, sau 7 năm đã về đích và để đạt NTM nâng cao đòi hỏi nỗ lực cao hơn. Giai đoạn 2010-2020, xã cơ bản xóa hộ nghèo, nhưng năm 2021 lại có 67 hộ nghèo vì tiêu chí hộ nghèo nâng lên. Bên cạnh khuyến khích bà con vươn lên thoát nghèo, xã đẩy mạnh giảm nghèo theo địa chỉ. Trên cơ sở phiếu điều tra hộ nghèo, hộ nào muốn hỗ trợ xây nhà xã kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ, cần công cụ lao động, bảo hiểm y tế cũng được đáp ứng. Một số hộ thấy giá đất lên cao bán đất, không còn công cụ sản xuất, nguy cơ tái nghèo cao, xã kịp thời tuyên truyền, “hạ nhiệt” tình hình. Để phát huy nghề dệt và nấu rượu cần, xã khuyến khích bà con thành lập tổ hợp tác. Các thành viên ngày thường làm ở nhà, ngày nghỉ cuối tuần tụ họp tại làng nghề dệt để phục vụ du lịch và tiếp thị sản phẩm. “Khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều, nhưng biết phát huy sức dân, tranh thủ các nguồn lực, rồi cũng về đích”, anh Tuấn khẳng định. Xây trường mới kinh phí lớn, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách, nhưng vẫn có thể kêu gọi bà con đóng góp, hỗ trợ xây cổng, tường rào, mua bàn ghế. Có gia đình chồng đồng thuận nhưng vợ chưa ưng hiến đất, cộng đồng thôn, bon dày công thuyết phục, tác động rồi mọi việc cũng dần êm xuôi.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp; vận động các nhà hảo tâm thiện nguyện, nhân rộng mô hình 5 đảng viên giúp 1 người dân, kêu gọi người dân đồng lòng ủng hộ, nhất là trong giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông, cải tạo nguồn nước ngọt...