Khi trẻ nhút nhát

Con trai tôi năm nay học lớp 1. Cháu học hiểu bài, nhưng không khi nào chịu giơ tay phát biểu. Lý do chính là cháu rụt rè, nhút nhát. Từ trước cháu đã không chịu xuất hiện giữa đám đông nếu không có bố hay mẹ đi cùng, do vậy trước khi vào lớp 1 tôi đã phải chuẩn bị tâm lý cho con rất nhiều. Song, bây giờ đã vào học kỳ hai mà cháu vẫn chưa mạnh dạn.

Cô giáo hiểu đặc điểm này ở con tôi nên chủ động thường xuyên gọi cháu đứng dậy phát biểu, những khi đó con tôi vẫn trả lời câu hỏi của cô một cách lí nhí, diễn đạt khó khăn. Cô giáo gợi ý tôi đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý xem liệu cháu có bị tự kỷ không. Tôi khẳng định với cô là không. Bởi vì khi ở nhà cháu rất hồn nhiên, vui vẻ. Cháu thích nghe đọc truyện và trả lời những câu hỏi của bố mẹ một cách rõ ràng. Thậm chí cháu biết cách trêu đùa cho bố mình cười những khi thấy bố cáu gắt… Tôi phải làm gì để khắc phục tính nhút nhát của con mình?

Hồng Lam (lamhong…@gmail.com)

Bạn Hồng Lam thân mến! Việc một đứa trẻ nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ ở môi trường ngoài gia đình là biểu hiện tâm lý thường gặp. Bởi vậy bạn không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, để tính cách đó không biến thành trở ngại giao tiếp về lâu dài thì sự quan tâm của người làm cha mẹ ở tuổi thơ với cháu là rất quan trọng.

Để con bạo dạn, bạn nên tận dụng mọi cơ hội để con được giao lưu, như dẫn con sang nhà hàng xóm chơi, đến thăm bạn bè của bố mẹ, đi dạo chơi công viên, nơi có nhiều trẻ con vui đùa… Nếu có thể, hãy đưa con đến nhà bạn học cùng lớp chơi, dự sinh nhật và tới thăm cô giáo vào dịp lễ, Tết. Tăng cường sự giao lưu sẽ giúp con gần gũi, thân thiết, có sự tin tưởng với mọi người.

Bạn cũng nên thường xuyên đặt câu hỏi, gợi ra vấn đề để con trả lời, trình bày quan điểm. Khi con diễn đạt hãy lắng nghe nghiêm túc, chăm chú. Khuyến khích con tham gia các hoạt động của lớp, của trường. Đó là những cơ hội để con rèn luyện khả năng giao tiếp.

Cần động viên cháu mở lòng với thế giới bên ngoài, song hãy để việc đó diễn ra một cách tự nhiên, từ từ theo mức độ tiếp nhận, phản ứng và sự tự nguyện của con trẻ. Nên tránh la mắng con, bởi những lời quát tháo không làm cho con bớt rụt rè, trái lại càng khiến trẻ thu mình hơn vì thiếu tự tin. Hãy biết chỉ ra những ưu điểm của con và khích lệ. Được tin tưởng trẻ sẽ mạnh dạn thể hiện bản thân hơn. Đứa trẻ nào cũng có những điểm mạnh và cần được bố mẹ phát hiện, nuôi dưỡng để phát huy lòng tự tôn và bản lĩnh.

Hãy đồng hành cùng con. Tôi tin, sự quan tâm của bạn sẽ giúp con vượt qua trở ngại tâm lý, và trưởng thành theo thời gian.

Chúc bạn luôn khỏe và thành công!

Nguyên Hạnh