Chuyện đời-Chuyện nghề

Họa sĩ Trần Ðốc: Ngoài tám mươi vẫn say mê sáng tạo

Chúng ta đã biết nhiều đến tên tuổi các họa sĩ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Nhất là 20 năm trở lại đây qua truyền thông chúng ta còn biết đến nhiều hơn những tên tuổi của các họa sĩ trẻ, với lượng tranh không nhỏ được nằm trong các bộ sưu tập trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ký họa chân dung họa sĩ Trần Đốc của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung họa sĩ Trần Đốc của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Nhưng, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một số tên tuổi khác còn khuất lấp vì nhiều lý do.

Trong bài viết này, tôi muốn nhắc đến họa sĩ Trần Đốc, nguyên giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Tìm hiểu về các tác phẩm của ông, đầu tiên phải nói đến bức sơn mài 3m x 1,2m với tựa đề “Lễ hội ngàn năm”, từng triển lãm tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Đây là một thí dụ về sự sáng tạo một cách xuất sắc những gì ông học từ người thầy của mình - họa sĩ Nguyễn Đức Nùng.

Bức tranh miêu tả sinh động vẻ đẹp tôn nghiêm của lễ hội ngàn năm với các hình thái; võ, trống giàn, múa rồng, múa quạt, múa nón... và với các biểu tượng của chiều dài lịch sử kinh đô nước Việt: Khuê Văn Các, Gò Đống Đa, Tháp Rùa cổ kính, Bút Tháp, khu phố cổ, Cột Cờ, Nhà hát Lớn... hay các di tích bi hùng: phố Khâm Thiên, nhà tù Hỏa Lò, xác máy bay B52... rồi bản trích “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn.... Bằng thủ pháp đồng hiện, các chi tiết được sắp xếp hợp lý nhiều gợi cảm cộng với tài năng xử lý không gian và ánh sáng của họa sĩ, làm nổi bật không khí lễ hội. Đứng trước bức tranh, tôi khá ngợp, thấy vô cùng xúc động, thêm yêu vùng đất, con người Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.

Ngoài ra, ông còn nhiều tác phẩm có giá trị khác. Tranh ông mang nhiều cảm xúc với Hà Nội. Hình ảnh Thủ đô trong chiến đấu trong “Khoảnh khắc bình yên” (khắc gỗ,1996) Giải khuyến khích của Hội Mỹ thuật Hà Nội. Hình ảnh lãnh tụ dân yêu trong “Bác Hồ thăm cầu phao Sông Hồng” (sơn dầu,1985), hay hình ảnh người dân và phố phường thời chiến tranh trong “Hà Nội đêm Noel 1972” (1999). Mảng đề tài khác về Hà Nội với những sự tích “Chuyện tình thành Cổ Loa”, “nữ sĩ Hồ Xuân Hương”... được ông sáng tác với phong cách thể hiện độc đáo, tinh tế.

Hiện thực (vật chất/vật lý) chỉ là cái cớ, ông coi vạn vật có hồn, tranh của ông thể hiện cái hồn của sự vật mà ông cảm thấy Tôi cũng rất thích những bức “Thuyền Cát Bà” (90x120cm, sơn mài, 1992) hay “Chợ Bắc Hà” (Huy chương Đồng tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1995). Toàn cảnh phiên chợ vùng cao được ông thể hiện theo phong cách của riêng mình, thật mà ảo, rất sống động, có tính nhịp điệu, cảm giác như có âm thanh của tiếng sáo mèo, tiếng khèn môi....

Trần Đốc đặc biệt thành công với những tác phẩm về đề tài chiến tranh: Bức sơn mài “Đông Hà 1972”, đạt giải A Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc chào mừng 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân và Lực lượng vũ trang Việt Nam năm 1994, được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải A-1994, giải nhì-1995 và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh sơn mài của Trần Đốc cho người ta thấy cái thăm thẳm của then đen, cái lung linh của son đỏ, cái lấp lánh của cánh gián... được ông hòa sắc rất tài tình. Ngoài bức “Thuyền Cát Bà”, tranh ông thường rất kiệm vàng. Khi được sử dụng, vàng được nhấn vào những chi tiết “rất đắt” trên mặt tranh. Cẩn thận từ dựng hình, bố cục vô cùng khỏe khoắn, không lệ thuộc vào khuôn mẫu và các ràng buộc của “chủ thể đặt hàng”, ông tung tẩy tự do tung hoành trong cảm xúc đã chín của mình đặt những mảng mầu táo bạo và liều lĩnh. Dùng mầu chắc tay, trí tưởng tượng tốt, kỹ thuật mài như vẽ, điêu luyện... mỗi tác phẩm của ông là một đứa con đầy yêu thương và tự hào, là một thành công, một giá trị. Có người nói, xem tranh của ông cảm giác thấy tiếng nhạc, thấy cả tiếng gió, tiếng ngựa hý trong cái không gian đầy lãng mạn, kỳ ảo.

Họa sĩ Trần Đốc là một tấm gương về tinh thần tự học. Ông mê đàn, họa từ nhỏ, nhưng không có điều kiện theo học nhạc, ông tự học vẽ. Kiếm được cuốn sách dạy vẽ của Nguyễn Văn Tỵ, ông theo đó mà tự học từng ngày. Để luyện hình họa (anatomy) ông cởi áo, soi gương, vẽ nghiên cứu hình thể (trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam không ít người tự học như thế trước khi theo học chính quy, rồi sau rất nổi tiếng như Thang Trần Phềnh, Nam Sơn-Nguyễn Vạn Thọ, Nguyễn Đức Thục...).

