CHUYỆN QUANH TA

Hạnh phúc nhen lên từ nỗi đau

NDO - Trước mắt tôi là người đàn bà vận chiếc quần lụa được vấn chặt để lộ ra đôi chân gỗ mầu vàng. Năm nay chị đã bước sang tuổi thất thập và đã hơn 40 năm chị nằm trên chiếc giường gỗ mộc đơn sơ này không chỉ chiến thắng số phận mà còn tạo ra việc làm cho mình bằng nghề đan nong đựng thóc. Tên chị là Hà Thị Liên, người làng Thịnh Văn (xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Câu chuyện về người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi ấy thấm đẫm tình người và đong đầy hạnh phúc.
Bên chiếc giường gỗ mộc, chị Liên đang hằng ngày đan nong.
Bên chiếc giường gỗ mộc, chị Liên đang hằng ngày đan nong.

TAI HỌA KHI QUA CHIẾC CẦU TRE

Chị cố ghìm cảm xúc để kể về cuộc đời mình. Liên sinh trưởng trong một gia đình mấy đời sống bằng nghề dệt vải và đan lát. Chị biết đan từ khi là bé con học lớp ba, lớp bốn. Năm hai mươi tuổi, Hà Thị Liên vào làm công nhân Xí nghiệp khai thác quặng a-mi-ăng ở Hòa Bình. Cô gái có nước da trắng làm việc hăng say, tích cực cho nên ai cũng yêu mến. Giữa ngun ngút trùng xanh, một người con trai tìm đến làm quen. Chàng trai miền biển có nước da bánh mật này hơn Liên bảy tuổi, anh tên là Đinh Quang Sáu quê ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Nghệ An).

Cuộc đời Liên như cây xanh tràn trề nhựa sống, ai ngờ một tai họa ập đến. Hôm ấy, là một ngày áp Tết năm 1971, trên đường về quê, khi đi qua chiếc cầu tre thì bánh trước bị kẹt vào chỗ lõm, chiếc xe đạp đột ngột mất thăng bằng ngã chúi về phía trước hất Liên ngã xuống suối. Cô bị va vào đá và bất tỉnh nhân sự. Suốt hai tháng trời nằm điều trị, bác sĩ buộc quyết định phải tháo khớp.

Thời gian chăm sóc Liên ở bệnh viện cũng là lúc ở vùng Kỳ Sơn, huyện Hòa Bình, nguồn quặng đã khai thác cạn kiệt, buộc xí nghiệp của họ giải thể. Khó khăn chồng chất khó khăn như càng giằng níu thân phận con người. Chưa bao giờ họ lại thấy cần nhau như thế.

XÂY ĐẮP TỔ ẤM TỪ TÌNH THƯƠNG

Hôm Liên từ bệnh viện về, bà con hàng xóm đến nhà thăm hỏi, động viên thật nhiều. Rồi một cái tin sét đánh ngang tai lại đến với gia đình Liên, anh trai cô hy sinh ở mặt trận phía nam. Anh Sáu về chung sống với Liên trong một hoàn cảnh thê lương như thế. Trong lúc này anh thương Liên bao nhiêu lại càng thương mẹ vợ bấy nhiêu. Ngôi nhà tranh vách đất hun hút gió lùa... Khác với những đôi trai gái, người vợ trẻ phải nằm trên giường để ký vào giấy đăng ký kết hôn mà người chồng mang từ chính quyền xã về.

Bấy giờ, anh Sáu đảm đương mọi công việc trong gia đình. Anh không bó tay nhìn cảnh cả nhà phải sống quay sống quắt khổ cực trăm bề. Anh quyết học nghề làm miến dong để cải thiện cuộc sống. Sáu hì hục đẽo gọt làm công cụ cán miến dong. Mỗi sáng chưa bảnh mắt, anh Sáu đã lễ mễ gánh dong riềng từ chợ Bè về. Lúc này chị Liên tuy hai chân “bất lực” trong chuyện đi lại nhưng chị có thể tựa người vào thành giường, tập cho đôi tay hoạt động phần cho đỡ khuây khỏa, phần để động viên chồng. Chị còn tham gia cán bột, thổi lửa tráng miến dong. Cần cù là vậy, mỗi ngày anh Sáu cũng nghiền được hàng tạ bột. Có tiền bán miến dong, anh Sáu đủ trang trải thêm tiền mua thức ăn và tiền thuốc thang bồi dưỡng cho vợ. “Mình thì ăn uống đạm bạc nhưng với vợ thì phải chăm sóc kỹ càng nhất có thể. Dù gia cảnh còn túng bấn nhưng anh luôn cố gắng kiếm cho vợ một chút thức ăn tươi khi thì quả trứng, lúc con cá nục, bữa thì bát canh hến”, chị Liên nhớ lại.

Nhờ được sự săn sóc chu đáo của chồng, nước da Liên từ xanh nhợt bắt đầu trở lại hồng hào. Thế rồi hơi ấm của hai trái tim đã dâng lên niềm hạnh phúc, Liên đã có thai. Thế rồi, vào một ngày đầu tháng giêng năm 1975 chị Liên sinh cậu bé mặt mũi kháu khỉnh. Anh Sáu đặt tên con là Đinh Quang Hà.

