Không một ai ngoài cuộc

Lần đầu sau tám năm, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sắp diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ đánh giá những mục tiêu đề ra tại Paris năm 2015. Và bởi vậy, sự tham gia ở quy mô "chưa có tiền lệ" của khu vực tư nhân đang được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00

NGÀY 30/10, tại phiên thảo luận sơ bộ về các vấn đề chính liên quan đến công cuộc chống biến đổi khí hậu của thế giới, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber tuyên bố: COP28 sẽ mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia "với quy mô chưa có tiền lệ".

Tại phiên thảo luận kéo dài hai ngày, với sự tham dự của khoảng 70 bộ trưởng và 100 đoàn đại biểu đó, ông Jaber nhận định: Vấn đề tương lai của nhiên liệu hóa thạch sẽ có thể là vấn đề gây tranh cãi nhất tại COP28, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023. Song, như ông hé lộ, hơn 20 công ty dầu khí đã hưởng ứng lời kêu gọi của COP28, nhằm chấm dứt tình trạng phát thải khí methane vào năm 2030.

Chủ tịch COP28 khẳng định: Tính bao trùm là một nguyên tắc quan trọng của COP28, và do đó, ông tin tưởng: Sự tham gia của khối tư nhân ở mức độ chưa từng thấy sẽ đem lại cơ hội cho tất cả các nước.

một diễn biến song song, Ủy viên phụ trách Hành động Khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra cảnh báo: Việc đạt được thỏa thuận để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu đang cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng cũng khó khăn hơn bao giờ hết, trong bối cảnh tình hình địa chính trị ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế.

Vấn đề là, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), thế giới cần phải tăng mức năng lượng tái tạo lên gấp ba lần hiện tại, vào năm 2030. Ở mốc thời gian ấy, IRENA cũng lưu ý: Thế giới phải đạt mức đầu tư vào năng lượng tái tạo hằng năm là 1.300 tỷ USD, so mức 486 tỷ USD của năm 2022. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải "giảm tối đa rủi ro đầu tư và cung cấp khả năng tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp" ở các nước đang phát triển.

Nói như bà Valvanera Maria Ulargui Aparicio - Giám đốc Văn phòng Khí hậu của Chính phủ Tây Ban Nha: "Chúng ta cần giúp đỡ châu Phi và những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu thông qua những mục tiêu rõ ràng và cụ thể, nếu không chúng ta sẽ khó đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015".

Song, nguồn cung tài chính dành cho các dự án hỗ trợ chuyển đổi và thích ứng tại những cộng đồng dễ bị tổn thương ấy, cho đến nay, vẫn tiến triển rất chậm. Thí dụ, giai đoạn 2000-2020, khu vực châu Phi chỉ nhận được 2% trong tổng số 2.841 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

TỪ bối cảnh này, cộng thêm hiện trạng không ít chính phủ các nước phát triển hàng đầu thế giới cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt ngân sách, dưới những cái bóng u ám của nguy cơ khủng hoảng nợ công, giới quan sát quốc tế có thể hiểu vì sao Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber lại đặt nhiều niềm tin vào sự mở rộng quy mô tham gia của khối tư nhân đến vậy.

Như chính ông nhấn mạnh, những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ phải chú trọng cải cách các thể chế tài chính quốc tế, xây dựng thị trường carbon và khuyến khích đầu tư tư nhân, để có thể đạt được những giải pháp về hỗ trợ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD. Và báo cáo của IRENA bổ sung: "Có một nhu cầu cấp thiết là phải tăng cường quy hoạch cơ sở hạ tầng liên ngành, tăng cường hợp tác xuyên biên giới và phát triển lưới điện khu vực".

Một cách ngắn gọn, đối diện với vấn đề liên hệ trực tiếp đến khả năng tồn vong của loài người này, không còn bất cứ ai đứng ngoài cuộc được nữa. Không chỉ là sự chung tay góp sức cùng nhau giữa các quốc gia, các cộng đồng hay các châu lục, tính bức thiết của "sứ mệnh sinh tử" này đã hạ thấp cả những bức tường ngăn cách khu vực công với khu vực tư nhân.

Đơn giản, bởi vì quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến tất cả, không loại trừ một ai.