Khai thác tiềm năng vùng đất mở Kim Sơn

Năm qua, sản lượng thủy, hải sản nuôi trồng đạt 28.500 tấn, sản lượng khai thác 5.000 tấn, đó là một trong những điểm nhấn điển hình phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Các tiềm năng lợi thế về sản xuất giống, nuôi trồng theo hướng sản xuất tập trung được khai thác hiệu quả kết hợp chú trọng quản lý đất đai vùng bãi bồi, tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, trồng, bảo vệ rừng; huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch sinh thái biển là đòn bẩy để tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế biển, nhất là khi Nghị quyết của tỉnh được ban hành.
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi tôm, nuôi ngao làm giàu ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn.
Nuôi tôm, nuôi ngao làm giàu ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn.

Làm giàu, thoát nghèo từ nuôi trồng thủy sản

Con đường ra Cồn Nổi qua những xóm làng trù phú của ba xã giáp biển của huyện Kim Sơn, những chòi nuôi trồng thủy sản giữa mênh mông nước. Nhớ lại buổi đầu ba xã mới của huyện Kim Sơn được thành lập là Kim Hải (1986); Kim Trung (1994); Kim Đông (1997), đời sống nhân dân buổi ban đầu muôn vàn khó khăn bởi chỉ trông chờ vào trồng cói, lúa một vụ, trong khi đất bị xâm nhập mặn và năng suất cây trồng đã kịch trần.

Từ cuối năm 2001, Chính phủ phê duyệt phương án bổ sung chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III từ trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản đã mở ra hướng đi mới, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất mở. Vượt qua rào cản và tâm lý e ngại ban đầu, bà con tích cực tới các tỉnh học hỏi mô hình, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Thất bại không chùn bước, các hộ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nắm bắt cách chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, thay đổi tư duy làm ăn, quản lý kinh tế.

Hằng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình phối hợp các xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ mới. Nuôi trồng thủy sản đỡ vất vả, không tốn nhiều lao động, thời gian thu hoạch và thu hồi vốn nhanh, thu nhập lại cao, đời sống bà con khấm khá hơn. Trước đây, nhiều hộ còn nuôi quảng canh nay đẩy mạnh nuôi công nghệ cao, không chỉ nuôi hàu, ngao, tôm sú mà còn mở rộng nuôi tôm thẻ chân trắng, cua xanh và gần đây là cá chạch, giắt, sò huyết giống, cá kèo... Một số hộ còn mạnh dạn đầu tư nuôi trái vụ, tuy sản lượng ít nhưng giá trị tăng cao.

Là một trong những người nuôi tôm sú đầu tiên ở xã và từng nếm trải thất bại buổi đầu, Chủ tịch UBND xã Kim Hải Phạm Văn Minh đúc rút, phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật, quy trình, thời gian nuôi trồng để giảm thiểu rủi ro. Các hội viên hợp tác xã, tổ liên kết thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, quy mô đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, cải tạo ao đầm, lựa chọn con giống phù hợp, ứng dụng khoa học để thành công.

Đón bắt xu hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn đã có nhiều cơ chế chính sách, nâng mức hỗ trợ tạo điều kiện kích cầu sản xuất. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu lớn, nhất là nuôi tôm công nghệ cao. Để tháo gỡ nút thắt khó khăn này, không ít hộ được xã bảo lãnh vay ngân hàng tới 1 tỷ với một trang trại sản xuất từ 1ha trở lên, trong khi mức cao nhất trước đây chỉ 300 triệu đồng.

Được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, nhiều hộ phấn khởi mạnh dạn phát triển thêm mô hình, mở rộng diện tích nuôi trồng. Xã Kim Đông có 788/1.117 hộ nuôi trồng thủy sản trên 431ha, xã Kim Trung có gần 600 hộ nuôi trồng trên diện tích gần 300ha, gần một nửa hộ dân xã Kim Hải nuôi trồng thủy sản. Hàu giống được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh miền trung.

Chất lượng dinh dưỡng ngao thương phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước mà được chứng nhận đứng trong top đầu thế giới, một công ty đặt vấn đề cam kết bao tiêu toàn bộ cao hơn giá thị trường phục vụ chế biến xuất khẩu. Tín hiệu đáng mừng đó để người nuôi trồng yên tâm hơn về “đầu ra” và giấc mơ con tôm Kim Sơn có mặt ở châu Âu sớm trở thành hiện thực.