Vào Bộ đội Công binh năm 1959, ông làm đủ các việc của một người lính chiến trường, nhưng không bao giờ quên cây bút vẽ. Ông vẽ tất cả những gì ông thấy thích trên những mảnh giấy một mặt bỏ đi của đơn vị, hay trên các chất liệu mà ông có được... Song song với việc thành lập đội tuyên văn (ca, múa, nhạc), Trần Đốc, Thành Chương, và Tường Huân được lãnh đạo Bộ Tư lệnh công binh giao nhiệm vụ xây dựng phong trào Bộ đội Công binh vẽ. Không quy trình quy phạm, nhưng những người lính yêu hội họa, tự học lại được thỏa sức tung hoành với năng khiếu và bản năng mạnh mẽ trời cho, với một nhận thức lãng mạn không giới hạn, họ vẽ với sự phóng khoáng hào sảng.

Cuộc triển lãm lần đầu về phong trào Bộ đội Công binh vẽ được mở ra ở Hàng Đào, Hà Nội đã gây tiếng vang lớn. Trong một buổi hội thảo, họa sĩ Văn Đa đã thốt lên: “Với triển lãm này, người lính công binh đã cho nổ một quả bom giữa giới mỹ thuật”. Hình tượng người lính trong chiến đấu, những chuyến xe bộ đội qua, những cây cầu người lính bắc, những giao thông hào nơi tuyến lửa... đã đi vào tác phẩm. Những bức tranh bằng mầu nước, bột mầu, chì than ấy khích lệ không nhỏ tinh thần chiến sĩ. Từ tiếng vang cuộc triển lãm tranh của Bộ đội Công binh, phong trào Bộ đội vẽ, vẽ bộ đội lớn mạnh và lan tỏa ra toàn quân... Tại triển lãm, khi xem tranh Trần Đốc, đồng chí Trường Chinh có gợi ý với lãnh đạo nên cho Trần Đốc đi đào tạo chính quy.

Khóa thi năm 1970, ông đã trúng tuyển vào Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năng lực chuyên môn của sinh viên Trần Đốc lọt vào mắt thầy Trần Đình Thọ. Thầy Thọ và Ban Giám hiệu muốn giữ Trần Đốc ở lại trường giảng dạy nhưng quân đội cũng giữ Đại úy Trần Đốc ở lại với phong trào bộ đội vẽ... Một thời gian sau, khi đất nước hòa bình, vai trò người lính đã hoàn thành rồi, Trần Đốc mới quay lại làm giảng viên, chính thức bước lên bục giảng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Vừa giảng dạy, vừa sáng tác, họa sĩ Trần Đốc cũng như các giảng viên yêu nghề và yêu người, ông đã truyền lửa cho lớp lớp học sinh niềm say mê, sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Ông mong muốn bằng ngôn ngữ tạo hình của người họa sĩ, hướng con người tới vẻ đẹp chân-thiện-mỹ. Nguồn cảm hứng sáng tác của ông dường như vô tận. Như đã nói, ông là người có bản năng mạnh, có ý chí, sự say mê để đi đến cùng điều mình muốn và đồng thời ông cũng là người rong chơi bất tận. Điều này tưởng như mâu thuẫn, nhưng lại rất logic.

30 năm vẽ người lính, là người lính vẽ, ông vẽ cái ông nung nấu, ông thấy đẹp, ông thấy đó là cái cần được ca ngợi, cần được lưu giữ, hàng trăm ký họa về người lính, về chiến trường... có giá trị vì thế hiện vẫn sống động ở kho lưu trữ của ông. Những tác phẩm lớn được hình thành từ niềm say mê và cảm hứng tuyệt đối về cái đẹp của ông đã đem đi thi, trưng bày thì đạt giải. 20 năm trên giảng đường ông cũng truyền cho học sinh quan điểm thẩm mỹ của mình rằng: kỹ thuật chỉ là phương tiện để chuyển tải cảm xúc. Phải học thật tốt để có kỹ thuật, nhưng kỹ thuật phải được dựa trên nền tảng của tư tưởng và cảm xúc, từ đó cái riêng, cái sáng tạo mới có giá trị mang dấu ấn cá nhân.

Những bức tranh của ông có vẻ liêu trai, hình họa rất vững nhưng được làm nhòa mờ trong không gian mầu và ánh sáng. Kỹ thuật phương Tây đấy nhưng thể hiện lại nhiều chất phương Đông, khiến nó trở nên độc đáo. Bậc thầy người Pháp, họa sĩ Oliver Debre trong một lần sang Việt Nam bắt gặp tranh Trần Đốc đã rất thích thú vì sự đồng điệu trong quan niệm thẩm mỹ, về hài hòa biểu cảm đông-tây...

Trong thời bình, ông muốn dựng hình tượng mới, đó là thân thể của phụ nữ, vẻ đẹp mà tạo hóa ban cho nhân loại. Vẫn trung thành cách biểu hiện: thật trong ảo và ngược lại, ông ấp ủ một “câu chuyện tượng hình dài về Kiều”. Kiều với các cung bậc tình cảm trải dài một số phận, cũng đồng thời là thân thể người đàn bà qua số phận đó, cuộc đời đó... bằng chất liệu sơn mài...

Họa sĩ Trần Ðốc: Ngoài tám mươi vẫn say mê sáng tạo ảnh 1

Tác phẩm Tiên Dung Chử Đồng Tử, chất liệu sơn mài Tranh Trần Đốc.

Đã ngoài tám mươi tuổi, Trần Đốc vẫn sống đầy đam mê và tiếp tục những dự định sáng tạo. Thật là táo bạo. Và cũng thật là... liều lĩnh. Phải chăng đó là bản chất của sáng tạo?

Trần Đốc là thế.