Khi người dân là "nhà tài trợ" chính

Trên bảng xếp hạng chất lượng y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Singapore xếp thứ sáu, và là đất nước đứng đầu khu vực châu Á về dịch vụ y tế. Thiết lập một chiến lược quản lý công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế cho người dân hiệu quả là điều Chính phủ Singapore đã làm được từ nhiều năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Y tế Singapore nổi tiếng tới mức du lịch y tế cũng là một dịch vụ hút khách đến đất nước này. Trong ảnh: Hệ thống bệnh viện Singapore General Hospital.
Y tế Singapore nổi tiếng tới mức du lịch y tế cũng là một dịch vụ hút khách đến đất nước này. Trong ảnh: Hệ thống bệnh viện Singapore General Hospital.

Một đầu mối, nhiều lựa chọn

Tại Đảo quốc Sư tử, dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu được cung cấp qua mạng lưới các phòng khám đa khoa-bệnh viện công và phòng khám tư nhân. Trong đó, phòng khám đa khoa được chính phủ trợ giá, với các loại hình dịch vụ khá toàn diện: khám và điều trị ngoại trú, khám sức khỏe và sàng lọc bệnh, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về sức khỏe, tiêm chủng,… Hoạt động của loại hình phòng khám đa khoa có chung nguyên tắc "một điểm dừng", tức mọi nhu cầu như xét nghiệm, chẩn đoán, mua thuốc sẽ được thực hiện tại duy nhất một cơ sở y tế. Bên cạnh đó, công dân dưới 18 và trên 65 tuổi sẽ được giảm giá tới 75% phí tham vấn cũng như điều trị, và 50% là mức trợ giá dành cho tất cả công dân. Bởi vậy, dù có số lượng lớn bệnh viện tư, người dân vẫn thường lựa chọn đến thăm khám tại các bệnh viện công.

Khác biệt lớn nhất tại các cơ sở bệnh viện công lập Singapore có lẽ nằm ở việc có nhiều hạng phòng bệnh, cung cấp chất lượng dịch vụ khác nhau phù hợp nhu cầu của người dân. Thí dụ, phòng hạng A có phòng riêng, bao gồm phòng tắm riêng, lựa chọn bác sĩ, thì phòng C bệnh nhân sẽ ở chung phòng với 7 hoặc 8 người khác. Tất nhiên, mức trợ giá của chính phủ chỉ dành cho hạng phòng C.

Để bảo đảm khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người dân tại đất nước này bắt buộc phải có tài khoản tiết kiệm dành cho y tế mang tên Quỹ Phòng xa Trung ương (CPF), ngay từ khi bước vào độ tuổi lao động. Cụ thể, 20% tiền lương hằng tháng của người lao động sẽ được đưa vào CPF, thêm 17% được góp từ chủ sở hữu lao động.

Số tiền tích lũy (37% tiền lương hằng tháng) sẽ được chia thành ba khoản nhỏ: tài khoản thông thường - dành cho nhà cửa, tử tuất, bệnh tật, đầu tư, giáo dục; tài khoản đặc biệt - dành cho khoản tích lũy hưu trí; tài khoản trung gian - dành cho chi phí chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế. Tỷ lệ phân bổ tiền vào các tài khoản này sẽ thay đổi tùy vào độ tuổi của người lao động.

Khoản tiết kiệm này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân trang trải chi phí chuyên khoa tốn kém. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, khiến họ có lựa chọn sử dụng tốt nhất với số tiền tích lũy của chính mình. Đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng thanh toán chi phí y tế, Chính phủ Singapore sẽ sử dụng nguồn tiền từ Medifund (quỹ đầu tư của Nhà nước). Có thể nói, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore được chính người dân tài trợ. Các giải pháp tài chính đó do Bộ Y tế quản lý, cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan.

Vai trò định hướng

Để tăng tính cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, Chính phủ đã thành lập doanh nghiệp Tập đoàn Y tế quốc gia- là công ty "mẹ" của các tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo đó, các bệnh viện công đều được cổ phần hóa với hệ thống kế toán thương mại, phải công khai chi phí hoạt động, chấp hành các quy định về tài chính và chịu trách nhiệm giải trình khi cần thiết.

Kinh phí của bệnh viện công tại Singapore bao gồm: khấu hao trang thiết bị, chi phí tài sản cố định được đăng ký trước và tính vào ngân sách hằng năm, sau đó mới tới nguồn thu phí bệnh nhân và tài trợ của chính phủ. Bộ Y tế luôn triển khai giám sát chặt chẽ tỷ lệ thu hồi chi phí đối với các dịch vụ khác nhau của bệnh viện để bảo đảm doanh thu tổng thể của họ không quá cao. Các bệnh viện công sẽ phải tự giác chấp hành nghiêm việc chi tiêu và không có quyền tự ý tính thêm phí của bệnh nhân để bù đắp bất kỳ khoản thiếu hụt nào.

Đồng thời, Chính phủ Singapore sẽ công bố thông tin về các giao dịch của cả bệnh viện công lẫn tư, các chi phí nghiệp vụ để khuyến khích công dân quan tâm đến giá cả, có nhiều sự lựa chọn, đồng thời kích thích tính cạnh tranh về giá giữa các bệnh viện.

Ngoài ra, Singapore cũng có nhiều chương trình tài trợ, hỗ trợ bổ sung cho các gia đình có thu nhập thấp và người cao tuổi sinh ra và lớn lên vào thời kỳ lập quốc.

Nhìn chung, nguyên tắc của các chương trình y tế quốc gia tại đất nước này là không có dịch vụ y tế nào được cung cấp hoàn toàn miễn phí, ngay cả trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hệ thống chính sách được thiết kế với mục đích giảm việc lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết. Bộ Y tế có trách nhiệm công bố các tiêu chuẩn phí điều trị (cả công lập và tư nhân) thường xuyên và minh bạch, giúp bệnh nhân ước tính được kinh phí họ phải trả cho dịch vụ, đồng thời người dân cũng có thể giám sát hoạt động của các bệnh viện. Nhờ đó, công dân sẽ luôn ý thức việc giữ gìn sức khỏe bản thân, và cân nhắc rõ ràng trước khi đến một cơ sở khám, chữa bệnh nào đó.