Khi người trẻ trở về

Những nhà khoa học trẻ trở về nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ban đầu để mở những lối đi mới cho nghiên cứu khoa học. Họ đã làm giàu kho tàng tri thức và luôn khát khao đem tri thức phụng sự đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu sinh tham gia thí nghiệm về chỉnh sửa hệ gen trên cây lúa.
Nghiên cứu sinh tham gia thí nghiệm về chỉnh sửa hệ gen trên cây lúa.

Khát khao cống hiến

TS Đỗ Tiến Phát, Phụ trách phòng Công nghệ tế bào thực vật, đã chia sẻ với tôi về 7 năm đi học ở Mỹ, 5 năm về làm việc tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và những thành công bước đầu trong nghiên cứu khoa học. Cũng như nhiều du học sinh khác, TS Đỗ Tiến Phát quyết định về nước vì tiếng gọi của gia đình, đồng nghiệp và sự trở về ấy đã giúp anh "đi" xa hơn trên con đường nghiên cứu. TS Đỗ Tiến Phát kể: Anh học sinh học nông nghiệp ở Trường đại học Missouri (Mỹ), rồi tiếp tục học sau tiến sĩ (Postdoc) của Trung tâm khoa học sự sống thuộc Trường đại học Missouri. Thời gian này, anh được tham gia nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hàng đầu về công nghệ gen và sinh học phân tử thực vật và từ đó tiếp cận công nghệ chỉnh sửa gen, phát triển rồi mang về Việt Nam. Ngay sau khi về nước, với sự hỗ trợ của cơ quan, đồng nghiệp, TS Đỗ Tiến Phát đã xây dựng nhóm nghiên cứu về chỉnh sửa gen tại Viện Công nghệ sinh học, kết nối, hợp tác với các nhóm nghiên cứu ở Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường đại học Thái Nguyên, hợp tác với các đối tác quốc tế tại Mỹ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Viện Lúa quốc tế IRRI... Sự kết hợp đã đem lại sức mạnh để nhóm tiến những bước vững chắc hơn. Đến nay, Viện Công nghệ sinh học và USTH là một trong những nhóm thành công đầu tiên ở Việt Nam về chỉnh sửa gen trên thực vật. Từ đó, cải thiện chất lượng hạt đậu tương, nâng cao tính kháng bệnh virus trên cây thuốc lá, cây đu đủ, nghiên cứu chức năng gen trên cây lúa, với các công bố quốc tế và những sản phẩm mang tính ứng dụng. Ngoài ra, nhóm tham gia đào tạo nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này. "Hạnh phúc nhất với người nghiên cứu được cử đi đào tạo là khi trở về có thể thích nghi, phát triển được những gì mình đã học và đóng góp một chút gì đó dù rất nhỏ cho nơi đã cử mình đi đào tạo", TS Đỗ Tiến Phát bộc bạch.

Lao động sáng tạo của những trí thức trẻ như TS Đỗ Tiến Phát là sự dấn thân, vượt qua nhiều khó khăn ban đầu để mở những lối đi mới cho khoa học, đem tri thức phụng sự đất nước. Tinh thần đổi mới sáng tạo đó cũng được thể hiện ở các bạn trẻ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST). TS Hoàng Anh Việt - nghiên cứu viên của Phòng công nghệ Năng lượng và Môi trường mới trở về nước sau 5 năm học thạc sĩ, tiến sĩ ở Nhật Bản. Về nước, anh đã đề xuất nhiều nghiên cứu giải quyết các vấn đề cấp thiết của môi trường Việt Nam. Đến nay, đã sắp hoàn thành nghiên cứu phát triển than hoạt tính từ bã cà-phê để xử lý chất độc trong nước; đang nghiên cứu hoàn thiện hệ thống xử lý nước nhiễm mặn, nhiễm phèn bằng công nghệ thẩm thấu ngược RO. "Ở Nhật Bản, tôi đã nghiên cứu khá thành công để xử lý, thu hồi crom và asen - là các chất độc gây ung thư - ở trong nước. Về nước, tôi tập trung phát triển vật liệu xử lý chất fluor với hàm lượng quá cao trong nước ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên gây ố men răng, đốm răng, mục răng, bào mòn răng người sử dụng. Than hoạt tính được làm từ các nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam là bã cà-phê, tiến tới sử dụng vỏ quả dừa, vỏ quả sầu riêng để tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp", TS Hoàng Anh Việt chia sẻ. Anh cũng ấp ủ nhiều dự định, chẳng hạn sẽ theo đuổi hướng thu hồi các kim loại quý như cobalt, nickel từ các bãi thải khai thác crom và từ pin thải của xe điện để làm nguyên liệu chính sản xuất pin trước xu hướng dùng xe điện hiện nay.

Khi người trẻ trở về ảnh 1

PGS, TS Nguyễn Xuân Nhiệm (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn học viên và cán bộ nghiên cứu.

Tại Việt Nam, môi trường nghiên cứu ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc khá lý tưởng, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ về nước. Ở đó đang dần hình thành những công nghệ nền tảng, bắt kịp các quốc gia tiên tiến để cung cấp các giải pháp chiếm lĩnh thị trường sản xuất công nghiệp. Nghiên cứu viên Nguyễn Đức Định dẫn tôi tham quan phòng thử nghiệm rô-bốt và giới thiệu những thiết bị do nhóm nghiên cứu của Phòng cơ điện tử thiết kế, chế tạo thành công. Con rô-bốt có thể tự chọn một điểm trên bản đồ để tự hành, đó là công nghệ nền tảng mà nhóm đang làm chủ, có thể ứng dụng cho sản xuất rô-bốt vận chuyển hàng, drone giao hàng... Trên bàn là một động cơ điện "to" hơn xe máy, nhưng "nhỏ" hơn ô-tô 4 bánh, cũng do nhóm thiết kế, chế tạo, đã được Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) kiểm nghiệm chứng nhận tương đương với thiết kế, chế tạo của họ.

