Bài toán lao động trong phục hồi kinh tế

Hiện nay, cho dù tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì vấn đề phục hồi kinh tế vẫn cần được đặt ngay lên bàn nghị sự trước khi mọi chuyện trở nên quá chậm.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần May mặc Bình Dương (Thuận An, Bình Dương).
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần May mặc Bình Dương (Thuận An, Bình Dương).

Lý do là vì, để phòng chống dịch bệnh, đất nước ta đã phải phong tỏa không chỉ trên phạm vi rất rộng, mà còn trong thời gian rất dài. Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường, hàng triệu người đã bị thất nghiệp, nhiều chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Công cuộc phục hồi kinh tế, có lẽ sẽ gian nan, vất vả không kém so với công cuộc phòng chống dịch, nếu như không muốn nói là sẽ khó khăn, phức tạp hơn và một trong những vấn đề nan giải nhất là vấn đề lao động.

Nghịch lý lớn nhất của vấn đề lao động là chúng ta phải đối mặt với tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa.

Các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam sẽ thiếu hụt lao động một cách nghiêm trọng. Sự thiếu hụt này là hệ quả của việc hàng trăm nghìn lao động đã rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp về quê tránh dịch với tâm lý đầy lo âu vì sự bất ổn và những khó khăn, thiếu thốn mà họ đã phải đối mặt nơi “đất khách, quê người”. Tâm lý này sẽ không một sớm một chiều có thể khắc phục được. Mà đã như vậy, thì cho dù dịch bệnh có được khống chế, nhiều người vẫn chưa quay trở lại ngay.

Theo quy luật của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, có lẽ, cuối cùng rồi họ cũng sẽ quay lại với thành phố và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không có được câu trả lời chắc chắn là sau bao lâu họ mới làm điều này. Trong lúc đó, sản xuất công nghiệp khi đã kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi phải bảo đảm liên tục, không thể bị đứt gãy cho dù chỉ trong 1-2 ngày.

Thế nhưng, như đã nói ở trên, lao động nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Nơi thiếu thì làm cho sản xuất bị đình trệ, nơi thừa thì gây ra tình trạng thất nghiệp. Hình thành nên đội ngũ thất nghiệp là đông đảo những người chạy về quê trốn dịch, những người bị mất việc làm do các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc cắt giảm quy mô để vượt qua khó khăn vì đại dịch.

Một nguồn bổ sung lớn khác là đội ngũ những người dân lao động tự do làm 1001 nghề để kiếm sống như bán hàng rong, kinh doanh nhỏ lẻ... Một điều tra gần đây do VnExpress tiến hành và được hơn 69.000 người lao động trả lời cho thấy 62% trong số họ đang mất việc làm.

Với tình thế lưỡng nan như trên, một chương trình kích cầu kết hợp với bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết. Để kích cầu thì quan trọng là phải tăng cường đầu tư công. Đây là thời điểm Quốc hội nên nới trần nợ công để tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ số. Cách làm này vừa giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, vừa tạo ra nhiều việc làm mới.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ số chắc chắn sẽ là nền tảng không thể thiếu để kinh tế nước ta có thể phát triển vượt bậc về lâu dài.

Chi tiền ngân sách để bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết khi tỷ lệ người dân bị mất việc làm tăng cao như hiện nay. Hơn thế nữa, đây cũng chính là khoản đầu tư để phục hồi kinh tế. Làm sao có thể đẩy mạnh sản xuất, khi tổng cầu trên thị trường đang giảm? Rau quả, trứng thịt làm ra cho nhiều rồi bán cho ai?

Nhà nước cũng cần trợ giúp các doanh nghiệp trong việc vận động người lao động quay trở lại làm việc. Khi an ninh, an toàn được bảo đảm nhờ một chương trình phòng, chống dịch minh bạch, hiệu quả, thì khả năng thuyết phục người lao động chắc chắn sẽ cao hơn.

Cuối cùng, số lượng người dân làm nghề kinh doanh nhỏ lẻ là rất nhiều. Do bị phong tỏa kéo dài, những người này đã lâm vào tình cảnh hoàn toàn trắng tay. Không còn tiền vốn, họ không thể kinh doanh trở lại để kiếm sống. Nên chăng, một chương trình tín dụng nhỏ cần được thiết kế để trợ giúp những người này.

TS Nguyễn Sĩ Dũng