Anh Sáu vừa phải tiếp tục làm miến, vừa cùng lúc chăm lo cho cả gia đình. Mỗi đêm, anh chỉ ngủ khoảng ba tiếng đồng hồ. Hết giúp vợ lại đỡ con, nửa đêm dậy thay tã. Từ ngày Liên có con, người hàng xóm đêm đêm chợt thức giấc lại nghe tiếng chày giã bột thì thụp. Thằng bé ăn khỏe, mặc dù nguồn sữa mẹ dồi dào nhưng sợ vợ hao sức cho nên anh phải dỗ con ăn thêm cháo bột. Bốn năm sau, chị Liên sinh thêm một cháu gái khiến anh vất vả hơn.

Một buổi chiều vừa bán gánh xong gánh miến dong ở chợ Gôi về, anh Sáu bảo: “Mẹ Liên ơi không biết ra răng mà dong riềng bây giờ hiếm quá. Hay ta chuyển sanh nghề đan nong. Người trong làng này họ cũng chuyển nghề hết rồi”. Giọng anh Sáu chùng xuống: “Thú thật với mẹ Liên là nghề đan bố lóng nga lóng ngóng lắm. Chắc chi đã hành nghề được”. Liên nói ngay: “Anh cứ chịu khó đi ra sông mua nứa mua tre về đây. Em nằm trên giường em cũng đan được mà”. Thế là bán hết bốn bì miến dong cuối cùng gia đình anh Sáu bắt đầu chuyển nghề. Bấy giờ, ở làng Sơn Thịnh đã xây được lớp nhà trẻ và mẫu giáo. Cứ mỗi buổi sáng anh Sáu đưa cả hai đứa vào trường xong lại trở về chẻ nứa cho vợ đan. Mấy ngày đầu chưa quen công việc, anh bị nứa cứa vào ngón tay rỏ máu tươi ướt bầm cả mũi dao. Khi hiểu được thuộc tính của loài nứa rồi thì anh chẻ nhanh như máy. Anh Sáu chẻ, rồi xếp nan nứa lên giường, chị Liên mắt nhìn theo tay. Cứ mỗi ngày chị đan được hai chiếc nong, gấp đôi cả người đan thành thạo trong làng. Dần dần, sản phẩm của đôi vợ chồng này tạo có uy tín khắp vùng. Sản phẩm của họ đã được nhiều khách hàng tới tận nhà mua.

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Anh Sáu đột ngột qua đời vào năm 1991 sau cơn nhồi máu cơ tim. Khi đó cậu bé Hà mới 16 tuổi, cô con gái Hằng mới 12 tuổi. Hà học hết trung học cơ sở, phải tạm dừng để làm tiếp công việc của người bố. Trời hai lần gieo tai họa cho chị Liên nhưng trời cũng cho chị niềm hạnh phúc của người mẹ có hai con ngoan. Cuộc đời con người như chị Liên không ai có thể ngờ rằng qua cơn bể dâu dần dần cũng lặng sóng. Những hạnh phúc bắt đầu nở nụ, tươi mầm làm vơi đi những đau thương mất mát của chị. Chị thấy không tủi phận nữa khi nhìn sự trưởng thành của hai con. Bây giờ đã ngoài tuổi ba mươi, từ phó bí thư đoàn xã Sơn Thịnh, Hà đang làm một tổ trưởng tổ chuyên xây dựng các công trình trong thôn. Hà kể cho tôi chuyện mình đi hỏi vợ, rồi chuyện dạy vợ chăm sóc mẹ. Hai vợ chồng nhờ yêu thương nhau, chia sẻ hoàn cảnh cho nên sống trong bầu không khí gia đình đầm ấm. Gia đình Hà có hai con kháu khỉnh. Chị Liên tự hào nói: “Cũng như bố cháu, Hà là một người con trai giàu nghị lực. Hà cũng khéo tay, đan không hề kém mẹ. Cậu cũng ra sông mua tre, mua nứa, mua mây như bố cậu ngày xưa”.

Hà bảo: “Có những đêm trở trời trái gió em không tài nào chợp mắt vì mẹ đau ê ẩm cả người, xương sống có cảm giác kim chích từng đốt. Em xoa bóp cho mẹ để mẹ đỡ nhức đỡ buốt. Đinh Quang Hà kể một cách hồn nhiên cho tôi nghe chuyện cậu hoạt động thanh niên, chuyện phấn đấu vào Đảng đến cả chuyện làm ăn trong cuộc sống đời thường. Tính chịu thương chịu khó dường như đã ngấm vào máu vào thịt của chàng thanh niên này. Hà đã từng làm đủ nghề, bán báo, rồi phụ xây dựng..., nhưng nghề chính nuôi sống cả gia đình cậu vẫn là nghề đan.

Sau cơn mưa chiều, bầu trời lại quang đãng, vầng trăng đêm rằm tháng mười hiện ra. Con sông Ngàn Phố lấp loáng ánh trăng, qua khung cửa sổ chị Liên vẫn nhìn thấy ánh trăng. Ánh trăng im lặng gợi cho chị nhớ thuở chị và anh Sáu yêu nhau. Vậy mà đã bao nhiêu mùa trăng đi qua anh Sáu không về nữa, chị vẫn lặng lẽ ngồi đan. Chị đan nong trong nước mắt nhưng giọt nước mắt ấy không bao giờ cô đơn.

* Trời hai lần gieo tai họa cho chị Liên nhưng trời cũng cho chị niềm hạnh phúc của người mẹ có hai con ngoan. Cuộc đời con người như chị Liên không ai có thể ngờ rằng qua cơn bể dâu dần dần cũng lặng sóng. Những hạnh phúc bắt đầu nở nụ, tươi mầm làm vơi đi những đau thương mất mát của chị. Chị thấy không tủi phận nữa khi nhìn sự trưởng thành của hai con.