Khai thác tiềm năng vùng đất mở Kim Sơn ảnh 1

Từ khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, đời sống bà con các xã ven biển
ngày càng nâng cao.

Thực tế minh chứng, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản chính là hướng làm giàu, thoát nghèo. Từ các xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Sơn nay trở thành xã giàu có, xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú, chủ trang trại trẻ. Chủ tịch UBND xã Kim Trung Vũ Trường Thu bộc bạch, kinh tế khấm khá hơn, việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn nhiều, diện mạo xã nhà ngày càng khang trang.

Tuy nhiên, băn khoăn còn không ít. Hiện nay “đầu ra” chủ yếu qua thương lái, dễ bị ép giá nên các hộ dân mong muốn có doanh nghiệp lớn bao tiêu sản phẩm để thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó là hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất, quản lý và vận hành bảo đảm môi trường, nâng cấp hệ thống thủy lợi (hiện nay vẫn là kênh đất).

Hướng tới phát triển bền vững cũng đòi hỏi cách làm thật sự quy mô, bài bản hơn; tính toán quy hoạch lại vùng nào nuôi quảng canh, vùng nào nuôi công nghệ cao để xử lý, điều tiết nước tưới tiêu thuận lợi hơn, tạo điều kiện khuyến khích các hộ phát triển thêm những mô hình mới. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước để người dân yên tâm đầu tư sản xuất ổn định, từ đó tăng nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, một số hạn chế cũng được thẳng thắn chỉ rõ như công tác quy hoạch, quản lý đất đai vùng bãi bồi ven biển còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng nội vùng ít được đầu tư, chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương trong và ngoài tỉnh; thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính đột phá để khuyến khích thu hút các nguồn lực phát triển các ngành kinh tế biển...

Tầm nhìn xa để phát triển bền vững

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn giai đoạn 2022-2030 với chủ trương “đúng” và “trúng” góp phần khắc phục hạn chế, bất cập, giải tỏa những băn khoăn, trăn trở và tiếp tục định hướng phát triển, mở hướng đi mới với quy mô bền vững, lộ trình cụ thể, thoát khỏi tư duy và cách làm tự phát, manh mún. Các phòng, ban của huyện và các xã khẩn trương vào cuộc, chủ trương, chính sách nhanh chóng lan tỏa tới từng đảng viên và các hộ dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, là huyện duy nhất trong tỉnh giáp biển có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, mục tiêu đề ra là xây dựng vùng kinh tế ven biển Kim Sơn thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh. Phát triển theo hướng khu kinh tế tổng hợp, dựa trên nền tảng khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của vùng, với trọng tâm là nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, thương mại ven biển; từng bước phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Công tác quy hoạch đang được khẩn trương triển khai từ quy hoạch vùng tới phân khu, quy hoạch không gian biển theo hướng mở rộng và phát triển bền vững. Cả khối lượng lớn công việc cũng cần tập trung xúc tiến như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với các vùng kinh tế động lực khác của tỉnh Ninh Bình và các vùng biển của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ; hạ tầng dịch vụ du lịch sinh thái biển, hạ tầng thủy lợi; hoàn thành cắm mốc giới, phân định ranh giới quản lý hành chính trên phạm vi không gian biển với các tỉnh lân cận và giữa các xã ven biển thuộc huyện Kim Sơn, xây dựng hình thức sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao và hiện đại hóa nông thôn; tạo cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư các nguồn lực xã hội, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Trong tương lai, cùng với tuyến đường ven biển liên kết với các khu kinh tế biển, khu du lịch biển của Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa; khu đô thị ven biển, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từng bước hình thành tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách, hứa hẹn nhiều thế mạnh được phát huy.

Trên đà thắng lợi những năm qua, mục tiêu đặt ra trong năm nay phấn đấu sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản đạt 33.600 tấn, đến năm 2030, diện tích nuôi thủy sản đạt 3.358ha; sản lượng đạt 48.400 tấn; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung, nuôi thủy sản công nghệ cao, hạ tầng Trung tâm sản xuất giống thủy sản (nhuyễn thể: hàu, ngao) quốc gia.

Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Đinh Việt Dũng chia sẻ, đòi hỏi đặt ra là phát triển vùng kinh tế ven biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội, giữa lợi ích của người dân và các bên liên quan. Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự chung sức của người dân Kim Sơn năng động, cởi mở, cần cù, nhiều tiềm năng của vùng đất mở sẽ tiếp tục được khai phá.