Góc nhìn

Xã hội đang có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến cuộc sống nói chung, đặc biệt là với trẻ em. Sức khỏe tinh thần cần được đánh giá xem xét ở mức độ quan trọng hơn, bởi trẻ em chỉ có thể phát triển toàn diện khi khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Chăm lo sức khỏe tinh thần là trách nhiệm không của riêng ai.
0:00 / 0:00
0:00

Phong cách sống "5 tự"

Góc nhìn ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội

Nhà trường, gia đình, xã hội đều phải chung tay, bởi kinh nghiệm thực tế đã cho chúng ta thấy: sai một ly đi một dặm.

Riêng với học sinh, vấn đề phát triển tư duy và tâm lý sẽ thay đổi theo từng cấp học. Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, tôi luôn đề ra phong cách sống "5 tự": tự học sáng tạo, chỉ khi học sinh tìm được niềm vui trong việc học, có động cơ học tập, rồi từ đó tìm được cách mới, sáng tạo hơn để học tập, và cố gắng duy trì nền nếp, thói quen học tập đó, khi ấy giáo dục mới có hiệu quả; tự chủ là khi học sinh có hoài bão và ước mơ, hiểu được rằng làm điều gì thì mới tốt và phù hợp cho bản thân; tự tin, khi đã tích lũy được đủ kiến thức thì tự khắc các bạn sẽ có chủ kiến, vươn lên khỏi các nghịch cảnh; tự trọng, là khi học sinh có thể tôn trọng bản thân, hạn chế sai lầm và trân trọng người khác; tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, biết nhận sai và biết sửa lỗi. Khi đã trang bị được đầy đủ những điều ấy, tự phát triển bản thân sẽ không là điều quá khó khăn.

Đối với gia đình, tôi kiến nghị phương châm "kỳ vọng ít thôi, kỳ công nhiều hơn". Cha mẹ phải là người hiểu con mình nhất, sau đó đồng hành, tìm hiểu, tham gia vào các lĩnh vực con quan tâm, hứng thú, tạo điều kiện hỗ trợ, cho con được rèn giũa. Phải luôn nhạy cảm, cố gắng phát hiện ra những dấu hiệu báo động khi con cần. Đặc biệt với vấn đề sức khỏe tinh thần, các gia đình không nên né tránh, phải đưa con đi khám chữa kịp thời nếu cần.

Đối với nhà trường, các phòng tư vấn tâm lý học đường đã được chính thức đưa vào hoạt động nhưng lại thiếu biên chế. Các thầy, cô giáo chủ nhiệm đang phải gồng mình vừa làm nhân viên tư vấn, vừa đứng lớp. Các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng, nguồn học liệu mở về tham vấn tâm lý, quan sát, lắng nghe học sinh cần được bổ sung tăng cường trên nhiều nền tảng dành cho giáo viên.

Không chỉ người lớn mới gặp nhiều căng thẳng

Góc nhìn ảnh 2
Bà Nguyễn Thuận Hải - Trưởng phòng Tổng đài điện thoại quốc gia

bảo vệ trẻ em 111

Tám tháng năm 2022, Tổng đài 111 tiếp nhận 177 cuộc gọi tư vấn liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, chiếm 2,4% trên tổng số các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở Tổng đài, tuy đã giảm 0,8% so cùng kỳ năm 2021, nhưng lại có đến bốn ca can thiệp hỗ trợ về việc trẻ em có hành vi tự hại và tự tử, tăng ba ca so cùng kỳ năm 2021. Chủ yếu vấn đề các em thường gặp phải đến từ căng thẳng do áp lực học tập; do mâu thuẫn trong các mối quan hệ với người thân, bạn bè đặc biệt là bị bố mẹ kiểm soát, áp đặt; cảm thấy cô đơn, không được quan tâm, chia sẻ; không xác định được mục tiêu, không có phương hướng.

Các tổng đài viên thông qua trò chuyện bước đầu cũng có thể tham vấn, hỗ trợ, và hẹn các em gọi lại để xem xét tình hình chuyển biến của các em. Với các ca đặc biệt nghiêm trọng, Tổng đài sẽ triển khai hỗ trợ khẩn cấp với địa phương, đến tận nhà gặp trực tiếp các em tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tạo môi trường lành mạnh cho trẻ

Góc nhìn ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Mỗi trẻ em là một cá thể khác biệt. Các em sẽ có những cá tính khác nhau, riêng biệt và khó có thể thay đổi. Với trí tưởng tượng phong phú, các em cũng sẽ có cho mình những ước mơ riêng. Có thể có những ước mơ to lớn như cứu thế giới, nhưng đôi khi cũng có thể chỉ đơn giản là con muốn được trở thành một người thợ lành nghề. Người lớn chúng ta cần hiểu rằng, các con có ước mơ là đáng mừng rồi. Bởi có ước mơ tức là các con có khát vọng và muốn phấn đấu. Trách nhiệm của gia đình, của nhà trường, của xã hội là tạo môi trường lành mạnh để các em phát triển ước mơ.

Tôi luôn tin tưởng vào phương pháp giáo dục tích cực dựa trên hai nền tảng chính là: ấm áp và cấu trúc (tin tưởng). Đối với gia đình và cả nhà trường, cha mẹ, giáo viên có thể đưa ra kỷ luật nhưng không bạo lực. Thậm chí có thể lấy ý kiến, tạo điều kiện cho các em tham gia xây dựng những nguyên tắc mọi người cần tuân theo, đương nhiên là cần có hiệu lực với cả người lớn-để nêu gương.