Với sự ngưỡng mộ, Định cũng kể về người trưởng phòng đã rời cuộc sống 10 năm thành đạt tại Nhật Bản trở về Việt Nam, đi tìm từng sinh viên xuất sắc của Đại học Bách khoa lập nên nhóm nghiên cứu hiện nay, đó là thạc sĩ Phạm Duy Học, Trưởng phòng Cơ điện tử. "Anh ấy đưa cả gia đình trở về Việt Nam cũng bởi vì khát khao làm chủ các công nghệ lõi cho những ứng dụng quan trọng để cung cấp cho các doanh nghiệp và là nền tảng phát triển công nghệ của đất nước. Cả tuần anh ấy ở lại cùng nghiên cứu ngày đêm cùng nhóm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cuối tuần mới tranh thủ về với gia đình. Anh ấy dẫn dắt chuyên môn, lan tỏa tinh thần làm việc quyết liệt, cách sống chan hòa, sẻ chia đến mọi người", Định nói thêm.

"Nếu ở lại chỉ tốt cho riêng mình"

Một trong những lý do thu hút các nhà khoa học về nước, đó là môi trường nghiên cứu đã có nhiều thay đổi tích cực. Như TS Hoàng Anh Việt chia sẻ, anh đã tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên ngành và đam mê nghiên cứu của mình tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Chọn về nước, ngoài lý do gần gia đình, còn vì nhận thấy môi trường nghiên cứu đã phát triển hơn, khoa học và công nghệ được đầu tư hơn, đã có các quỹ tài trợ cho nghiên cứu, một số trường đại học có chương trình riêng tuyển sinh nghiên cứu sau tiến sĩ...

Một điều chắc chắn là những nhận thức rất sâu sắc về trách nhiệm cá nhân đối với xã hội của những nhà khoa học trẻ đã giúp họ lựa chọn đúng con đường khi trở về nước nghiên cứu. PGS,TS Nguyễn Xuân Nhiệm, Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ, sau 7 năm học tiến sĩ và sau tiến sĩ tại Hàn Quốc, anh từ chối cơ hội đi làm ở nước ngoài để quay về nước vừa nghiên cứu vừa đào tạo nhân lực chất lượng cao. Anh chia sẻ, nếu ở nước ngoài làm việc thì cuộc sống đủ đầy về kinh tế, nhưng chỉ tốt cho riêng mình. Về nước tham gia nghiên cứu và đào tạo sẽ nhân lên nhiều lần những giá trị tốt đẹp mà mình đã tích lũy được. Về nước năm 2014, đến nay, PGS,TS Nguyễn Xuân Nhiệm đã hướng dẫn 5 học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đang hướng dẫn cho 5 nghiên cứu sinh. Không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn, PGS,TS Nguyễn Xuân Nhiệm còn đào tạo kỹ năng, giáo dục nhân cách của người làm khoa học, bởi theo anh khoa học có thể lạc hậu nhưng nhân cách trường tồn mãi với thời gian. Cũng như nhiều nhà khoa học khác khi trở về nước, anh luôn giữ kết nối, hợp tác với các nhà khoa học ở Hàn Quốc - nơi mình từng nghiên cứu; mỗi năm, anh quay lại đó từ 3-6 tháng để hợp tác, gửi học viên sang đào tạo, hoặc mời các giáo sư về giảng dạy ở Việt Nam. Anh tâm niệm, nhiều thế hệ các nhà khoa học như Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam đã tiên phong mở lối hợp tác, phát triển khoa học với các nhà khoa học nước ngoài, hay người Việt Nam ở nước ngoài, vì vậy những người đi sau như mình có trách nhiệm kế tục, phát triển. Mỗi người đi mở thêm một chút, thành lối mòn, rồi có ngày thành đại lộ để bồi đắp, nâng cao tiềm lực nguồn nhân lực khoa học, công nghệ cho Việt Nam.

Nói về những dự định trong tương lai, các nhà khoa học đều cho rằng, phát triển được công nghệ mình nghiên cứu để ứng dụng cho phát triển đất nước là điều mong mỏi nhất. Như lời TS Đỗ Tiến Phát, một số sản phẩm từ chỉnh sửa gen đã được Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... chấp nhận sử dụng. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang tiếp cận vấn đề này, hy vọng sắp tới, sẽ có chính sách cụ thể để các sản phẩm nghiên cứu đến được với các nhà sản xuất, phục vụ trực tiếp cho cộng đồng. Như thế thì các nghiên cứu mới có ý nghĩa trọn vẹn. Các nghiên cứu viên trẻ ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc cũng khẳng định những gì mình đang làm là vì mục tiêu lớn hơn của ngành khoa học, công nghệ trong nước, dù cho thu nhập chưa tốt như làm việc ở các doanh nghiệp.

Những điều các nhà khoa học trẻ đã và đang theo đuổi khiến chúng ta tin rằng, với sự dấn thân, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đổi mới của những người trẻ, chắc chắn một ngày không xa sẽ có những sản phẩm công nghệ mới, những giá trị mới, góp phần tạo nên sức bật mới cho đất nước.