Nếu việc điều tiết các không gian mang tính chất lễ hội không được thực hiện tốt, những mối lo về nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra. Nghĩa là, rất cần sự phỏng đoán, ước chừng lượng người, phương tiện, khả năng di chuyển… để có những sự chuẩn bị, phương án sắp xếp, điều phối phù hợp, cũng như cần có các kịch bản ứng phó linh hoạt. Dù rằng, sẽ không bao giờ có thể chuẩn xác tuyệt đối, nhưng việc dự phòng, dự tính để có nguồn nhân lực, phương tiện đáp ứng là yêu cầu tiên quyết nhằm hạn chế đến mức tối thiểu nguy cơ xảy ra va chạm, chen lấn, giẫm đạp.
Liên hệ ngay khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội tối 24/12/2022 và Hồ Gươm tối 31/12/2022 vừa qua sẽ thấy: Lượng người tập trung quá đông và ngày càng đông đến mức chen chúc; cảnh dồn ứ người diễn ra không chỉ ở khu vực trung tâm như quanh nhà thờ hay sân khấu ca nhạc mà ngay ở các phố lân cận với bán kính hàng cây số; trong khi vẫn tiếp tục có những dòng người, xe từ nhiều hướng đổ về các trung tâm này. Đáng chú ý, rất nhiều vỉa hè và cả lòng đường đã bị trưng dụng làm nơi gửi ô-tô, xe máy, khiến không gian di chuyển càng hẹp lại, càng chậm, càng ùn tắc. Hoặc, ở khu vực có biểu diễn, diện tích chủ yếu dành tập kết lượng khán giả đông đảo, còn các lối đi dành cho dòng người di chuyển lại quá chật hẹp, dẫn đến đã vào được rồi thì rất khó, rất lâu thoát được ra.
Đó là một hai thí dụ thực tế và mới nhất, đánh động về nguy cơ không nhỏ cho dịp Tết Nguyên đán tới, khi sẽ rất đông người dân tập trung về các không gian tôn giáo, tín ngưỡng, và tiếp đó, là các không gian lễ hội trong mùa lễ hội. Mà tại những không gian này, rất cần nhớ rằng, sẽ luôn thường trực các nguy cơ về hỏa hoạn khi liên tục có thắp hương, nến, đốt vàng mã; nguy cơ mất an toàn khi ở địa bàn núi đá chênh vênh hoặc vùng sông hồ; nguy cơ ùn tắc, va chạm khi không gian đô thị nơi có lễ hội đã càng trở nên chật chội… Có thể hình dung nhiều trường hợp khác nhau về nguy cơ thảm họa khi chẳng may xảy cháy, khi có va chạm xuồng bè, khi chẳng may có tin đồn nhảm lan truyền trong đám đông gây hoảng sợ, hoang mang, mất bình tĩnh… Khi đó thì thiệt hại thật khó lường!
Bởi thế, hướng tới một cái Tết an toàn, và có an toàn thì mới có vui tươi, lành mạnh, sẽ là không thừa khi các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức, duy trì các hoạt động mang tính chất lễ hội, trình diễn nơi công cộng, sự kiện có quy mô đông người… nghiên cứu, tính toán các phương án quy hoạch các hoạt động, điều tiết không gian, dòng người lưu chuyển, các phương tiện và lực lượng cứu hỏa, y tế, cứu thương và các tình huống điều phối, tiếp ứng khi chẳng may xảy ra sự cố.
Chính thực tế những ngày qua đang đưa ra những đòi hỏi rất cụ thể và cần sát thực chứ không còn là cảnh báo. Nên nhìn lại để thấy việc này là cấp bách chứ không phải là quá lo xa!